| Hotline: 0983.970.780

Những khu rừng dưới đáy biển đang cháy rụi

[Bài 3]: Biển miền Trung còn lại gì sau hơn 7 năm sự cố Formosa?

Thứ Tư 07/06/2023 , 07:34 (GMT+7)

Ngày 6/4 năm 2016 trên biển Vũng Áng thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh lộ ra việc nhà máy thép Formosa xả thải chất độc khiến cho cả vùng nước rộng lớn bị ảnh hưởng.

Đoàn các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Hải sản. Ảnh: Công Điền.

Đoàn các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Hải sản. Ảnh: Công Điền.

Bữa cơm vội trên mạn thuyền

Từ Hà Tĩnh vào đến Huế người ta chỉ thấy cá chết nổi trắng trên mặt biển nhưng không mấy ai biết ở dưới đáy san hô đã bị chết cỡ 90% ở đầu nguồn và cuối nguồn như bãi Cả của Lăng Cô (Huế) cách Formosa chừng 350 km, khoảng 60% san hô cũng bị chết. Nhiều rạn san hô đã hoàn toàn biến mất. Khi san hô còn sống tạo thành những rạn rộng bát ngát, tuyệt đẹp nhưng khi chết, sóng đánh tan đi như chưa hề tồn tại, chỉ còn trơ lại một bãi cát trụi dưới đáy biển với lớp bụi huyền phù (bụi lơ lửng, kết hợp với các chất hữu cơ) dày cộm.

Bài liên quan

Sau hơn 7 năm của sự cố Formosa biển của 4 tỉnh miền Trung vẫn bị ảnh hưởng nặng nhưng Viện Nghiên cứu Hải sản chỉ chọn Huế và Quảng Bình để phục hồi san hô, không chọn những tỉnh đầu nguồn ô nhiễm vì chưa có dấu hiệu khả quan, nên trồng xuống có thể vẫn chết.   

Hôm thứ hai đoàn các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản ra bãi Chuối, cách Lăng Cô gần 1 giờ tàu chạy. Ngư dân Lê Văn Thọ người chở chúng tôi đi ước lượng san hô bên dưới trước mười phần giờ may ra còn được ba. San hô sau khi được đục ra khỏi cụm, thợ lặn sẽ cầm nhẹ nhàng từng nhánh bỏ vào cái rổ nhựa vẫn kéo theo bên mình. Lên đến thuyền, chúng còn đang bị stress nên xì ra rất nhiều nhớt, phải liên tục múc nước biển vào thùng xốp thay cho “tử nước” tức nước biển chết ở bên trong. Không chỉ mẫn cảm với nước, gặp nắng chiếu san hô cũng rất dễ chết nên phải che chắn cẩn thận.

Nhờ rạn san hô bắt đầu phục hồi ở bãi Chuối mà nguồn lợi thủy sản ở đây cũng phong phú hơn ở bãi Cả dù chúng đều thuộc mũi Hải Vân chia hai miền Nam Bắc về địa lý lẫn khí hậu. Mặt biển những ngày này nóng như trong cái nồi hấp bánh thế mà vừa bơi vừa ngửa cổ ngước lên, tôi vẫn thấy đỉnh Hải Vân sương mù bay vờn núi.

San hô ở Cù Lao Chàm năm 2011, giờ ít vùng biển nào còn có cảnh như thế nữa. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.

San hô ở Cù Lao Chàm năm 2011, giờ ít vùng biển nào còn có cảnh như thế nữa. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.

Tranh thủ lúc các nhà khoa học lặn xuống biển lấy san hô, ở trên thuyền anh Thọ đã lấy mấy con tôm ra làm mồi câu cá. Chỉ trong chừng nửa tiếng anh đã ròng được 2 con cá nhói lên khoang thuyền, con thứ nhất nặng chừng 3 kg, con thứ hai nặng chừng 1 kg. Đến trưa thì thuyền nhổ neo với 2 thùng xốp, 1 thùng nhựa đầy san hô giống trực chỉ về bãi Cả. Thuyền cắm neo, các anh lại lặn xuống biển để cấy san hô, tới tận hơn 1 h chiều mới chịu nổi lên. Ai nấy đều mệt nhoài, vất vả mãi mới tháo được bộ khí tài nặng mấy chục kg để trèo vào khoang.

Bữa trưa được dọn ra giữa lòng thuyền. Mâm là 2 cái thùng xốp vốn để đựng san hô giống. Không có ghế nên chúng tôi ngồi ngay trên mạn thuyền mà ăn. Những khúc thịt cá nhói trắng ngà tương phản với màu xanh lơ của xương nom rất đẹp nhưng do ngâm lâu ở trong nồi chúng đã chín nục, đụng đũa vào là bở tơi từng mảng. Miếng cơm chập chuội. Miệng khô và mặn đắng. Trong khi cố nuốt, nước từ tai, nước từ mũi họ chảy thành dòng. Ăn chưa xuôi cơm các anh đã ngồi lên mạn thuyền, đeo khí tài rồi lộn xuống biển, lặn tiếp…

Đeo khí tài chuẩn bị xuống nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đeo khí tài chuẩn bị xuống nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau sự cố Formosa, Viện Nghiên cứu Hải sản đã thực hiện nhiệm vụ khảo sát bổ sung, đánh giá mức độ phục hồi của hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên làm chủ nhiệm. Họ đã tổ chức 3 đợt điều tra, khảo sát thu thập số liệu ngoài thực địa: Đợt 1 từ ngày 4/10/2017 đến ngày 14/10/2017; Đợt 2 từ ngày 14/01/2018 đến ngày 29/01/2018; Đợt 3 từ ngày 27/02/2018 đến ngày 19/3/2018.

Bài liên quan

Phạm vi nghiên cứu ở vùng nước ven đảo đến độ sâu khoảng 12-15 m tại 8 khu vực ven biển 4 tỉnh miền Trung gồm: Hòn Sơn Dương, Hòn Chim (Hà Tĩnh); Hòn La, Hòn Nồm (Quảng Bình); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Chân Mây, Hải Vân - Sơn Chà (Thừa Thiên Huế), rạn đá ngầm từ Lệ Thuỷ (Quảng Bình) đến Mũi Lay (Quảng Trị). Đối tượng nghiên cứu tập trung vào hệ sinh thái rạn san hô, rạn đá ngầm và nguồn lợi sinh vật phân bố trong vùng rạn như san hô, cá rạn san hô, động vật đáy cỡ lớn và rong biển.

Ngay sau sự cố môi trường một số rạn san hô gồm Nam Sơn Dương, Nam Hòn La, Bắc Hòn Nồm gần như bị hủy diệt hoàn toàn, độ phủ san hô sống lần lượt là 6,3%, 5,1% và 5,8%. Tiếp đến là các khu vực Bắc Hòn La, Tây Hòn La, Bắc Hải Vân - Sơn Chà và Bắc Hòn Chà mức suy giảm độ phủ từ 45% đến 50% so với trước sự cố.

Đội hình lặn theo cặp đôi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đội hình lặn theo cặp đôi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại thời điểm khảo sát bổ sung, phần lớn các khu vực đã có dấu hiệu phục hồi, độ phủ san hô sống có xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên rất chậm, đặc biệt tại các khu vực bị suy thoái nghiêm trọng. So sánh hiện trạng độ phủ san hô với thời điểm trước sự cố, mức suy giảm tại Nam Sơn Dương (-85,53%), Nam Hòn La (-88,78%), Bắc Hòn Nồm (-83,13%), Bắc Hòn La (-48,98%), Bắc Hải Vân - Sơn Chà (-40,57% - 46,29%).

Biến động hình thái và diện tích rạn được ghi nhận rõ nhất ở Nam Sơn Dương, Nam Hòn La và Bắc Hòn Nồm. Các rạn này san hô dạng cành phân bố chủ yếu. Khi sự cố môi trường xảy ra, những nhóm san hô này bị chết hoàn toàn. Cấu trúc rạn trở nên giòn, bị sụp đổ và rửa trôi sau cơn bão số 10 vào tháng 9/2017. Hình thái rạn còn lại chủ yếu là nền đáy đá gốc và số lượng ít san hô khối phân bố rải rác trên nền rạn. Tại khu vực Hòn La - Hòn Nồm việc xây dựng cảng, làm đường kết nối đã xâm lấn một phần diện tích, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến vùng phân bố rạn san hô. Mức suy giảm diện tích rạn ước tính 15 ha so với diện tích rạn năm 2011 là 50 ha.

Đáy biển trống trơn không có san hô. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.

Đáy biển trống trơn không có san hô. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.

Kết quả điều tra bổ sung đã ghi nhận được tổng cộng 105 loài cá rạn san hô tại vùng ven biển 4 tỉnh miền Trung, trong đó khu vực Hòn Sơn Dương ghi nhận được 19 loài cá rạn (trước sự cố 157 loài); khu vực Hòn La - Hòn Nồm ghi nhận được tổng cộng 36 loài (trước sự cố 62 loài); khu vực Cồn Cỏ ghi nhận được 42 loài (trước sự cố 182 loài); khu vực Hải Vân - Sơn Chà ghi nhận được 62 loài (trước sự cố 191 loài)…

San hô bị suy thoái mạnh

Tại cuộc hội thảo giữa tháng 5 năm 2023 ở TP Huế, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản đã công bố tình trạng suy giảm độ phủ san hô khu vực biển Bắc Hải Vân: bãi Cả 40%, bãi Chuối 46%, Sụng Rong Câu 45%, Bắc Hòn Chà 28%.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu thông tin với tôi rằng, trước đây rạn san hô ở Bắc Hải Vân rất tươi tốt biểu hiện qua cấu trúc rạn gồ ghề, tuy nhiên từ năm 2012 nó đã suy giảm tới 40%, cấu trúc rạn bị phá hủy. Và tỷ lệ suy thoái đó cũng gần như tương ứng với các vùng biển khác ở Việt Nam.

Tách giống san hô trên thuyền. Ảnh: Công Điền.

Tách giống san hô trên thuyền. Ảnh: Công Điền.

Trước sự suy thoái diện rộng của san hô biển Việt Nam, Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT đã quan tâm đến việc phục hồi và đề tài “Xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cấy phục hồi san hô cứng ở vùng biển Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Hải sản là một trong những minh chứng. Mục tiêu là xây dựng quy trình phục hồi san hô để có thể áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Ở Việt Nam các nghiên cứu phục hồi san hô được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp tách mảnh giống với kích thước tập đoàn (trên 10cm) và cấy trực tiếp. Có hai mô hình là phục hồi trên nền san hô chết và phục hồi trên rạn nhân tạo. Đề tài lần này sẽ phải cấy được 2.500-3.000 tập đoàn và khoanh vùng bảo vệ mô hình khoảng 1 ha mặt nước.

“Những bãi san hô lớn chẳng khác gì một khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển. Trên bờ cháy rừng như thế nào thì dưới biển cũng “cháy” như thế. Chúng tôi lặn xuống, thấy có những bãi san hô đổ ngổn ngang, chết 100%, nhìn rất tang thương”, anh Hiếu ngậm ngùi.

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản đang đục, tách giống san hô ở vùng biển Hải Vân - Sơn Chà. Clip: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Còn ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế thì khẳng định việc phục hồi san hô ở vùng biển Hải Vân - Sơn Chà được địa phương coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Hải sản, hi vọng trong thời gian tới sẽ có những bước tiến mới.

“Năm 2011 khi lần đầu tiên tôi trồng phục hồi san hô ở đảo Cồn Cỏ, mấy tháng sau lặn xuống thấy chúng phát triển thì vui lắm, cứ chăm chú đo và muốn sờ vào mãi. Khi trồng san hô bằng giống phân mảnh nhỏ (1,5-2cm) tại Bạch Long Vĩ, sau 2 tháng trên nền đáy trơ trọi đã nhú lên các mầm san hô như là mầm đá cũng rất mừng. Những lần trồng sau, mình biết chúng sẽ sống và mong rằng các thảm san hô này sẽ được nhiều bên chung tay bảo vệ để có thể trở thành rừng tái sinh”, anh Nguyễn Văn Hiếu tâm sự.

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, nâng cao giá trị thủy sản

Đây là mục tiêu mà ngành thủy sản tiếp tục đặt ra trong năm 2025 - năm cuối tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất