“Vượt sóng” vào thị trường Halal
Thị trường các nước Hồi giáo (Halal) là một trong những thị trường lớn, đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Với hơn 2 tỷ người Hồi giáo thế giới, thị trường này tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là về gia cầm.
Trung bình, mỗi năm người Hồi giáo chi khoảng 20.000 tỷ USD để mua các loại thực phẩm này. Tại Đông Nam Á, có khoảng 860 triệu người theo đạo Hồi. Họ chi khoảng 460 tỷ USD mỗi năm để mua các loại thực phẩm có chứng nhận Halal.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu trên thế giới nguyên tắc số một là động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đạt an toàn dịch bệnh. Việt Nam chúng ta chưa phải là quốc gia an toàn dịch bệnh điều kiện tiên quyết là phải có được vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
“Khi đã có vùng an toàn dịch bệnh rồi cần có những chuỗi cơ sở đảm bảo từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến phải tuân thủ theo các yêu cầu về đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng với thị trường Halal còn thêm các yêu cầu nghiêm ngặt về từng công đoạn sản xuất, từ thức ăn, con giống, nuôi dưỡng đến nhà máy giết mổ và sản phẩm chế biến, quy trình rất cụ thể”, ông Long lưu ý.
Cụ thể, con giống phải được xác nhận, có bố mẹ nuôi theo quy trình Halal. Gà nuôi từ 1 ngày tuổi đến khi giết mổ toàn bộ phải sử dụng thức ăn đạt tiêu chuẩn Halal, quy trình giết mổ cũng phải theo quy định của Halal.
Công ty Halal Quốc gia Việt Nam hiện là văn phòng đại diện của các cơ quan chứng nhận Halal quốc tế đến từ các quốc gia có tiêu chuẩn Halal chặt chẽ, có uy tín quốc tế cao. Các chứng nhận được cấp bởi công ty này sẽ cho phép sản phẩm gia cầm tiếp cận những thị trường Halal khó tình hàng đầu như Trung Đông, Malaysia, Indonesia…
Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho biết, đối với thực phẩm, tiêu chuẩn Halal yêu cầu quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.
“Không có tiêu chuẩn Halal thống nhất ở hơn 200 quốc gia có người Hồi giáo sinh sống trên thế giới. Nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi dường như tuân theo các tiêu chuẩn Halal của họ và không nhất thiết phải tương thích với tiêu chuẩn của các quốc gia khác. Tương tự như vậy, nhiều tổ chức chứng nhận Halal cấp chứng chỉ Halal dựa trên tiêu chí của họ và tiêu chí này có thể không khớp với tiêu chí do các tổ chức chứng nhận khác cấp”, ông Cương lưu ý.
Để làm rõ ý kiến trên, ông Cương lấy ví dụ, với bộ tiêu chuẩn MS 1500-2029 của JAKIM, sản phẩm chứng nhận sẽ chỉ vào được thị trường Malaysia, bộ tiêu chuẩn HAS 23000 chỉ vào được thị trường Indonesia, bộ tiêu chuẩn GSO 2055-1 do SFDA công bố sẽ đi vào được các nước Trung Đông. Nếu doanh nghiệp muốn đảm bảo hàng hóa thông quan với các quốc gia còn lại có người Hồi giáo cần làm hai chứng nhận đồng thời là HAS và GSO.
Hạn chế lớn nhất của Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Halal là tỷ lệ người theo đạo Hồi rất thấp và rất ít người trong số đó được đào tạo về quy trình chứng nhận Halal. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam không có cơ hội để khai thác thị trường này.
“Điều kiện quan trọng nhất là các quốc gia và doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng và khả năng đóng góp của ngành công nghiệp Halal vào doanh thu của quốc gia. Từ đó, tăng cường hoạt động đào tạo, xúc tiến đầu tư, đàm phán để khơi thông nông sản Việt cũng như các ngành khác vào thị trường giàu tiềm năng này”, ông Trần Văn Tân Cương chia sẻ.
Công ty CPV Food Bình Phước cũng là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt chứng nhận Halal. Theo ông Nguyễn Văn Cảm, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, để có chứng nhận khắt khe này, ngoài việc tuân thủ nhân đạo trong giết mổ như gà phải ở trạng thái thoải mái, được hưởng phúc lợi động vật, quá trình cắt tiết phải được làm bởi người theo đạo Hồi.
Các công nhân trực tiếp thực hiện công việc sẽ cầu nguyện trước khi cắt tiết. Lưỡi dao phải đảm bảo rất sắc và chỉ cắt 1 đường duy nhất để đảm bảo gà ra đi nhanh chóng, êm ái nhất. Mỗi lao động thực hiện công đoạn này cũng có thời gian nghỉ nhất định trong ca làm, để họ cầu nguyện, theo đúng chuẩn Halal.
“Khi chế biến, thịt gà được cắt theo hình dạng, kích thước riêng cũng như được tẩm ướp, chế biến theo công thức riêng của mỗi khách. Đặc biệt, sản phẩm phải đi qua máy X-quang và máy dò kim loại để loại bỏ tạp chất (nếu có) lẫn trong thực phẩm rồi được cấp đông ở nhiệt độ -18 độ C nhằm đảm bảo chất lượng”, ông Cẩm cho hay.
Thị trường Halal, mũi tên trúng nhiều đích
Hiện nay, tổng đàn gia cầm của cả nước đạt khoảng 560 triệu con. Đây là cơ hội rất tốt để ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam có thể nắm bắt. Điều này không chỉ giúp nâng cáo giá trị sản xuất cho người chăn nuôi mà vị thế của ngành chăn nuôi gia cầm nước ta cũng được tăng lên. Một số thị trường Halal đã chủ động tìm nguồn cung cấp thịt gà từ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, đây là thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam có thể xuất khẩu mặt hàng thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm.
Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng các cơ sở, vùng đáp ứng được quy chuẩn để có thêm nhiều chứng nhận Halal. Cục Thú y cũng đã đàm phán với nhiều thị trường Halal để các sản phẩm chăn nuôi gia cầm có thể xuất khẩu sang thị trường này.
"Từ năm 2023, Bộ NN-PTNT đã chuẩn bị cho công tác xuất khẩu thịt gia cầm sang thị trường Halal. Đến nay, chúng ta kỳ vọng mỗi tháng Việt Nam có thể xuất khẩu được 1.000 tấn thịt gia cầm sang thị trường Halal", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Tập đoàn De Heus đang có chiến lược rõ ràng để xuất khẩu thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm sang thị trường Halal và các thị trường tiềm năng khác.
Thời gian qua, nhiều đơn vị đã đến khảo sát, đánh giá quy trình chăn nuôi, giết mổ của De Heus. Kết quả, các đơn vị rất hài lòng, đánh giá cao và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ De Heus hoàn thiện các quy trình để sớm nhập khẩu sản phẩm vào thị trường.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Toàn cầu cho rằng, nên tiếp cận theo 2 phân khúc là ngắn hạn và dài hạn đối với thị trường Halal. Về ngắn hạn, một số quốc gia Hồi giáo có nhu cầu nhập khẩu gà nguyên con, đây là con đường dễ đi và từng bước để Việt Nam khẳng định thương hiệu. Về tầm nhìn dài hạn, Bộ NN-PTNT và De Heus sẽ xây dựng các chiến lược để đạt được chứng nhận Halal.
“De Heus đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình an toàn dịch bệnh trong chuỗi liên kết chăn nuôi theo quy định của WOAH/OIE. Chúng tôi cố gắng đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh”, ông Gabor Fluit chia sẻ.
Công ty CPV Food Bình Phước là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế. Ông Wirat Wongpornpakdee, Phó Tổng Giám đốc cấp cao ngành thực phẩm và Ngành phát triển kinh doanh mới của C.P. Việt Nam cho biết, tầm nhìn C.P trở thành nhà bếp của thế giới. Do đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công ty.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đưa sản phẩm chăn nuôi gia cầm vào được thị trường Halal không chỉ là thành công mà đó còn là bước đệm cho nhiều bước tiến mới của ngành chăn nuôi Việt Nam. Đó là lời khẳng định rõ ràng nhất về chất lượng chăn nuôi và công tác thú y của Việt Nam đối với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
“Việc tập trung xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal còn để minh chứng cho cộng đồng quốc tế thấy được Việt Nam đã đáp ứng được thị trường khó tính này. Điều này cũng giúp cho các thị trường khác có sự tin tưởng, nhìn nhận khách quan và ưa chuộng sản phẩm gia cầm nói riêng và sản phẩm động vật nói chung”, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ.