| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, dịch bệnh ít, lợi nhuận nhiều

Thứ Ba 19/09/2023 , 09:10 (GMT+7)

Với gần 1.000 hộ chăn nuôi, xã Lũng Cú trở thành địa phương dẫn đầu của huyện Đồng Văn (Hà Giang) về phát triển chăn nuôi, giúp người dân thoát nghèo hiệu quả.

Chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, gia đình chị Dìu Thị He, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, gia đình chị Dìu Thị He, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình chị Dìu Thị He, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang phát triển chăn nuôi gà quy mô lớn từ tháng 10/2021. Hiện nay, gia trại của chị He có 1 nghìn con gà mái nuôi đẻ trứng và 300 con gà thịt.

Chị He cho biết, trước đây khi chưa nắm được quỹ trình kỹ thuật chăn nuôi cái nghèo, thiếu thốn luôn thường trực trong gia đình chị. Để nắm được kỹ thuật chăn nuôi ngoài tìm hiểu kiến thức trên các trang báo thì chị cũng thường xuyên gọi điện hỏi tư vấn của cán bộ chăn nuôi thú y xã huyện.

Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, sau gần 3 năm nuôi gà, giờ đây các kiến thức về chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, công tác thú y được chị He nắm khá vững.

Trung bình mỗi ngày đàn gà cho gia đình chị He từ 500 đến 700 quả trứng bán ra thị trường, với giá 3.000 đồng một quả, chị thu về từ 1,5 - 2 triệu đồng tiền bán trứng gà. Từ nguồn thu nhập này đã giúp cho gia đình chị He ổn định hơn trong cuộc sống và có đủ điều kiện cho các con ăn học.

Cùng với gia đình chị He, hiện nay trên địa bàn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn có khá nhiều hộ dân người dân tộc Lô Lô, người Mông… chăn nuôi quy mô lớn thành công.

Điển hình như hộ gia đình ông Giàng Mí Dính thôn Xín Mần Kha với mô hình nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo và dê cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hay mô hình chăn nuôi lợn sinh sản của gia đình anh Ly Mí Pó ở thôn Cẳng Tằng nuôi 7 con lợn nái thu nhập từ 35 đến 40 triệu đồng cho mỗi lần xuất bán…

Ông Chu Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con.

Ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, doanh thu bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Phát triển chăn nuôi cũng là hướng đi giảm nghèo hiệu quả bền vững mà chính quyền xã Lũng Cú hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Phát triển chăn nuôi cũng là hướng đi giảm nghèo hiệu quả bền vững mà chính quyền xã Lũng Cú hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Việc phát triển các mô hình kinh tế trên không những giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển theo hướng bền vững.

Những năm qua những hộ người dân tộc thiểu số ở xã Lũng Cú đã chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi nên tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh. Đến nay, toàn xã có gần 5.000 con trâu, bò trên 18.000 con gia cầm và 300 đàn ong.

Tuy đã có nhiều đổi mới, song ngành chăn nuôi ở xã biên giới Lũng Cú cũng có nhiều khó khăn. Bởi nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên kỹ thuật và kiến thức chăn nuôi của nhiều hộ còn hạn chế. Việc chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại trong tư duy nên việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn và khó tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế do chăn nuôi mang lại.

Do đó, sự hỗ trợ đồng hành của chính quyền địa phương cũng như ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung trên địa bàn xã Lũng Cú, giúp người dân bản địa tạo được sinh kế ổn định, đồng thời đây cũng là kênh cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng, đặc sản phục vụ khách du lịch khi đến với mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc, nơi có cột cờ Lũng Cú thiêng liêng.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.