| Hotline: 0983.970.780

Áp lực bủa vây Saudi Arabia

Thứ Tư 24/10/2018 , 10:30 (GMT+7)

Sức ép từ phía cộng đồng quốc tế sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi vượt ngoài dự liệu của chính quyền Saudi Arabia. Riyadh thừa nhận đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng thực sự nghiêm trọng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định Saudi Arabia đã lên kế hoạch giết hại nhà báo Jamal Khashoggi

AFP hôm qua cho hay, hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) đã diễn ra tại khách sạn Ritz-Carlton tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia với an ninh được thắt chặt tối đa. FII được là kênh có thể tạo ra các thoả thuận lên tới hàng tỉ USD giữa các quốc gia trên thế giới. Tầm mức của hội nghị này thậm chí được ví như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), tổ chức thường niên tại thành phố Davos (Thuỵ Sỹ). FII vì vậy còn được gọi bằng cái tên “Davos trên sa mạc”.

Tuy nhiên, hội nghị lần này vắng một loạt nhân vật máu mặt, các lãnh quan chức tài chính thế giới, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Nhiều cơ quan truyền thông cũng rút khỏi FII. Tất cả đều với mục đích phản đối chính quyền Saudi Arabia do cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, cây viết đối lập đang cộng tác cho tờ Washington Post (Mỹ).

“Như tất cả đều biết, chúng ta vừa trải qua những ngày rất khó khăn. Chúng tôi đang cố gắng để vượt qua khủng hoảng”-Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih thừa nhận. AFP đã liệt kê thêm nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới tài chính thế giới khác bỏ kế hoạch dự FII, như: CEO Siemens Joe Kaeser, đại diện lãnh đạo JP Morgan, Ford và Uber, các hãng truyền thông Bloomberg, CNN, Financial Times…

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, Berlin sẽ không thể tiếp tục bán vũ khí cho Saudi Arabia trong tình hình hiện tại. Anh, Đức và Pháp ra tuyên bố chung yêu cầu chính quyền Riyadh khẩn cấp làm rõ cái chết của nhà báo Khashoggi hôm 2/10.

Theo giới phân tích, việc các thông tin liên quan vụ ông Khashoggi bị giết tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) bị rò rỉ ra ngoài đã khiến công chúng choáng trước sự dã man của những kẻ thực thi. Chính quyền Saudi Arabia vừa qua lần đầu thừa nhận, ông Khashoggi chết do bị “khoá cổ” bởi nhân viên an ninh và tình báo nước này. Tuy nhiên, công bố mới đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác, đẩy Saudi Arabia vào tình thế càng khó ăn nói với cộng đồng quốc tế.

Cụ thể, ông Erdogan tuyên bố, Ankara có các bằng chứng cho thấy Saudi Arabia đã lên kế hoạch giết nhà báo Khashoggi một cách kỹ lưỡng từ lâu. Ông Erdogan cho hay, hệ thống camera an ninh ở lãnh sự quán Saudi Arabia đã bị tháo trước 1 ngày, dấu hiệu cho thấy một âm mưu ám sát được sắp đặt. Các nguồn tin khác cho hay, người trực tiếp ra lệnh giết ông Khashoggi là trợ lý hàng đầu của thái tử Mohammed bin Salman, Saud al-Qahtani. SCMP nói, al-Qahtani đã nhục mạ ông Khashoggi, sau đó ra lệnh cho cấp dưới xử lý và “mang đầu ông ta về đây”. Trong bài phát biểu trước quốc hội, ông Erdogan cũng cho biết, đã có 2 nhóm đặc vụ tham gia vụ sát hại ông Khashoggi. Một nhóm gồm 9 người bay tới Istanbul từ hôm 2/10. Nhóm khác gồm 3 quan chức Saudi Arabia đã thăm dò khu rừng tại Istanbul, 1 ngày trước khi ông Khashoggi tới lãnh sự quán.

Sự tham gia của Qahtani dẫn tới câu hỏi, có hay không việc thái tử Mohammed bin Salman đứng sau vụ việc này. Thái tử bin Salman là nhân vật đầy quyền lực ở Saudi Arabia, người đang tiến hành một loạt cải cách ở quốc gia dầu mỏ này.  

Wall Street Journal mới đây hé lộ, hoàng gia Saudi Arabia ban đầu bình thản trước thông tin vụ việc bị hé lộ. Tuy nhiên sau đó, sức ép của cộng đồng quốc tế đã khiến thái tử Mohammed bin Salman hoảng sợ. Ông bin Salman đã không thể hiểu được vì sao cộng đồng quốc tế lại quan tâm đến vậy đối với một nhà báo nhỏ bé.

Nhà Trắng hôm qua đã từ chối bình luận về thông tin do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra. Vụ việc của Saudi Arabia đang đẩy Tổng thống Donald Trump vào tình thế rất nan giải. Mỹ khó có thể hy sinh Saudi Arabia bởi điều này đồng nghĩa Washington có thể không duy trì được ảnh hưởng tại Trung Đông, bao gồm việc kiềm chế Iran. Tuy nhiên, nếu không “xử” Riyadh hoặc có thể cả thái tử Mohammed bin Salman, Washington khó lòng giải thích được với cộng đồng quốc tế.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.

Bình luận mới nhất