| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn chuyện nhà ngoại

Thứ Tư 22/01/2014 , 12:09 (GMT+7)

Ba cháu lo lắng là đúng, nhưng cũng nên làm cho ba hiểu “có đức không sức mà ăn”. Ba tử tế và yêu mẹ thì ba sẽ thương ngoại, cùng đồng hành với mẹ trách nhiệm với ngoại.

Cô Dạ Hương kính mến!

Chật vật lắm cháu mới vào được đại học (thi lần 2) và hiện đã ra trường, có việc làm ở một cơ quan cấp huyện. 24 tuổi, cháu mới chỉ có người yêu thôi, chúng cháu cùng tuổi, nhà cháu thì thúc giục nhưng bên người yêu cháu nói chưa gấp. Thôi thì cũng còn sớm mà, đúng không cô?

Bên ngoại của cháu rất đông anh em và đều sống ở thị trấn, có nhà, xưởng hoặc cửa hàng cả. Trong đó cậu Hai giàu nhất, nổi tiếng. Mẹ cháu là con gái áp út, dưới mẹ cháu, dì út có tiệm vàng nên dì cũng rất giàu.

Vậy mà cô ơi, bà ngoại cháu khi về già rất khổ vì con cái nạnh hẹ nhau trong việc chăm sóc bà. Cậu Hai thì nể vợ, chỉ góp số tiền bằng các em khác chứ không đầu tàu gương mẫu gánh vác chi cả. Dì Ba mất sớm, dì út thì giàu nhưng nói nhà dì buôn bán lu bù, không có thời gian dành cho ngoại. Các cậu Tư, cậu Năm, cậu Sáu cũng ở quanh chợ, nhưng ai cũng buôn bán nên ồn ào, không thích hợp cho ngoại tĩnh dưỡng.

Cô biết không, cậu Bảy ở sát bên nhà mẹ cháu, người nghèo nhất đã đem ngoại về chăm sóc. Cậu chỉ có một chút mặt tiền để mợ bán tạp hóa lặt vặt, cậu thì làm xe ôm, cô biết rồi đó, vậy là nghèo, đúng không cô? Cậu mợ đều được nhưng bị cái tội nghèo, tiếng nói không có. Thấy ngoại ở trong một căn phòng tối, ẩm thấp, cháu thương lắm.

Mẹ cháu là thợ may, ba cháu làm tài xế xe đường dài, thu nhập không cao mà phải nuôi ba đứa con. Cháu là con gái đầu, một đứa đang học cao đẳng, còn em út thì còn học cấp ba. Cháu biết mẹ rất băn khoăn về cuộc sống của ngoại, nhưng nhà cháu không giàu, nói với cậu dì giàu rất khó.

Mấy lần mẹ nói hay là đưa ngoại về nhà mình chăm, dì út chắc chắn sẽ cho mẹ tiền mướn người phục vụ ngoại nhưng ba cháu nhất định không chịu. Không phải ba tỵ nạnh nhưng ba nói làm vậy là sửa lưng cậu Hai với các cậu, anh em sẽ bất hòa, vả lại cậu Bảy cũng đâu muốn để ngoại đi như vậy. Mẹ buồn rồi mẹ tủi, mẹ khóc.

Sao ngoại có tới 8 đứa con mà về già lại gặp khó khăn như vậy hở cô? Có cách nào làm cho ngoại sung sướng mà gia đình không lục đục không cô? Cháu cũng thấy các cậu dì bất công đối với ngoại nhưng nếu nhà cháu lãnh ngoại về thì sẽ có tự ái rồi bỏ mặc luôn, đúng không cô?

Mong cô giúp cháu những lời khuyên sáng suốt.

Cô giữ kín email cho cháu.

Cháu thân mến!

Cháu có biết câu chuyện bù chì không? Một bà mẹ cũng bị các con lưu chuyển lòng vòng, khi đứa con giàu đến lượt nhận mẹ từ nhà đứa con nghèo, hắn đã bắt mẹ đứng lên cân để xem đứa em này nuôi mẹ gầy hay nuôi mẹ béo lên.

Bà mẹ thương đứa nghèo vì ở với nó thì được tôn trọng nhưng ăn uống kham khổ, bà đã bỏ chì vào túi để cân không thấy giảm. Vậy đó, điển tích bù chì mãi sống trong dân gian, nó nói lên gì? Nó nói đứa giàu thì hay tệ, đứa nghèo hay có hiếu và bà mẹ nào cũng tìm đủ mọi cách để bày tỏ tình thương của mình.

Thời nay và cả thời xưa, con đông thì nó hay trốn tránh đùn đẩy trách nhiệm nhau. Còn là do người cả không chuẩn, không có hiếu, người cả giàu mà lại keo bẩn, sợ vợ. Bất an của gia tộc là chỗ đó, bởi vì người Việt mình lấy sức mạnh từ gia tộc mà. Cậu Tư cậu Năm cậu Sáu cứ nhìn vào cậu Hai, chắc cả đám ấy cũng cùng nể vợ. Nói tóm lại, nhà giàu mà chồng mất quyền, thì nhà sẽ “lộn ngược” ngay thôi.

Nên khu trú việc chăm ngoại vào phạm vi cậu Bảy, mẹ cháu và dì út. Em gái giàu, mẹ cháu nói chắc dì sẽ nghe. Nói theo giải pháp, dì út không có công nhưng có của, hãy giúp cậu Bảy một căn phòng khang trang cho ngoại, nên có cả phòng vệ sinh ở trong phòng.

Cháu không nói rõ nhưng chắc ngoại đã góa, có thể chưa bệnh nan giải gì nhưng rồi sẽ bệnh, mọi thứ phải sẵn sàng để khi ngoại già ngoại yếu, mọi người cũng nhẹ nhàng hơn. Mẹ là con gái ở gần, mẹ giúp mợ Bảy lo cho ngoại bữa ăn, miếng nước.

Nếu đứa con chí hiếu, nó sẽ nghĩ ra cách cho mẹ mình sướng mẹ mình vui. Ba cháu lo lắng là đúng, nhưng cũng nên làm cho ba hiểu “có đức không sức mà ăn”. Ba tử tế và yêu mẹ thì ba sẽ thương ngoại, cùng đồng hành với mẹ trách nhiệm với ngoại.

Rồi ngoại sẽ ra đi, lúc ấy mẹ cháu sẽ “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, cháu cũng không còn ngoại để ngắm, để hỏi, để vuốt ve nữa. Đừng nhìn vào hành vi của ai, hãy bảo nhau, nhà mình đủ hiếu đi rồi chị em cháu sẽ ngoan, sẽ thành công trong cuộc sống. Thậm chí, mẹ chưa giàu nhưng giúp cậu Bảy cải thiện chỗ ở của ngoại cũng được chứ đâu cần nhiều tiền.

Mong cháu có cái Tết hiếu nghĩa, với gia đình và với ngoại. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm