| Hotline: 0983.970.780

Ban quản lý Rừng phòng hộ Tương Dương: Bảo vệ rừng cũng giỏi, tăng gia sản xuất cũng tài

Thứ Bảy 28/01/2023 , 15:07 (GMT+7)

Rừng Tương Dương trải dài tít tắp, áp lực bảo vệ rừng rất nặng nề. Dù vậy, với sự nỗ lực không ngơi nghỉ của cơ quan chuyên môn, vốn quý đã được gìn giữ.

Áp lực bảo vệ rừng ở Tương Dương rất lớn. Ảnh: VK.

Áp lực bảo vệ rừng ở Tương Dương rất lớn. Ảnh: VK.

Cùng chung tay vượt khó

Huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhiệm vụ trồng rừng hoàn thành đúng kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước, nhận thức của đồng bào về vốn rừng được cải thiện thấy rõ.

Ấy là nhờ định hướng chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, xuyên suốt từ tỉnh xuống cơ sở, sự nhập cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn, trong đó bật lên vai trò rõ nét của Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Tương Dương.

Về cơ cấu tổ chức, BQLRPH Tương Dương có 8 Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), trực tiếp quản lý bảo vệ hơn 86.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Rừng núi mênh mông, trải dài tít tắp nhưng lực lượng giữ rừng quá mỏng, kết hợp với hàng loạt yếu tố chủ quan lẫn khách quan khác (đồng bào vẫn nặng hình thức phát nương làm rẫy, làm nhà bằng gỗ; công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn thiếu; nhiệm vụ đặt ra nặng nề nhưng tiền lương chi trả cho anh em còn thấp, quyền hạn không cao; trình độ nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, điều kiện KT - XH còn khó khăn, người dân sống phụ thuộc vào rừng) đòi hỏi đơn vị phải xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản mới mong hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao phó.

Đòi hỏi lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải nỗ lực gấp bội phần mới cáng đáng được nhiệm vụ. Ảnh: VK.

Đòi hỏi lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải nỗ lực gấp bội phần mới cáng đáng được nhiệm vụ. Ảnh: VK.

Trạm QLBVR Hữu Khuông là đơn vị trực thuộc, thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và phát triển rừng. Trạm đóng tại khu vực bản Pủng Bón, xã Hữu Khuông, vốn là nơi xa nhất, đường đi lối lại khó nhằn nhất, địa hình phức tạp nhất, tất thảy vô hình trung tạo ra áp lực ngàn cân dồn lên vai gầy của 5 thành viên (1 Trạm trưởng, 01 Trạm Phó và 03 nhân viên).

Quả thật, với quy mô diện tích quản lý lên đến 17.695,78 ha, trải dài khắp 17 tiểu khu, bình quân mỗi người “gánh” khoảng 6.000 ha đòi hỏi phải căng sức 24/24h, duy trì nhịp độ đó xuyên suốt từ ngày này sang tháng khác. Dẫu nặng nề nhưng không thể khác bởi chỉ một chút lơ là, xao nhãng thôi là công sức trôi sông đổ biển tức thì.

Giữa muôn vàn gian khó nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ngành huyện Tương Dương, của Sở NN-PTNT, sự chủ động của Chi ủy, Chi bộ, lãnh đạo Ban, các phòng chuyên môn, quá trình phối, kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn và các đơn vị liên quan tựu chung đã giải tỏa được rất nhiều áp lực, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và phát triển rừng toàn huyện Tương Dương nói chung v địa bàn xã Hữu Khuông đã đi vào nề nếp, có chiều sâu.

Hoàn thành nhiệm vụ kép

Bám sát Chỉ thị 05 của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngay từ đầu năm 2022, Chi bộ Trạm QLBVR Hữu Khuông đã chủ động đăng ký các mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu để tạo động lực lan tỏa, qua đó thúc đẩy phong trào vượt khó trên diện rộng. Chỉ sau một năm thực hiện những tín hiệu tích cực đã xuất hiện, nổi bật phải nhắc đến cách làm của Đảng viên điển hình Lương Viết Hùng thông qua nội dung: “Phát huy vai trò trạm trưởng, gương mẫu trong chỉ đạo bảo vệ rừng gắn với tăng gia sản xuất, chăn nuôi tăng thêm thu nhập tại trạm quản lý bảo vệ rừng Hữu Khuông”.

Trạm trưởng Lương Viết Hùng là đầu tàu của Trạm QLBVR Hữu Khuông. Ảnh: VK.

Trạm trưởng Lương Viết Hùng là đầu tàu của Trạm QLBVR Hữu Khuông. Ảnh: VK.

Trạm trưởng Lương Viết Hùng cùng các thành viên đều xác định rõ tư tưởng, nhất nhất phải nỗ lực hết mình, quyết tâm đi sâu, bám sát địa bàn, vừa làm tốt vai trò tham mưu, định hướng, đồng thời sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chính là điểm nhấn. Trong năm 2022, đơn vị đã truyền tải hàng loạt văn bản của cấp trên (14 báo cáo, 01 nghị quyết, 21 công văn, 08 kế hoạch, 13 quyết định, 04 giấy mời, 10 thông báo, 01 phương án) đến cho người lao động và đồng bào. Song song với đó đã chủ động tổ chức nhiệm vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua những chương trình, hành động cụ thể, thiết thực.

Không chỉ có thế, Trạm đã tổ chức xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, tăng cường bảo vệ rừng tại gốc có hiệu quả, kết hợp công tác QLBVR và PCCCR, kế hoạch triển khai truy quét… mỗi nhiệm vụ đặt ra đều được triển khai quyết liệt, đúng trọng tâm theo hướng “cầm tay chỉ việc”, trên dưới thông suốt nên hiệu quả đến như một lẽ tất yếu, chuyển biến trên tất cả các phương diện là đều dễ nhận thấy.

“Rừng là vàng, để gìn giữ và phát triển bền vững đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng”, bám vào đây Trạm QLBVR Hữu Khuông đã mở lớp tập huấn với sự tham gia của 60 người con dân bản. Tương tự là 39 cuộc tuyên truyền tại địa bản các bản Con Phen, Tủng Hốc, Pủng Bón, Huồi Pủng, Chà Lâng thu hút đến 2.011 lượt người. Đi sâu bám sát, kiên trì nhẫn nại, chủ trương “mưa dầm thấm lâu” đã tạo ra những thay đổi mang tính căn cơ, từ tâm lý khá gượng ép trong thời gian đầu nay các học viên đã tích cực tham gia, sẵn sàng lắng nghe và chủ động trao đổi các vấn đề liên quan trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Nói cách khác, đồng bào đã thấu hiểu rừng là tài nguyên vô giá, là tài sản chung của cả cộng đồng, tất cả đều phải nêu cao ý thức chung tay bảo vệ, có như thế mới bảo tồn được vốn quý.

Chế độ, thu nhập ít thôi thúc các thành viên của Trạm QLBVR Hữu Khuông tăng gia sản xuất. Ảnh: VK.

Chế độ, thu nhập ít thôi thúc các thành viên của Trạm QLBVR Hữu Khuông tăng gia sản xuất. Ảnh: VK.

Trong 10 tháng năm 2022, Trạm QLBVR Hữu Khuông cũng tiến hành 76 đợt tuần tra, kiểm tra rừng (18 đợt tuần tra, truy quét; 58 đợt tuần tra rừng thường xuyên) dàn trải qua 153 ngày, có tổng cộng 609 lượt người tham gia. Trên thực tế chỉ ghi nhận 3 gốc chặt, 5 điểm rẫy có sự tác động, mức độ có thể nói là quá nhỏ nếu so với diện tích khổng lồ 17.695,78 ha mà toàn Trạm đang quán xuyến bấy lâu. Đưa ra để thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn này đang duy trì được sự ổn định cần có.

Điều đáng nói, Trạm QLBVR Hữu Khuông với hạt nhân là Trạm trưởng Lương Viết Hùng đã chứng minh họ không chỉ giỏi trong công tác chuyên môn đơn thuần mà tỏ ra rất “cừ” trong nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Từ những điều mắt thấy tai nghe, những người giữ rừng tại đất Hữu Khuông xứng đáng là gương điển hình trong xu thế mới.

Trên thực tế, mô hình tăng gia ngay tại Trạm đã tạo ra nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Tranh thủ những khoảng thời gian nhàn rỗi hiếm hoi, các thành viên đã tiến hành cải tạo, hình thành vườn rau sạch xanh mướt mắt trên diện tích 200 m2  (đáp ứng trên 60% nhu cầu của Trạm), trồng thêm 2 ha rừng, chưa kể còn phát triển cả lĩnh vực chăn nuôi với 20 con gà, 4 yến cá trắm, 15 con dê. Chủ động được nguồn thực phẩm không chỉ giúp giảm tải gánh nặng chi tiêu thường nhật mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho anh em với bình quân 500.000 đồng/người/tháng.

Không dấu nổi nét hồ hởi, Trạm trưởng Lương Viết Hùng chia sẻ: “Nghề giữ rừng gian nan, vất vả lắm, áp lực thường trực đè nặng nhưng đồng lương ít ỏi, thu nhập thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Mỗi thành viên tại Trạm QLBVR Hữu Khuông thấu hiểu hơn ai hết tình cảnh của mình, vừa phải nỗ lực, cố gắng đảm đương nhiệm vụ chuyên môn, lại có trách nhiệm lo toan cho gia đình, muốn làm được phải tận dụng để tăng gia sản xuất. Dù vất vả hơn nhưng ai cũng hăng hái xắn tay vào làm, thành quả có được khiến anh em rất phấn chấn”.

Chủ động đồ ăn thức uống góp phần giảm tải gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng vơi đi ít nhiều. Ảnh: VK.

Chủ động đồ ăn thức uống góp phần giảm tải gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng vơi đi ít nhiều. Ảnh: VK.

Không thỏa mãn với những gì đang có, các thành viên Trạm QLBVR Hữu Khuông ấp ủ sẽ mở rộng quy mô bằng cách tăng đàn, nhân rộng quỹ đất trồng rau các loại. Mục tiêu sẽ đáp ứng trên 70% nguồn thực phẩm cho đơn vị trong thời gian tới.

Cùng lúc hoàn thành “chỉ tiêu kép” là điều đáng mừng, dù vậy Trạm QLBVR Hữu Khuông xác định công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và phát triển rừng là nhiệm vụ chính, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép xao nhãng.

Từ thực tế lúc này, nhận định năm 2023 sẽ đối diện nhiều khó khăn, thách thức, điều này xuất phát từ từ nguye cơ sản xuất nương rẫy, một số điểm vẫn còn người dân sinh sống trái phép, nạn săn bắt động vật hoang dã, khai thác rừng nhỏ lẻ để làm nhà vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó là diễn biến thời tiết cực đoan, phức tạp vào các tháng cao điểm, kéo theo nguy cơ cháy lan vào khu vực rừng phòng hộ.

Qua phân loại, cơ quan chức năng xác định trên địa bàn quản lý của Trạm QLBVR Hữu Khuông có nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ sản xuất nương rẫy (tiểu khu 521, 531, 528, 529, 530, 549, 567, 544); khai thác lâm sản nhỏ lẻ (tiểu khu 534, 530, 529, 528); săn bắt động vật hoang dã (534, 530, 544, 549, 553, 556, 537, 528, 529); nguy cơ cháy rừng cao (521, 522, 517, 536, 528, 529).     

Từ những thông số nêu trên, áp lực đặt ra là lẽ đương nhiên, tuy nhiên không vì thế mà chùn bước, trái lại càng phải nêu cao cảnh giác, quyết tâm hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Trước nhất, Trạm xác định tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng phòng hộ.

Quá trình thực hiện, cần tăng cường tuần tra, kiểm tra ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật trong rừng phòng hộ. Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, mua bán lâm sản trái pháp luật trong khu vực rừng phòng hộ. Tất cả phải trên tinh thần chủ động, tránh trường hợp nước đến chân mới nhảy.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.