| Hotline: 0983.970.780

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn lĩnh 24 năm tù trong vụ án thứ 3

Thứ Bảy 13/07/2024 , 07:11 (GMT+7)

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị HĐXX tuyên phạt 24 năm tù, là mức án cao nhất so với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát trước đó là từ 22-24 năm tù.

Đồng thời, bà Nhàn có nghĩa vụ phải bồi thường cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM hơn 94 tỷ đồng.

Chiều 12/7, HĐXX sơ thẩm vụ án liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC - đang trốn truy nã) cùng 13 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 95 tỷ đồng đã tuyên án.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng cộng, trong vụ án này, bà Nhàn phải chịu mức án 24 năm tù giam.

Trước đó, trong vụ án xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh, bà Nhàn bị tuyên phạt 10 năm tù, sau đó, bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù trong vụ án tiếp theo. Như vậy, sau 3 phiên tòa, bà Nhàn bị tuyên tổng cộng 64 năm tù, tuy nhiên, hình phạt chung của bị cáo này vẫn là 30 năm tù, bởi đây là mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn.

Các bị cáo đứng nghe tòa tuyên án chiều 12/7. Ảnh: HT.

Các bị cáo đứng nghe tòa tuyên án chiều 12/7. Ảnh: HT.

Ba bị cáo đang trốn nã và bị xét xử vắng mặt như bà Nhàn, là Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng giám đốc AIC) bị phạt 19 năm tù chung cho 2 tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Trần Đăng Tuấn (Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TPHCM) bị phạt 18 năm tù chung cho 2 tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Đỗ Vân Trường (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha) bị phạt 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài 4 bị cáo xét xử vắng mặt nêu trên, HĐXX còn tuyên phạt bị cáo Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc TTCNSH) 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM) bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo còn lại là đồng phạm bị tuyên phạt từ 3 năm 6 tháng đến 8 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo HĐXX, trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 3 bị cáo bỏ trốn, Cơ quan tố tụng kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định. Các bị cáo không ra đầu thú nên HĐXX quyết định xét xử vắng mặt theo quy định pháp luật.

Bị cáo Trần Thị Bình Minh, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM bị phạt 7 năm 6 tháng tù về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'. Ảnh: HT.

Bị cáo Trần Thị Bình Minh, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM bị phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ảnh: HT.

Cũng theo nội dung bản án, bà Nhàn và 3 đồng phạm đã xuất cảnh và bị truy nã. Viện Kiểm sát không tạm đình chỉ, mà truy tố bà Nhàn cùng 3 đồng phạm và Tòa án quyết định mở phiên tòa xét xử vắng mặt là đúng quy định pháp luật. Việc không tạm đình chỉ đối với bà Nhàn là để giải quyết triệt để vụ án cho đến thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, cũng theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 3 bị cáo bỏ trốn có vai trò quan trọng trong vụ án này, nếu tạm đình chỉ sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết.

Về sai phạm của các bị cáo, bản án nêu, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, trong việc dự thầu mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm thuộc dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị Trung tâm công nghệ sinh học, bà Nhàn đã thống nhất bị cáo Dương Hoa Xô tạo điều kiện để Công ty AIC thực hiện các gói thầu tại dự án và sẽ chi tiền cám ơn cho ông Xô.

Bà Nhàn cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á liên danh thực hiện 3 gói thầu; chỉ đạo cấp dưới thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn... để tạo điều kiện cho Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định cho tham gia đấu thầu, trúng thầu; thiết lập các công ty "quân xanh", "quân đỏ" để Công ty AIC trúng 8 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 95 tỷ đồng.

Cũng theo bản án, sau khi trúng thầu, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới đưa tiền (theo tỷ lệ %) cho ông Xô 6 lần tại phòng làm việc của ông Xô, với tổng số tiền là 14,4 tỷ đồng.

Là người có trách nhiệm cao nhất trong nhóm cán bộ tại TP HCM, bị cáo Dương Hoa Xô đã thừa nhận hành vi sai phạm như cáo buộc, đồng ý để Công ty AIC tiếp cận các gói thầu trước khi đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới thông đồng với nhà thầu, đơn vị tư vấn để đảm bảo cho AIC trúng 8 gói thầu.

Bị cáo Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM bị tuyên phạt 15 năm tù về tội 'Nhận hối lộ'. Ảnh: HT.

Bị cáo Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM bị tuyên phạt 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Ảnh: HT.

Tiếp đó là bà Trần Thị Bình Minh, HĐXX nhận định, vì động cơ vụ lợi đã chỉ đạo cấp dưới lập tờ trình để ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa tổ chức thẩm định; không thực hiện thủ tục cần thiết để xử lý sai phạm của chủ đầu tư. Từ đó, tạo điều kiện cho Trung tâm và AIC nâng giá dự toán giai đoạn một, nâng giá gói thầu giai đoạn 2 và 3 gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỷ đồng. Bị cáo Minh đã nhận tổng cộng 1,9 tỷ đồng của AIC.

Bị cáo Xô, Minh và một số cán bộ khác đều đã nộp lại tiền hưởng lợi nên tòa ghi nhận giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Về việc các luật sư của bà Nhàn cho rằng chưa xác định được thân chủ "đã bỏ trốn" và đề nghị tách hành vi của bà này ra điều tra riêng, HĐXX cho rằng thời điểm khởi tố bị can, bà Nhàn không có mặt tại nơi cư trú. Cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp theo quy định như: tống đạt, niêm yết, đăng thông tin trên các cơ quan đại chúng nhưng bà này vẫn không có mặt để nhận các quyết định tố tụng.

Bị cáo Nhàn cũng không có mặt tại nơi cư trú nên các cơ quan tiến hành tố tụng xác định "đã bỏ trốn" và ra quyết định truy nã là có căn cứ. Đồng thời, trong vụ án này, bị cáo Nhàn là chủ mưu, 3 bị cáo khác đang bỏ trốn cũng liên quan đến sai phạm của các bị cáo khác nên không thể tách ra thành vụ án khác. "Các bị cáo này có vai trò chính nên phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn những người còn lại", HĐXX nhận định.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.