| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ đàn vật nuôi dịp cuối năm

An toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Thứ Bảy 07/10/2023 , 08:05 (GMT+7)

Giai đoạn cuối năm người chăn nuôi tăng đàn vật nuôi để tạo nguồn cung ứng thịt phục vụ các dịp tết, cơ quan thú y khuyến cáo cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi ở Khánh Hòa giữ vững ổn định. Ảnh: KS.

Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi ở Khánh Hòa giữ vững ổn định. Ảnh: KS.

Chăn nuôi giữ ổn định

Thời gian gần đây, ngành chăn nuôi Khánh Hòa có sự chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại gắn với an toàn dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 332 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 60 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 132 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 140 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, với khoảng 80% tổng đàn lợn, 50% tổng đàn gà và 5% tổng đàn bò được nuôi trong trang trại.

Tỉnh Khánh Hòa có 13 cơ sở chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh gồm 10 cơ sở chăn nuôi lợn, 2 cơ sở chăn nuôi gà và 1 cơ sở chăn nuôi đà điểu. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh sinh trưởng và phát triển ổn định. Tổng đàn trâu, bò gần 80.000 con (tăng 0,6%), tổng đàn lợn hơn 300.000 con (tăng 10%) và tổng đàn gia cầm 3,3 triệu con (tăng 2,5%) so với cùng kỳ.

Người chăn nuôi tái đàn để phục vụ nhu cầu thịt lợn vào dịp cuối năm. Ảnh: KS.

Người chăn nuôi tái đàn để phục vụ nhu cầu thịt lợn vào dịp cuối năm. Ảnh: KS.

Theo ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa chia sẻ, những yếu tố giúp tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định.

Thứ nhất, con giống vật nuôi đã được cải tạo nhằm tăng năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường; đồng thời duy trì, phát triển thế mạnh giống vật nuôi bản địa. Thứ 2, chăn nuôi có sự chuyển dịch lớn từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại và có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thứ 3, hệ thống thú y cơ sở thực hiện tốt công tác giám sát tình hình dịch bệnh ở địa phương nên không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Thứ 4, hàng năm Chi cục đều xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật nuôi đúng theo quy định. Công tác tổ chức tiêm phòng định kỳ các loại bệnh trên gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, đợt 1/2023, các địa phương đã tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò đạt tỷ lệ hơn 80% và tiêm vacxin cúm gia cầm đạt hơn 96%.

Thận trọng chăn nuôi cuối năm

Hiện nay, giai đoạn cuối năm người chăn nuôi tăng đàn vật nuôi để tạo nguồn cung ứng thịt nhằm phục vụ nhu cập dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán. Xã Cam Hòa, là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm khá lớn của huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Duy Biên, cán bộ thú y xã Cam Hòa cho biết, hiện toàn xã có 100 hộ chăn nuôi gồm 6.000 con gà, 500 con lợn và 300 con bò. Bên cạnh đó, toàn xã có 10 trại nuôi gà quy mô từ 500 đến hàng ngàn con/trại và 1 trại heo gồm 30 con nái, 100 con thịt.

Ông Nguyễn Văn Tiến, một người chăn nuôi lợn ở xã Cam Hòa cho biết, hiện gia đình ông đã bắt đầu nuôi lứa lợn thịt để cung ứng thị trường dịp cuối năm. Dù biết tết là cao điểm tiêu thụ mạnh thịt lợn nhưng ông tăng tái đàn với số lượng không nhiều khoảng 30-40 con. Bởi giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đầu ra giá bấp bệnh, hiện chỉ còn 57.000 đồng/kg (lợn hơi) giảm 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Cộng với nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn rình rập, nếu rủi ro sẽ lỗ vốn.

Gia đình chị Dung đang đẩy mạnh tán đàn chăn nuôi dịp cuối năm. Ảnh: KS.

Gia đình chị Dung đang đẩy mạnh tán đàn chăn nuôi dịp cuối năm. Ảnh: KS.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung, thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh hiện thả 4 lứa gà (mỗi lứa 1.500 con), với độ tuổi khác nhau nhằm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm.

Chị Dung cho biết, giống gà Đòn Dabaco là gia đình lựa chọn để nuôi dịp này. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, gia đình chị chú trọng vệ sinh thú y và tiêm phòng vacxin đầy đủ cho đàn gà. Đồng thời, theo dõi đàn vật nuôi thường xuyên, cho ăn đủ dưỡng chất trong những ngày thời tiết thay đổi bất thường như: nắng nóng kéo dài hay mưa liên tục nhằm giúp đàn vật nuôi phát triển khoẻ mạnh.

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cho các hộ khi tăng đàn, ngành chăn nuôi tỉnh chỉ đạo các trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học.

Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi lựa chọn con giống tái đàn đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm đầy đủ theo quy định của cơ quan chuyên môn. Cũng như có giấy chứng nhận kiểm dịch; kê khai tổng đàn vật nuôi cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương và thực hiện khử trùng chuồng trại trước khi đưa con vật vào nuôi.

Người nuôi cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; bổ sung vitamin, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm… Đặc biệt, người nuôi cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Theo ông Lê Thắng, để kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi vào dịp cuối năm, hiện Chi cục đang triển khai tiêm phòng định kỳ đợt 2/2023 cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cơ quan thú y sẽ tiêm 432.800 liều vacxin cúm gia cầm cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm dưới 500 con tại các địa phương có nguy cơ cao; 21.400 liều vacxin phòng bệnh lở mồm long móng trâu, bò cho các cơ sở chăn nuôi trâu bò dưới 10 con tại các địa phương có nguy cơ cao và dự kiếm tiêm phòng gần 43.000 liều vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu bò cho các cơ sơ cơ sở chăn nuôi trâu bò dưới 10 trên địa bàn tỉnh khoảng tháng 11/2023.

Cùng với đó triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2 trên địa bàn các xã, phường, thị trấn có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm. Đồng thời tuyên truyền đến cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn, đăng ký nhu cầu tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi (nếu có) với Trạm Chăn nuôi và Thú y để được hướng dẫn, giám sát và tổ chức tiêm phòng khi đáp ứng yêu cầu của cơ quan thú y và nhà sản xuất vacxin.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.