| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân miền Trung đồng loạt vươn khơi sau giãn cách

[Bài 5]- Kỳ vọng những chuyến biển cuối năm

Thứ Sáu 05/11/2021 , 08:35 (GMT+7)

Ngư dân kỳ vọng những chuyến biển cuối năm sẽ nâng cao được sản lượng khai thác, từ đó dần vượt qua những khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thiếu nguyên liệu chế biến hải sản

Đầu tháng 9/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Quảng Ngãi. Chính quyền tỉnh này ngay sau đó đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cảng cá trên địa bàn trong 1 thời gian để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Điều này đã khiến cho hàng chục ngàn lao động làm nghề khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân Quảng Ngãi tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến ra khơi. Ảnh: L.K.

Ngư dân Quảng Ngãi tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến ra khơi. Ảnh: L.K.

Theo những ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2021 tới nay, nghề khai thác hải sản trong tỉnh gặp ảnh hưởng lớn do dịch bệnh cũng như sản lượng khai thác giảm sút. Ngoài ra, đầu ra sản phẩm bấp bênh, việc tìm bạn đi biển cũng khó khăn hơn trước. Kéo theo đó, những ngành nghề chế biến thủy, hải sản cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Khiết, chủ một cơ sở chế biến hải sản khô tại xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) cho biết, từ đầu năm đến này nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến rất khan hiếm do sản lượng khai thác thấp. Đặc biệt là những tàu đánh bắt cá nục, cá cơm ở vùng lộng.

“Thông thường mọi năm, từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch, lò hấp cá của chúng tôi lúc nào cũng đỏ lửa, nhân công làm việc không ngơi tay, lượng cá làm ra có lúc lên đến 5- 7 tấn/ngày. Còn năm nay, số lượng cá nục, cá cơm mà cơ sở mua được chỉ có thể tính bằng tạ/ngày. Thậm chí có tháng, chúng tôi phải chờ từ 7 - 10 ngày mới nhập được nguyên liệu để làm”, chị Khiết nói.

Dịch bệnh kéo dài cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp thủy sản lâm vào cảnh khốn đốn khi vừa không thể thu mua được nguyên liệu cũng như tìm kiếm nguồn lao động. Theo bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Thanh Mai (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ), vào thời điểm bình thường thì hoạt động thu mua, vận chuyện nguyên liệu cũng như chế biến hải sản của đơn vị này luôn trong tình trạng tấp nập.

Các cơ sở chế biến hải sản trong thời gian gần đây thiếu hụt nguồn nguyên liệu tương đối lớn. Ảnh: L.K.

Các cơ sở chế biến hải sản trong thời gian gần đây thiếu hụt nguồn nguyên liệu tương đối lớn. Ảnh: L.K.

“Ngoài tiêu thụ nội địa thì chúng tôi còn chế biến hải sản khô để xuất khẩu. Nhưng vừa qua, trong 3 tháng liên tục, trên địa bàn dịch bệnh phức tạp, nhiều nơi bị phong tỏa nên không thể thu mua được nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, người lao động cũng không thể đến công ty làm việc nên công ty chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn”, bà Mai cho biết.

Ngư dân hồ hởi vươn khơi

Hiện tại, tuy dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tuy vẫn chưa thể khống chế được hoàn toàn nhưng cũng cơ bản tạm ổn hơn so với thời điểm trước. Cảng cá được mở lại. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi trong đó có ngành khai thác thủy hải sản.

Những ngày qua, khắp các cảng, bến cá ở tỉnh Quảng Ngãi, hàng ngàn ngư dân đang tất bật chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến ra khơi sau một thời gian dài ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong tình hình dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt như hiện nay thì việc đảm bảo vừa khai thác vừa phòng, chống dịch là rất quan trọng.

Ngư dân Quảng Ngãi kỳ vọng những chuyến biển cuối năm hiệu quả khai thác sẽ tăng lên. Ảnh: K.S.

Ngư dân Quảng Ngãi kỳ vọng những chuyến biển cuối năm hiệu quả khai thác sẽ tăng lên. Ảnh: K.S.

Đang tất bật chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để ra khơi đánh bắt, ngư dân Võ Văn Tám (trú xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cho biết, đã 2 tháng nay tàu cả của ông phải nằm bờ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Sau khi chính quyền cho phép các cảng cá hoạt động trở lại, ông liền lập tức xuống thuyền để chuẩn bị đá, nhiên liệu cũng như gọi bạn thuyền để vươn khơi.

“Ngư dân chúng tôi chỉ dựa vào nghề biển để kiếm sống, suốt thời gian dài không hoạt động ở nhà không biết làm gì trong khi đó nhiều khoản phải chi tiêu nên nhiều lúc túng quẫn lắm. Bây giờ dịch cũng đỡ rồi phải vươn khơi lại thôi. Nhưng bữa nay khai thác cũng khó khăn, nguồn lợi giảm nhiều so với trước. Mỗi chuyến đi sau khi trừ chi phí cũng không lãi được bao nhiêu. Hy vọng những tháng cuối năm này thuận lợi hơn”, ông Tám tâm sự.

Tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), khác hẳn với sự trầm lắng của thời điểm trước thì bây giờ là khung cảnh tấp nập, nhộn nhịp của các tàu cá ra vào cảng. Nhiều ngư dân trở về sau những chuyến biển ngắn ngày với sự hồ hởi khi trúng được luồng cá, tôm đầy ắp ghe thuyền.

Đang vận chuyển cá lên bờ bán cho thương lái, ông Huỳnh Tấn Nghĩa (trú xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 97239TS vui vẻ cho biết, địa phương của ông trước đây cũng là khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19. Những ngày nghỉ dịch ở nhà, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, mong dịch nhanh chóng qua đi để hoạt động trở lại.

“Sau khi nghe tin gỡ phong tỏa và được ra khơi đánh bắt trở lại, chúng tôi rất phấn khởi. Chuyến đi vừa rồi cũng thu hoạch được một khoản kha khá. Sau khi chia cho bạn thuyền cũng còn lại một ít để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Chỉ mong sao những tháng cuối năm thời tiết thuận lợi, đánh bắt hiệu quả để còn to toan nhiều công việc cuối năm”, ngư dân Nghĩa chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Đông, Đại diện Ban quản lý cảng cá Tịnh Kỳ cho biết, trong khoảng 1 tháng đóng cửa các cảng cá vừa qua, nhìn chung hầu hết các ngư dân đều gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, khi tàu thuyền bắt đầu hoạt động trở lại thì đơn vị cũng tích cực hỗ trợ cho các tàu tuyền ra khơi, như hướng dẫn các thủ tục, thực hiện các phương án vừa đảm bảo an toàn khai thác vừa phòng chống dịch bệnh.

“Tại cảng cá Tịnh Kỳ hiện nay mỗi ngày có khoảng 20 lượt tàu thuyền ra vào cảng. Với những tàu cá khai thác trở về thì sẽ qua chốt Biên phòng để thực hiện test nhanh, đủ điều kiện an toàn sẽ cho vào cảng để bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm khai thác. Nhìn chung, thời gian qua các chủ tàu đều chấp hành tốt quy định”, ông Đông nói.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất