| Hotline: 0983.970.780

Ba ngôi làng như anh em ruột

Thứ Ba 01/09/2015 , 09:04 (GMT+7)

Ba ngôi làng thờ chung một vị Thành Hoàng, phân định vai vế anh em; trăm năm chung sống cận kề, chưa bao giờ văng một câu chửi tục, nhứ một nắm đấm vào nhau.

Chuyện làng anh, làng em

Biếu nhau hàng chục xe công nông gạch để lát đường; làng này góp hàng trăm triệu đồng để xây đình làng khác hay giản đơn chỉ là sẻ chia cho nhau từng bó mạ giống, từng bơ gạo lúc khó khăn…

Tinh thần đùm bọc, chan chứa ân nghĩa làng quê ấy được nhân dân 3 thôn Ngọc Lập, Đào Du và Nghĩa Lộ (xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) lưu giữ hàng trăm năm nay.

Mối giao tình quện chặt ấy gắn liền với một sự tích cách đây 800 năm, từ các cháu học sinh đến những cụ già lơ phơ tóc bạc đều kể được vanh vách.

Tương truyền vào thế kỷ 13, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, có một vị tướng nhận lệnh vua Trần tiễu trừ giặc. Khi đến tổng Trương Xá (xã Phùng Chí Kiên ngày nay), ngựa khựng chân ngửa cổ hí vang; voi quấn vòi vào cây đứng im như pho tượng.

Vị tướng quyết định dựng trại bài binh bố trận chống quân thù. Sau ngày giặc rút chạy, ông xin ở lại để dạy học, chỉ cho dân cách làm ăn rồi tịch tại đó. Nhân dân tôn ông là Đô Đại Thành Hoàng Quảng Pháp Tối Linh Đại Vương và lập miếu thờ.

Một đêm mưa gào gió thét, sấm sét đùng đoàng, làng Nghĩa Lộ xuất hiện một cái rương đồng. Biết là báu vật nhưng không ai mở được. Người làng Đào Du thử sức cũng chỉ cậy được he hé.

Chỉ khi người làng Ngọc Lập ra tay, chiếc rương đồng mới bật tung nắp. Bên trong có 15 tấm sắc phong của các đời vua triều Trần cho vị tướng đã có công dẹp giặc ngoại xâm.

11-06-29_nh-3
Khung cảnh trầm mặc trước đình làng Ngọc Lập

Ngoài ra, trong rương đồng còn có một tấm bài vị ghi rõ: Làng Ngọc Lập là anh cả, nằm ở phía Đông Nam. Làng Đào Du là anh hai, nằm ở phía Tây Bắc còn làng Nghĩa Lộ nằm ở trung tâm.

Làng “anh cả”, “anh hai” nhiều đồng sâu ruộng trũng, nhường cho em út “bờ xôi, ruộng mật”. Từ ấy, 3 làng kết nghĩa huynh đệ, thờ chung một Thành Hoàng, có phúc cùng hưởng, họa nạn sẻ chia.

Thống nhất lấy ngày mùng 5 tháng Giêng là ngày rước sắc (hằng năm 3 làng luôn chuyển sắc phong cho nhau để thờ ở đình).

Trăm năm không hiềm khích

Các cụ già một mực khẳng định từ xưa tới nay không có cảnh người dân 3 làng dứ vào mặt nhau nắm đấm hoặc hở lời chửi tục.

“Bởi như thế khác gì bất hiếu, bất nghĩa; khác gì huynh đệ tương tàn, “giọt máu đào” biến thành “ao nước lã”, cụ Nguyễn Văn Hùng (84 tuổi), trưởng ban khánh tiết làng Đào Du lý giải.

Mỗi khi họp hành, người làng “anh cả” bao giờ cũng được ưu tiên phát biểu trước. Nếu muốn có ý kiến, người làng “em út” phải khom lưng, cúi đầu, khoanh tay trước ngực xin phép rất lễ độ như: “Dạ thưa, xin anh cho em được có đôi lời”.

Bao giờ nhận được cái gật đầu của hai làng anh mới được trình bày quan điểm.

Thời dồn đất, lùa trâu bò vào HTX, lúa ruộng phèn làng “anh cả”, “anh hai” ngỏng lêu nghêu nhưng hạt lép kẹp, mưa bão kéo dài là chết rục vì úng ngập. Riêng hạt lúa làng “em út” cứ mẩy roi, chắc nịch, vít cong cây.

Mỗi lần làng Ngọc Lập, Đào Du gặp thiên tai, mùa màng thất bát, dân Nghĩa Lộ tự nguyện nhịn ăn 2 ngày một bữa, góp gạo để san sẻ bớt cơn thèm lương thực với hai anh.

Lại có dạo, nghe tin làng Nghĩa Lộ và Ngọc Lập thiếu mạ giống, cụ Thượng làng Đào Du tức tốc ra đình đánh trống họp dân, giao chỉ tiêu mỗi suất đinh góp 6 bó mạ rồi chia làm đôi, chất lên quang gánh để trai tráng mang sang “chữa cháy” cho các huynh đệ lúc mùa vụ dầu sôi lửa bỏng.

Chẳng cần quy định ràng buộc, người dân 3 làng anh em vẫn kề vai sát cánh bên nhau mỗi lần có công to việc lớn. Không hề tồn tại ranh giới giữa làng anh, làng tôi trong tâm tưởng.

Cụ Hùng kể, ngày trước làng Đào Du có một ngôi đình cổ, phía trước là cây thông cổ thụ cao vút. Thời Mặt trận Việt Minh kêu gọi tổng khởi nghĩa, cán bộ cách mạng trèo lên ngọn cây cắm cờ đỏ sao vàng. Bọn giặc Pháp cay cú chở rơm sang đốt đình thành tro.

Khi dựng lại ngôi đình mới năm 2009, người làng “anh cả”, “em út” mang cả bọc tiền sang xin đóng góp, kiểm đếm được gần trăm triệu đồng.

Năm 2011, làng Nghĩa Lộ cũng dựng lại ngôi đình bị giặc Pháp dũi đổ năm 1947, loa phát thanh của thôn Ngọc Lập, Đào Du lại ra rả lời “tổng động viên” nhân dân góp của để chia sẻ gánh nặng cho làng “em út”.

Trong cuốn sổ đóng góp xây đình làng Nghĩa Lộ mà cụ Nguyễn Kim Đĩnh (trưởng ban khánh tiết của làng) đang nắm giữ, danh sách người thôn “anh cả”, “anh hai” công đức dài dằng dặc gần chục trang giấy, ít thì 100.000 đồng, nhiều lên tới tiền triệu.

Nhiều dòng họ ở Ngọc Lập, Đào Du còn lỉnh kỉnh chở sang cả đèn thờ, đỉnh đồng, hoành phi, câu đối.

Lưu giữ ngàn năm

Cụ Nguyễn Huy Các (84 tuổi), trưởng ban khánh tiết thôn Ngọc Lập kể, thập niên 1980 - 1990 phong trào lát gạch đường làng ở xã Phùng Chí Kiên thổi vào từng ngõ xóm.

11-06-29_nh-1
Cụ Nguyễn Huy Các (bên phải) giới thiệu tấm sắc phong thần bằng đồng của Đô Đại Thành Hoàng Quảng Pháp Tối Linh Đại Vương

Những lúc bí vật liệu, 3 làng huynh đệ tặng nhau chục công nông gạch là chuyện bình thường. Không chỉ giúp nhau vật chất, nhân dân ba làng cũng chẳng tiếc mồ hôi, công sức giúp nhau mở đường, đắp đập.

Nhiều ngôi làng bây giờ chẳng còn sinh khí. Xưa, xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, nay đèn nhà nào nhà nấy rạng. Trước, cái dậu mồng tơi cốt để phân giới nhà anh nhà tôi, giờ phải xây tường thành, cắm mảnh sành ngăn trộm...

Trong thâm tâm của cụ Các và rất nhiều bậc tiền bối không bao giờ muốn sẽ có ngày làng Ngọc Lập, Đào Du và Nghĩa Lộ bị cuốn theo cái lối sống xô bồ, bát nháo ấy.

Thế nên, trong lễ hội rước sắc, lớp người cao niên có trách nhiệm “xới” lại truyền thống quý báu đầy nghĩa tình của 3 làng để thế hệ con, cháu thấm vào óc và tự nguyện “chung lưng đấu cật” như anh em một nhà.

Ấy mới chỉ là tình nghĩa ở làng. Chuyện hai xã Phùng Chí Kiên (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) và Diễn Yên (huyện Diễn Châu, Nghệ An) kết nghĩa anh em cũng hấp dẫn không kém.

Theo ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Chí Kiên, tình hữu hảo ấy bắt nguồn từ phong trào đặt tên xã theo tên các anh hùng dân tộc vào những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX.

Sau khi sáp nhập 3 xã nhỏ là Ngọc Mỹ, Đào Nghĩa, Ngọc Lập, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thống nhất đặt tên xã là Phùng Chí Kiên quê ở làng Mỹ Quan, xã Diễn Yên.

Mặc dù cách xa nhau gần 300 km nhưng suốt 10 năm qua, cứ vào ngày giỗ tướng Kiên (21/8 hằng năm), lãnh đạo xã Phùng Chí Kiên lại về làng Mỹ Quan để thắp nén hương thành kính trước vị anh hùng của dân tộc.

Phùng Chí Kiên (1901-1941), tên thật là Nguyễn Vỹ, quê ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ông tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (1925), học lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc (1926), Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng khoá I (1935), Tổng chỉ huy Khu căn cứ địa Bắc Sơn, Chỉ huy trưởng Cứu quốc quân 1 (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam).

Ông hy sinh ngày 22/8/1941 tại căn cứ Bắc Sơn. Ông đã được truy tặng quân hàm tướng năm 1948.

 

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cháy rừng phòng hộ ven biển, hàng trăm người ra sức dập lửa

QUẢNG BÌNH Trưa 29/4, rừng phòng hộ ven biển thuộc xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã bất ngờ bốc cháy

Bình luận mới nhất