| Hotline: 0983.970.780

Những khu rừng dưới đáy biển đang cháy rụi

[Bài 4]: Chạy đua với bão giông

Thứ Năm 08/06/2023 , 06:24 (GMT+7)

Ngày cuối trồng rừng dưới biển đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản phải chạy đua với thời gian bởi vụ cấy san hô thích hợp nhất là trước mùa gió bão.

Đáy biển chẳng một ngày bình yên

Để phục hồi san hô, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản phải đeo khí tài lặn xuống biển, sử dụng búa đóng cố định giá thể bằng đinh bê tông. Tiếp đến họ dùng 2 dây rút nhựa buộc mảnh san hô giống chắc vào giá thể và đinh sao cho chúng có diện tích tiếp giáp lớn nhất với nền đáy.

San hô là động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ, tiết ra cacbonat calci để tạo bộ xương cứng tuy nhiên chúng lại có nhiều điểm giống thực vật. Khi được cấy xuống đáy biển khoảng 1-2 tháng san hô sẽ dần bám rễ, đâm chồi. Sau đó càng sóng nhồi, sóng giật chúng càng phát triển mạnh, thân hình mập mạp thêm như kiểu được tập gym vậy.

Bãi Cả thuộc khu vực Hải Vân - Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên - Huế mùa này biển lặng nhưng cũng có những nơi khác, các nhà khoa học phải trồng san hô cả trong mùa biển động. Sợ nhất là những cơn sóng lừng không hề có ngọn. Từ giữa mặt biển phẳng lặng, bất ngờ dựng lên một bức tường nước lớn, chúng đổ sụp xuống và tan biến... tạo nên những cơn rung lắc rất mạnh dưới đáy.

San hô giống mới được vớt lên. Ảnh: Dương Đình Tường.

San hô giống mới được vớt lên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sóng đẩy thợ lặn về phía trước cả chục mét rồi lại cuốn họ trả về gần đúng chỗ cũ. Cái búa giơ lên định đóng vào đinh nhưng cả chục lượt cũng vẫn bị trượt ra ngoài. Hết cơn sóng này đến cơn sóng khác kéo đến. Dù có bám chặt vào tảng đá thì sức người cũng không thể thắng nổi sức nước. Dưới đáy biển mà vẫn say sóng như thường. Họ gỡ mồm thở nối với bình dưỡng khí ra nôn xong, cho vào thở lấy sức lại… nôn tiếp. Cá biển cả đàn liền bu quanh thợ lặn để giành ăn những thứ họ vừa nôn ra...

Trong khi bọt khí do các nhà khoa học thở đang nổi ùng ục ở cạnh hai cái phao xanh, đỏ tại bãi Cả thì một luồng bọt khí lạ xuất hiện, tiến dần vào khu vực biển họ làm. Sau một hồi thì có một thợ lặn trồi lên, đu người lên mạn thuyền của anh Lê Văn Thọ. Tay cầm lao, cổ đeo cái chai nhựa đựng một con tôm hùm nhí, mặt người ấy bợt bạt vì ngâm nước đã lâu, bộ đồ lặn dày cộm tả tơi nhiều chỗ. Đó là một đồng hương với anh Thọ.

Người thợ lặn với con tôm hùm nhí. Ảnh: Công Điền.

Người thợ lặn với con tôm hùm nhí. Ảnh: Công Điền.

Hơn 50 tuổi thợ lặn kia đã thuộc vào hàng lão ngư nhưng vẫn phải lọ mọ xuống đáy biển hàng ngày để kiếm cơm. Anh Thọ tranh thủ cơ hội tuyên truyền luôn cho người bạn: “Khu vực này các nhà khoa học đang cấy san hô để bảo tồn. Mi lần sau lặn thì tránh ra xa một xíu nhé”. Anh ta gật gật cái đầu vẫn đang nhỏ ròng ròng nước biển, nghe chừng thấu hiểu. Sau khi người thợ lặn kia lên tàu mẹ đi khỏi, anh Thọ mới nói với tôi rằng: “Đang mùa đánh bắt bằng xung điện, bằng mìn đấy anh ạ!”.

Khác với khu rừng trên cạn có rất nhiều âm thanh, khi lặn sâu dưới đáy biển chỉ nghe thấy tiếng tàu chạy, tiếng thở của mình, thỉnh thoảng có tiếng mìn vọng lại nhưng trong nước khó mà xác định được rõ nguồn âm. Để đề phòng, khi đoàn trồng xong san hô, anh Thọ xung phong nhận leo lên vách đá gần đó kẻ dòng chữ lớn bằng sơn “khu vực bảo tồn san hô”  kẻo ngư dân vào săn bắt, nổ cho vài quả mìn là tan tành hết bao công sức.   

Chuẩn bị máy quay dưới nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuẩn bị máy quay dưới nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các vùng biển theo nhau mà chết

Thạc sĩ Đinh Thanh Đạt - cán bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản trầm ngâm rằng hệ sinh thái các vùng biển Việt Nam cứ theo nhau, kéo cả giàn mà đi. Trước đây việc bảo tồn biển còn là một khái niệm xa lạ ở nước ta. Phải đến quãng năm 2005, lúc đó có những phong trào bảo tồn biển từ thế giới dội về, các viện nghiên cứu về biển của Việt Nam mới bắt đầu thực hiện việc đánh giá đa dạng sinh học ở ven đảo. Các chương trình thu thập cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học như nguồn lợi cá rạn san ô, san hô, rong, cỏ biển, động vật đáy… làm cơ sở khoa học cho việc thành lập các khu bảo tồn biển bắt đầu.

Chương trình nhỏ phải khảo sát 3-4 đảo, chương trình lớn phải khảo sát trên 10 đảo. Mỗi đảo nhỏ như Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Mát… làm 5-6 ngày, còn đảo lớn như Cát Bà, Cô Tô, Phú Quốc… làm tới 10 ngày. Cùng một cơ quan nghiên cứu nhưng mỗi người mỗi việc. Anh Đạt chuyên về rong và cỏ biển. Anh Hiếu chuyên về san hô. Anh Tuấn chuyên về động vật đáy. Một số khác thì chuyên về cá rạn, giáp xác.

Nhiệm vụ của họ phải lặn xuống đáy biển để quan sát, trên tay là một bảng nhựa và một cái bút chì để điền phom số liệu gồm các loài, số lượng, kích thước. Ngoài ra khi cần họ còn phải chụp ảnh, quay phim lại.

Nền đáy biển khu vực bãi Cả rất trống trơn. Clip: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Anh Đạt hoài niệm: “Cách đây chừng mươi năm chúng tôi lặn xuống vùng biển của đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) hầu như hốc đá nào cũng có tôm hùm bông, còn cá mú, cá hồng to như cái đĩa cứ lượn lờ xung quanh. Hay lần chúng tôi lặn xuống rạn san hô ở đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) cá bướm đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng, đủ kích cỡ vây kín người. Những con cá song nặng 3-4 kg bơi lừ lừ. Những con cá chình ở hốc đá còn bạo dạn thò cả đầu ra nhìn các thợ lặn. Chỉ cần đục một con nhuyễn thể lấy ruột ra làm mồi nhử cá đến gần là có thể sờ lên lưng chúng được, nhưng không được nhử trước miệng cá chình bởi có thể bị chúng đớp luôn vào tay ngay.

San hô tầng tầng, lớp lớp như một khu rừng rậm dưới biển. San hô cành chĩa nhánh ra như những cái sừng. San hô khối như những cái khối đá. San hô đĩa to như những cái mũ. Ốc nón to bằng cái chén uống nước nằm lúc lỉu, ốc nón non bám dày đặc trên vỉa đá ven đảo ở mực nước thủy triều. Rồi thì ốc mặt trăng, trai ngọc…nhiều vô kể.

Chúng tôi lặn xuống trải dây mặt cắt để định hình điểm khảo sát, làm xong thì thu dây di chuyển về tàu, trên đường đi ai có sở thích gì thì nhặt nấy. Hôm nào thích ốc luộc thì nhặt ốc. Hôm nào thích trai nướng thì nhặt trai. Chỉ trong chừng 10 phút thu dây mà mỗi người có thể nhặt được 15-20 con to, 4-5 người tập hợp là được một nồi lớn để luộc hay nướng rồi. Trong 3-4 năm giữa đề tài nghiên cứu này chuyển sang đề tài nghiên cứu khác mà môi trường biển đã thay đổi hoàn toàn. Trước bơi trên 1 dây mặt cắt dài 100 mét chúng tôi thường ghi nhận 10-15 con cá song to, vài năm sau ra chỉ còn 1-2 con, thậm chí không có con nào”.

Tách san hô làm giống. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Tách san hô làm giống. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Cũng ở Bạch Long Vĩ, từ năm 2012-2015 Viện Nghiên cứu Hải sản có  đề tài cấp bộ về sinh sản nhân tạo bào ngư. Anh Bùi Minh Tuấn - một trong những người thực hiện đề tài đó kể: “Năm 2014 ở Bạch Long Vĩ vẫn còn nhiều rong biển nhưng đến năm 2015 đã hết, chúng tôi phải mua rong câu chỉ vàng nuôi trong ao từ bờ chuyển ra làm thức ăn cho bào ngư. Thời gian đầu, chúng tôi cần bao nhiêu bào ngư bố mẹ là mua được bấy nhiêu nhưng về sau cũng cạn kiệt. Mục tiêu của đề tài ngoài sinh sản nhân tạo bào ngư chúng tôi còn thả phục hồi nguồn lợi ở Bạch Long Vĩ nhưng khi thả xuống, không còn rong biển, chúng cũng khó có thể phát triển.

Năm 2020, 2021 hải sâm đen ở Bạch Long Vĩ nhiều vô kể. Do khai thác vô tội vạ mà chưa đến 2 năm đã không còn thấy mấy. Ngay cả ốc nón, trai ngọc cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ có san hô ít bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác trực tiếp hơn bởi vì nó không ăn được, không bán được. Tuy nhiên các hoạt động của con người đã tác động mạnh đến môi trường sống làm cho san hô bị suy thoái.

Khung định lượng để đánh giá độ phủ, sinh lượng rong biển. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Khung định lượng để đánh giá độ phủ, sinh lượng rong biển. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Ở bãi Hồng Vàn trên đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) lúc đầu chúng tôi lặn xuống định lượng còn thấy những san hô cành cao tới hơn 2m. Sau này cả rạn san hô đã chết sạch, không chỉ loại cành mà còn loại khối, loại đĩa, loại bàn. Chất nổ làm cho những cây san hô bị gẫy, lật lên rồi việc ngư dân dùng xyanua để đánh cá cũng khiến cho san hô bị chết. Ngoài ra các trại sứa ở trên đảo thải xuống biển những lớp huyền phù cùng hóa chất xử lý phủ lên rạn san hô nhiều chỗ dày cả cm làm cho chúng không thể thở được”.

Khi còn sống san hô cành có thân rất cứng nhưng khi chết, chúng nhanh chóng bị sóng đánh cỡ vụn ra, thành những mẩu nhỏ bằng ngón tay rồi  nhỏ hơn nữa. San hô đóng vai trò như những cái cây trong rừng ngập mặn để cho các loại cá, giáp xác, động vật nhuyễn thể có chỗ kiếm ăn, trú ẩn. Khi khu rừng bị đốt cháy thì cũng chẳng còn nổi một sinh vật sống ở bên trong. 

Trước cá biển các loại vây quanh nhà khoa học khi lặn nhiều khi không thể đếm được mà chỉ ước lượng nhưng chỉ vài năm sau ra, vẫn vị trí đó có khi không còn nổi một nửa, nhất là những loại cá kinh tế, chất lượng ngon, giá bán cao.

Xem thêm
Gần 200 học viên tham gia lớp đào tạo nuôi biển công nghiệp

KHÁNH HÒA Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, việc trang bị kiến thức để bước vào ngành công nghiệp nuôi biển một cách bài bản là rất cần thiết.

Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Ngày hội quảng bá cá tra Đồng Tháp

ĐỒNG THÁP Ngày hội cá tra Đồng Tháp năm 2024 nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu cá tra Đồng Tháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.