Chiều 4/4, tại phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 đồng phạm, bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Capella, là người cuối cùng nói lời sau cùng. Sau đó, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Lương Toản thông báo dự kiến ngày 11/4, tòa sẽ tuyên án.
So với mức án đại diện Viện Kiểm sát đề nghị vào ngày 19/3, đến nay, có 22 bị cáo được đề nghị HĐXX giảm án, nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan không được nhắc tên. Điều này đồng nghĩa với việc đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa giữ nguyên quan điểm ban đầu về đề nghị mức án cao nhất với bị cáo Trương Mỹ Lan là tử hình.
Xin xem xét lại tội danh “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ”
Bị cáo Trương Mỹ Lan là người đầu tiên bước lên bục khai báo để nói lời sau cùng trong nước mắt.
Bà Lan gửi lời cảm ơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan tạm giam đã quan tâm, chăm sóc về tinh thần và sức khỏe, động viên bà vượt qua nghịch cảnh.
“Tôi vẫn luôn giữ niềm tin và hy vọng đây là một phiên tòa khách quan, công bằng và đầy tính nhân văn nhằm định đoạt thân phận pháp lý đối với tôi và các bị cáo khác trong vụ án”, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng bước ngoặt định mệnh dẫn đến kết cục bà phải đối diện với mức án tử hình hôm nay chính là do bà tham gia vào quá trình hợp nhất ba ngân hàng yếu kém, trong khi bà hoàn toàn không có sự hiểu biết hay kinh nghiệm gì trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
“Có nhiều lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết. Chết vì tức, tức vì mình quá ngu ngốc dấn thân vào thương trường khắc nghiệt, vào lĩnh vực hoạt động ngân hàng mà mình không thông thạo. Hàng đêm tôi không ngủ được, chỉ nghĩ đến cảnh chồng và cháu ruột cũng đang bị tạm giam, như muối xát thêm vào lòng, không thể nói được bằng lời”, bà Lan nói tiếp.
Bà Lan nói, khi nghe ý kiến luận tội và đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát, bà không thể tin mình bị coi là kẻ “chủ mưu cầm đầu, có quyền lực tuyệt đối, điều hành chi phối toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, dùng các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ngoan cố chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới…”.
Và bà tha thiết xin tòa lắng nghe ý kiến bào chữa của các luật sư và ý kiến tự bào chữa của bà để xem xét lại tội danh “tham ô tài sản” và “đưa hối lộ”.
Theo bà Lan, xuyên suốt từ quá trình điều tra cho đến tại phiên tòa, bà luôn nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của mình trước hành vi “vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và chịu trách nhiệm cùng một số bị cáo là thành viên hội đồng quản trị, Ban điều hành Ngân hàng SCB và các bị cáo có liên quan đến SCB về hậu quả thiệt hại của vụ án.
“Tôi muốn được bày tỏ tâm nguyện của mình là trước khi tham gia vào quá trình tái cơ cấu SCB, gia đình chúng tôi luôn được sum vầy, đoàn kết bên nhau. Nay thì sau khi vụ án tại SCB xảy ra, nhiều người bị đi tù, gia đình tôi tan tác, mỗi người mỗi ngả, không biết có còn cơ hội gặp lại nhau không, có được cùng nhau ăn chung bữa cơm nữa hay không...
Sau mỗi ngày mệt mỏi rời khỏi phiên tòa về trại giam, tôi ngước mắt qua cửa sổ để nhìn người thân vẫy tay từ bên đường, hay qua màn hình tivi để có thể nhìn thấy được chồng, cháu ruột hay người thân của tôi. Chỉ nghĩ hay chứng kiến điều đó thôi là tôi đã tan nát cõi lòng. Dù tôi vẫn luôn được mọi người coi là người vững vàng, nghị lực, nhưng tôi cũng là phận đàn bà, tôi có những nỗi đau không thể nói được thành lời của một người vợ, người mẹ khi hạnh phúc đã tuột ra khỏi vòng tay của tôi”, bà Lan nói trong tiếng nấc nghẹn.
Xin tòa giảm tội cho chồng và cháu
Bà Lan khẳng định, từ trong giai đoạn điều tra cho đến những ngày diễn ra phiên tòa vừa qua, mặc dù đối diện với việc có thể bị “loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội”, nhưng từ nhận thức và hành động, bà và gia đình, bạn bè, người thân vẫn dành tâm trí, sự kiên trì, cố gắng để đưa toàn bộ tài sản nằm ngoài danh mục kê biên vào giải quyết hậu quả và những giao dịch dân sự còn dang dở.
Thay vì có thể sử dụng chi phí cho sinh hoạt hay duy trì hoạt động của các công ty đang gặp nhiều khó khăn, bà đã đưa toàn bộ các khoản tiền nhận được để hướng đến việc khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan nói sự thất bại của bà trong quá trình tham gia tái cơ cấu SCB không thành công, khiến trái tim bà như rỉ máu, bởi SCB là nơi bà và cả gia đình đã dành toàn bộ tâm huyết, tình cảm, thời gian, công sức, tiền bạc với mong muốn đưa SCB phát triển, vươn tầm quốc tế.
“Nguyện vọng đó của tôi đến nay, rất tiếc đã không trở thành hiện thực, tôi bày tỏ lời xin lỗi chân thành đến Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền là tôi đã không thực hiện được và không có cơ hội để thực hiện lời hứa và cam kết của mình sẽ vực dậy SCB trước muôn vàn khó khăn, vất vả suốt hơn 11 năm qua”, bà Lan trình bày.
Cuối cùng, bà Lan cúi đầu xin hội đồng xét xử, dựa trên đường lối khoan hồng và chính sách hình sự nhân đạo để giảm nhẹ tội cho chồng là ông Chu Lập Cơ và cháu ruột là Trương Huệ Vân, vì họ chỉ vì tin tưởng, làm theo ý của bà nên mới vướng vòng lao lý như hôm nay.
Chồng, cháu bà Lan xin giảm án cho mình và cho cả bà Lan
Được nói lời sau cùng, chồng và cháu gái bị cáo Lan là Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân, đều dẫn ra những tình tiết giảm nhẹ để xin HĐXX xem xét mức án tử hình mà Viện Kiểm sát đã đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Khóc nghẹn trước HĐXX, bị cáo Trương Huệ Vân nói, suốt 18 tháng qua, bị cáo đã học được rất nhiều bài học quý giá và nhận thức sâu sắc về những giá trị trong cuộc sống, nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bị cáo mong HĐXX mở lòng khoan dung để xem xét tất cả những hành vi, bối cảnh, phẩm chất của tất cả các bị cáo; đặc biệt là những người phụ thuộc, nghe theo lệnh của cấp trên. Bị cáo mong tòa xem xét tất cả các tình tiết giảm nhẹ để tuyên phạt mức án khoan dung đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Vân nói, bà Trương Mỹ Lan được biết đến là người phụ nữ tinh thần thép, không có nước mắt nhưng đứng trước tòa, cô bị cáo đã bật khóc. Bị cáo mong tòa mở lòng khoan dung để xem xét thân phận pháp lý của cô, cho cô một cơ hội được có ngày trở về với cuộc sống.
Nhiều bị cáo được đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX giảm mức án so với mức đề nghị ban đầu. Trong ảnh là 2 bị cáo Đỗ Thị Nhàn và Nguyễn Cao Trí, 2 trong số những bị cáo được đề nghị giảm mức án. Ảnh: HT.
Bình tĩnh khi nói lời sau cùng nhưng có lúc, giọng bị cáo Chu Lập Cơ ngắt quãng khi nói về vợ mình. Ông Cơ cũng mong HĐXX xem xét mức án đối với ông. Bị cáo nói dù rất bình tĩnh nhưng cũng không thể tưởng tượng những hậu quả đã xảy ra đối với gia đình mình. Cảm giác xót xa khiến bị cáo khó tha thứ cho mình. Nếu ngày đó sát cánh cùng vợ, tìm hiểu thật kỹ, thật sâu những rủi ro, hiểu được hết những gì vợ bị cáo làm, thì bị cáo đã can ngăn vợ không tham gia lĩnh vực ngân hàng, hoặc tham gia nhưng tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Bị cáo Chu Lập Cơ đã nêu ra một số tình tiết giảm nhẹ như tặng vacxin, tham gia thiện nguyện...
Bị cáo thừa nhận là đồng phạm trong vụ án này, dù là vô tình hay cố ý thì hậu quả cũng không thể thay đổi. Mong HĐXX xem xét mức án tử hình mà VKS đã đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và mức án của cháu gái Trương Huệ Vân để họ sớm trở về với gia đình. Mong cho bị cáo một mức án nhẹ nhất vì đã có tuổi, thời gian không còn nhiều; cho sớm trở về để nỗ lực khắc phục hậu quả.
Các bị cáo như Nguyễn Cao Trí, Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục II Ngân hàng Nhà nước, hay các bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm, Dương Tấn Trước… đều tỏ ra ăn năn, hối cải.
Có 22 bị cáo được đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giảm án so với mức đề nghị ngày 19/3. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Cao Trí, giảm từ 10-11 năm tù xuống 9-10 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Dương Tấn Trước giảm mức đề nghị hình phạt từ 15-16 năm tù xuống còn 13-14 năm; bị cáo Trương Huệ Vân giảm từ 19-20 năm xuống còn từ 17-18 năm tù…
Nhóm bị cáo phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, cũng được đề nghị giảm án từ 1-2 năm tù so với mức đề nghị ban đầu.