Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, toàn tỉnh có 747 tàu đánh bắt xa bờ. Sau khi tỉnh kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng giãn cách xã hội, các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn lần lượt đã vươn khơi bám biển trở lại.
Cụ thể, đến nay đã có 80% số tàu đã bám biển khai thác hải sản. Trong đó, các tàu hành nghề lưới cản, vây, kéo cơ bản đã vươn khơi. Riêng tàu hành nghề đánh bắt cá ngừ dương hiện mới khoảng 60% số tàu đã bám biển. Nhưng đối với số tàu còn lại này dự kiến khoảng giữa tháng 11 đầu tháng 12 tới cũng sẽ ra khơi, bởi chính thức bước vào vụ chính đánh bắt cá ngừ đại dương.
Theo ông Én, thông thường dịp cuối năm nhu cầu nguyên liệu phục vụ thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu tăng cao. Toàn tỉnh Khánh Hòa có 149 cơ sở sản xuất chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 57 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.
Do đó, nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu rất lớn. Các tàu trong tỉnh đánh bắt cá ngừ không đủ đáp ứng nên các doanh nghiệp còn thu mua các tỉnh các ngoài, cũng như nhập nguyên liệu từ nước ngoài để đáp ứng đơn hàng. Do đó việc ngư dân kiên trì bám biển vào dịp cuối năm sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập.
Cũng như các cơ sỏ chế biến hải sản ở Quảng Ngãi thời gian qua bị thiếu nguyên liệu chế biến, ghi nhận của chúng tôi tại thời điểm này, các doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa đều có nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến phục vụ xuất khẩu bởi rất nhiều đơn đặt hàng.
Ông Huỳnh Đắc Trí, Giám đốc Công ty TNHH T&H Nha Trang, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cho biết, những tháng cuối năm nhu cầu xuất khẩu cá ngừ đại dương Việt Nam sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Canada…đều ăn mạnh, các doanh nghiệp có rất nhiều đơn đặt hàng từ khách hàng.
Thế nhưng các doanh nghiệp hiện đều thiếu nguyên liệu chế biển xuất khẩu. Bởi thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến bị thiếu hụt nghiêm trọng do các tàu cá không thể vươn khơi đánh bắt.
“Hiện khách hàng châu Âu, Mỹ chạy khắp thị trường để tìm đối tác cung ứng sản phẩm do đứt gãy nguồn cung. Bây giờ giá nguyên liệu, nhất là giá cước tàu biển vận chuyển hàng hóa tăng mạnh lên đến 20.000 USD/container đi châu Âu và Mỹ, nhưng khách hàng tài chính mạnh họ chấp nhận hỗ trợ trả chi phí cho doanh nghiệp cung ứng để không bị đứt gãy nguồn cung.
Còn các khách hàng nhỏ lẻ không hỗ trợ nổi cho doanh nghiệp thì họ bị đứt nguồn cung”, ông Trí chia sẻ và nói, nhờ khách hàng hỗ trợ chi phí nên doanh nghiệp của ông thời điểm này bớt vất vả hơn so với mấy tháng trước. Tuy nhiên vấn đề hiện nay của doanh nghiệp lo ngại là thiếu nguyên liệu, công nhân làm việc, cũng như lo lắng tình hình dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại.
Đối với công ty của ông Trí hiện đã nhận đầy các đơn hàng chế biến xuất khẩu cá ngừ nên đã có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất liên tục từ nay đến đầu năm sau. Điều thuận lợi nữa của Công ty hiện các công nhân đã trở lại làm việc đầy đủ.
Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ngoài đẩy mạnh thu mua nguyên liệu trong nước, công ty sẽ còn phải nhập thêm nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc…để chế biến. Bởi hiện trung bình mỗi tháng Công ty TNHH T&H Nha Trang xuất từ 15-20 xe container cá ngừ sang thị trường Mỹ, Canada, Châu Âu.
Tương tự tại Công ty TNHH Tín Thịnh, một doanh nghiệp chuyên thu mua chế biến và xuất khẩu cá ngừ sọc dưa cũng đang có nhu cầu thua nguyên liệu để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Tín Thịnh, hiện thị trường Mỹ tiêu thụ rất mạnh. Nhưng thời điểm này, các tàu mới bám biển trở lại nên doanh nghiệp chưa có nguyên liệu để thu mua. Do đó, trước mắt, Cty đang nghiên cứu chuyển sang làm chế biến hàng nuôi như cá chém, cá phi, cá mú…để vừa hỗ trợ giải quyết cho người nuôi đầu ra, vừa tạo công ăn việc làm cho công nhân nhà máy đã trở lại làm việc, cũng như đợi chuyến biển tới khi ngư dân đánh bắt trở về cập cảng.
Được biết, 9 tháng đầu năm 2021, do hoạt động thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là các cảng cá lớn như Hòn Rớ, Vĩnh Lương, thuộc TP Nha Trang bị phong tỏa tạm thời nhiều tháng khiến cho nhiều tàu đánh bắt xa bờ hầu như không vươn khơi. Vì vậy tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 92.724 tấn, giảm 0,29% so cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng thủy sản khai thác được 82.068,2 tấn, giảm 0,18% so cùng kỳ năm.
Ông Võ Khắc Én: "Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, Chi cục sẽ thường xuyên cập nhập, theo dõi tình hình thời tiết để thông báo kịp thời cho ngư dân tránh trú an toàn khi trên biển xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão. Cùng với đó, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ giám sát chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên biển thông qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trạm bờ, để cảnh báo kịp thời tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cũng như kiểm soát chặt tàu cá ra - vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đảm bảo theo chuỗi, có sự kiểm tra đối chiếu dữ liệu giữa các bên có liên quan, đối chiếu với cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, hệ thống giám sát hành trình tàu cá nhằm phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định".