| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn con cái vuột khỏi tay

Thứ Sáu 24/07/2020 , 08:57 (GMT+7)

Môi trường cho hai đứa con của cháu không ổn định, bà ngoại ở nhà xuyên suốt, ôm ấp, cho ăn, cho lời ăn tiếng nói, cho cả những thói quen không tốt.

Thưa cô,

Sinh ra trong gia đình lấy sự học và sự đọc làm trọng, cháu hít thở môi trường nghèo mà sạch ấy và lớn lên. Hai chị em từ nhỏ đã ôm tủ sách hàng ngàn cuốn của nhà mình mà ngốn. Ăn gì chứ ăn sách no dai, ba mẹ cháu dạy vậy.

Chị cháu lấy chồng, anh rể cũng có cha là trí thức nhưng mẹ thì thuần nội tướng, cơm nước chợ búa. Nhưng chị cháu làm dâu giỏi, xoay chuyển được cả cách ăn cách ở của nhà chồng: không ngồi trên nền gạch mà sắm bàn ăn để ăn, trẻ con không vừa ăn vừa xem ti-vi, quần áo phơi trên sào chứ không giắt hàng rào phơi, nhà không để thiếu gia vị hay gạo để phải  chạy xin hàng xóm…

Qua đó cháu thấy người vợ quan trọng có khi còn hơn người chồng. Người vợ cho phân nửa gene, cho máu thịt, cho hơi ấm, còn cho cả trí tuệ và cốt cách nếu có cả hai thứ đó, không thì chỉ cho những thứ bản năng con cái, bản năng mẫu tử mà thôi.

Cháu lấy vợ, cũng từ thích rồi yêu yêu. Thì thấy thùy mị, trắng trẻo dễ thương và hay đi chợ, nấu nướng cho bà ngoại, quá được còn gì, bởi lúc đó cô ấy sống với ngoại ở thị xã để đi học. Khi cưới nhau, cô ấy đã có mẹ ở cạnh với nhà ngoại (mồ côi cha sớm).

Rồi ngoại mất, mẹ vợ cháu thừa hưởng nhà thừa kế, sóng gió từ căn nhà ấy mà mấy chị em từ mặt nhau. Vợ chồng cháu sống ở chỗ ấy, coi như ôm bàn thờ, ôm cả mẹ vợ góa bắt đầu xế chiều. Phải thừa nhận hai đứa con của cháu có công sức rất lớn của ngoại.

Nhưng như vậy không có nghĩa là tốt nhất. Cháu muốn ra riêng nên mua lại căn hộ mà khi ngoại vợ còn sống, mẹ vợ cháu đã ở và làm đám cưới cho con gái mình, là vợ của cháu. Tiền ấy để bà gửi tiết kiệm chi phí tuổi già. Thấy hai nhà hai bếp, vợ cháu nói, thôi bà ngoại dẹp bếp, ăn ở bên vợ chồng cháu đi. Riêng mà dần dần thành chung, một cục.

Vấn đề là môi trường cho hai đứa con của cháu không ổn định, bà ngoại ở nhà xuyên suốt, ôm ấp, cho ăn, cho lời ăn tiếng nói, cho cả những thói quen ngồi lê chuyện lối phố, thói quen không biết đến sách vở, thói quen ôm ti-vi, thói quen nói chuyện giàu nghèo, bất động sản…Con cái đã vuột khỏi tay mình rồi cô ơi.

---------------------

Cháu thân mến!

Từ kinh nghiệm của mình và qua đúc kết từ quan sát, cô cũng thấy, người mẹ là cái bọc khi con còn trong bụng, là vòng tay khi con ra đời, là bầu sữa khi con bú mớm, là bầu trời khi con lớn lên.

Người cha ở đâu, người cha ở trong gene, trong máu, nhưng nếu vắng cha mà người mẹ đủ giỏi, thì đứa con vẫn tốt tươi, hữu ích, bình thường.

Có câu “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má lót lá mà nằm”, tức là không cha con vẫn có cơm và cá, không má, một cái giường, một tấm chiếu cũng khó.

Vì vậy, cưới vợ là may rủi cực lớn như mua sầu riêng, giá cao, thơm thì thơm đấy nhưng khui ra, sượng lạt đủ cả, có đoạn ngon, có đoạn chả ra sao. Lá thư cho thấy vợ cháu kéo cháu về sát bên nhà vợ quá, bà ngoại vợ, rồi mẹ vợ.

Vấn đề là văn hóa trũng thấp của nhà ấy qua việc tranh giành căn nhà hương hỏa của ngoại mà chị em từ mặt nhau, sâu xa là chỗ ấy cháu ạ. Không gì không thể giải quyết hòa bình được nếu những người ruột thịt yêu thương nhau, sẻ chia nhau, cùng nhau vì nghĩa lớn, việc lớn.

Một gia đình như vậy, cô nói thật, làm gì có chuyện đọc sách, nhà của họ chắc chắn không có giá sách, không có kệ sách. Họ không cá biệt, họ giống một cách phổ biến như rất nhiều gia đình Việt Nam mình, nhưng đặt bên cạnh cháu thì cọc cạch, khập khiễng.

Làm sao bây giờ? Có vẻ không làm sao nâng cấp được một gia tộc sống bản năng, ăn ngon như thế nào, ở cho oai ra sao so với hàng phố, mặc diện ngất trời cho thiên hạ lé mắt chơi, vân vân và vân vân.

Dù vậy, vẫn phải để mắt tới các con cháu ơi. Cháu là xương cốt của gia đình nhỏ của mình, cháu là trí tuệ là ánh sáng, cháu phải cố gắng để xua dần u ám, xám xịt, để cho con của mình không đến nỗi nào khi ra đời khi tìm công danh, sự nghiệp.

Hoàn cảnh ấy người đàn ông càng phải thấy trước và có biện pháp tránh cho con đi vào con đường vật chất, hãnh hỗ, nông cạn, thậm chí có thể thấy cái bẫy hư hốt để kéo con ra.

Nếu bó tay, than thở, buông xuôi, sẽ đồng nghĩa với hạ đẳng, bình dân, chật vật, đổ thừa và làm liều.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm