Thôn Khuổi Lùng có 29 hộ dân thì chỉ có duy nhất một hộ dân tộc Mông, còn lại là người dân tộc Dao. Toàn thôn bảo vệ hơn 300ha đất rừng phòng hộ, diện tích được phép trồng rừng bà con đã phủ xanh.
Hằng năm, từ nguồn hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng, thôn sử dụng để xây dựng các công trình công cộng, đặc biệt bê tông các đoạn đường khó đi.
Xung quanh thôn có rừng vầu rất lớn, hiện nay mỗi hộ quản lí một khu rừng, của ai người nấy tìm để bán, chăm sóc. Mỗi năm nghề tìm măng cũng giúp bà con trong thôn có thu nhập khá.
Nhưng những cánh rừng trồng đã đến tuổi khai thác, sản lượng măng, cây vầu lớn nhưng do đường đi nhỏ, hẹp nên người dân vẫn chưa mặn mà khai thác bởi chi phí vận chuyển lớn.
Chỉ tay lên những rừng mỡ, rừng vầu hút tầm mắt, trưởng thôn Triệu Đình Quang cho biết, rừng được bà con trồng cách đây hơn chục năm nhưng chưa bán được vì đường xá đi lại khó khăn nếu khai thác phải vác từng cây, mất nhiều công, nếu thuê hết thậm chí còn lỗ. Nên để phát triển kinh tế, việc mở đường lớn đến thôn sẽ đóng vai trò quyết định.
Nghĩ là làm, con đường nội thôn Khuổi Lùng đi lên khu sản xuất được người dân vạch ra.
Nhưng ngặt nỗi, lúc đầu người dân “chưa thông” nên không ủng hộ, trưởng thôn Triệu Đình Quang và các đồng chí trong ban mặt trận của thôn đã có bao nhiêu buổi vượt núi, vượt đèo đi vận động từng hộ.
Thông qua các buổi họp thôn và vận động, tuyên truyền trực tiếp tại nhà về lợi ích khi mở con đường mới thì cuối cùng người dân cũng đồng thuận và tự nguyện, vui vẻ góp sức.
Một buổi sáng đầu tháng 5/2023, người dân Khuổi Lùng cùng nhau đổ bê tông đường nội thôn dài khoảng 3km, rộng 1,2m. Tiếng nói cười của bà con, tiếng cuốc, xẻng phá tan bầu không khí tĩnh lặng giữa núi rừng.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh người dân dùng những ống vầu để đựng nước vượt hàng cây số lên đỉnh núi để trộn bê tông làm đường.
Tay cầm xẻng trộn vữa, bà Lý Thị Bảo vui vẻ cho biết, năm nay đã 67 tuổi, ban đầu bà cũng tham gia vác nước từ dưới khe lên nhưng mấy thanh niên ngăn lại bảo chỉ cho làm việc nhẹ ở gần bản. Mấy hôm nay đi làm mệt nhưng vui, bà con rất phấn khởi vì con đường sắp hoàn thành.
Trên vai còn vác đoạn vầu chứa nước dài hơn 2 mét, chị Triệu Thị Sinh chia sẻ, tôi đã tham gia làm đường được một tuần rồi, công việc chủ yếu là vác nước từ dưới khe lên, cũng đau hết hai vai nhưng cũng phải cố gắng thôi, nhiều người cùng làm nên cũng xong nhanh.
Để làm tuyến đường này, 29 hộ dân thôn Khuổi Lùng tự khai thác cát và vận chuyển vật liệu. Với hơn 100 tấn xi măng được hỗ trợ, người dân Khuổi Lùng cũng phải làm hơn 1 tháng mới xong.
Chị Triệu Thị Thành, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) cho biết: Do đoạn đường xa mà nhỏ nên việc vận chuyển vật liệu rất vất vả, vì vậy, chính quyền và các tổ chức phải hỗ trợ, kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Con đường hoàn thành sẽ là động lực giúp bà con bản người Dao Khuổi Lùng thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo.
Trưởng thôn Khuổi Lùng Triệu Đình Quang cho biết: Có hỗ trợ về vật liệu, người dân góp sức nên tranh thủ lúc nông nhàn sẽ huy động người dân làm đường. Để có con đường này, bà con đã tự nguyện hiến đất, góp sức mở đường, từ con đường nhỏ chỉ đi xe máy nay ô tô tải, xe tắc tơ chỡ gỗ có thể vào đến tận rừng.
Mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, người dân Khuổi Lùng dừng tay cùng nhau làm cơm trưa, cũng chỉ có măng rừng với cơm nắm nhưng thật ấm áp tình người. Còn với chúng tôi, thật sự khâm phục ý chí vươn lên của người dân nơi đây, hình ảnh những cô gái vác từng ống nước từ khe lên đỉnh núi trộn bê tông thật là khó quên.
Nhưng đó cũng chính là khát khao vươn lên của người dân nơi đây, dù cuộc sống hiện tại còn khó khăn, nhưng tương lai đã rộng mở phía trước.