| Hotline: 0983.970.780

Ấn Độ ‘bật lại’ Mỹ về cảnh báo nhập dầu giá rẻ của Nga

Thứ Bảy 19/03/2022 , 10:48 (GMT+7)

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo Ấn Độ rằng, việc mua dầu giá rẻ của Nga sẽ đặt nền dân chủ lớn nhất thế giới vào lề trái của lịch sử.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại một cuộc họp báo ở thủ đô New Dehli. Ảnh: Sputnik

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại một cuộc họp báo ở thủ đô New Dehli. Ảnh: Sputnik

Nguồn tin từ Nhà Trắng loan đi sau khi doanh nghiệp dầu khí nhà nước của Ấn Độ là Indian Oil đã mua khoảng 3 triệu thùng dầu thô của Nga sau khi Moscow giảm giá sâu so với giá dầu Brent. Các nguồn tin cho biết, phía Nga giảm giá dầu thô từ 27 đến 30% so với giá mặt hàng này trên thị trường quốc tế.

Theo ngụ ý của bà Jen Psaki, việc Ấn Độ mua dầu của Nga vào thời điểm này không khác nào "hỗ trợ cho một cuộc chiến gây ra những  hậu quả bi thảm”, mặc dù bà thừa nhận thương vụ mua dầu sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong một phản ứng đáp trả mạnh mẽ cảnh báo của Mỹ, đại diện chính phủ Ấn Độ nói rằng họ sẽ tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ bất kỳ nguồn nào phù hợp với lợi ích của mình nhất, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Nga.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói: "Các giao dịch năng lượng hợp pháp của Ấn Độ không nên bị chính trị hóa và các quốc gia tự cung tự cấp dầu hoặc những nước nhập khẩu từ Nga không thể biện hộ nhằm hạn chế sự giao thương".

Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết thêm rằng, giá dầu tăng vọt kể từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hôm 24/2 đã khiến cho thị trường xáo trộn và làm tăng nhu cầu tận dụng những nguồn cung dầu mỏ cạnh tranh.

New Dehli cũng trích dẫn các nhà nhập khẩu dầu và khí đốt lớn của Nga như Đức, Ý, Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Lithuania, lưu ý rằng các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây đối với Moscow đều thuộc diện miễn trừ để tránh tác động đến việc nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Các nguồn tin nhấn mạnh: "Các ngân hàng Nga là kênh chính để Liên minh châu Âu thanh toán cho năng lượng nhập khẩu của Nga đã không bị loại trừ khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu- SWIFT", nhằm tránh những lo ngại của một số nhà phân tích về cách thức thanh toán tiền mua dầu từ Nga.

Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới. Theo dữ liệu hàng hóa và phân tích của hãng Kpler, việc giành mua lô dầu thô của Ấn Độ từ Nga vừa qua đã chạm mức 360.000 thùng dầu/ngày, tính từ đầu tháng 3 đến nay, cao gần gấp 4 lần mức trung bình của năm 2021.

Các nguồn tin cho biết thêm, Ấn Độ có thể sẽ sớm mua tiếp 15 triệu thùng dầu thô nữa từ Nga. Hồi đầu tuần này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri.

Ngoài Ấn Độ, hiện nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cũng phụ thuộc lớn vào nguồn dầu mở và khí đốt từ Nga. Đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine đã khiến giá dầu thế giới tăng vọt và gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu. Ảnh: Sputnik

Ngoài Ấn Độ, hiện nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cũng phụ thuộc lớn vào nguồn dầu mở và khí đốt từ Nga. Đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine đã khiến giá dầu thế giới tăng vọt và gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu. Ảnh: Sputnik

Tại cuộc trao đổi với đối tác Ấn Độ, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói: “Chúng tôi quan tâm đến việc thu hút thêm đầu tư của Ấn Độ vào lĩnh vực dầu khí của Nga và mở rộng mạng lưới bán hàng của các công ty Nga tại Ấn Độ.

Theo giới phân tích, năng lượng đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của "quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền" lâu dài giữa các công ty Ấn Độ và Nga, kể từ khi hai bên hoàn tất một số dự án hợp tác song phương vào năm 2016.

Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft hiện sở hữu 49% cổ phần của Nayara Energy, công ty tư nhân của Ấn Độ, đơn vị điều hành nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của quốc gia Nam Á và đông dân thứ hai thế giới.

Giá dầu thô và khí đốt tăng đột ngột đã phá vỡ dự báo ngân sách của chính phủ Ấn Độ cho năm tài chính hiện tại. Theo tính toán, có tới 85% nhu cầu dầu thô của Ấn Độ, tương đương khoảng 5 triệu thùng/ngày hiện đang phải trông vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, giá dầu mỏ cao hơn có thể khiến Ấn Độ mất 1,6% tổng sản phẩm quốc dân hàng năm.

Hầu hết nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Ấn Độ là từ khu vực Trung Đông, cụ thể là Iraq 23%, Ả Rập Saudi 18%, UAE 11%. Mỹ nhiều năm gần đây cũng trở thành nguồn cung cấp dầu thô quan trọng cho Ấn Độ, chiếm tỷ lệ 7,3%.

Trước đó hôm 8/3, Phó Thủ tướng Nga  Alexander Novak cảnh báo, việc loại bỏ nguồn cung cấp dầu mỏ và khi đốt của Nga ra khỏi thị trường năng lượng thế giới sẽ khiến giá loại năng lượng này tăng vọt lên hơn 300 USD/thùng. Phát biểu với báo chí, ông Novak cho rằng, Nga là “đối tác đáng tin cậy” của châu Âu trong nhiều thập kỷ qua và nước này đã đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Tuyên bố của ông Novak được đưa ra trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục, trong khi giá dầu thô Brent lần đầu tiên vượt ngưỡng 130 USD/thùng trong vòng một thập kỷ.

(Sputnik News)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.