| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ quyền lợi của người dân ngõ 96 Tô Ngọc Vân được giải quyết?

Thứ Ba 16/10/2018 , 07:05 (GMT+7)

Bà Trần Thị Tính, thay mặt các hộ dân 2 khu tập thể trong ngõ 96 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) có đơn kêu cứu về việc 24 hộ dân ở đây chưa được cấp sổ đỏ. Đã vậy, lại còn có nguy cơ bị sáp nhập vào một công ty có trụ sở tại ngõ 98 Tô Ngọc Vân bên cạnh…

Lịch sử khu tập thể

Nhà nghỉ Quảng Bá, xã Quảng An, huyện Từ Liêm (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ) xây dựng từ năm 1960. Hai khu tập thể xây dựng cùng thời gian với nhà nghỉ Quảng Bá. Có 3 giấy ủy nhiệm sử dụng đất của Ủy ban hành chính Hà Nội cấp cho Liên hiệp Công đoàn Hà Nội ngày 14/12/1959, ngày 7/3/1960 và ngày 27/2/1961.

Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhà ở cho CBCNV, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã có văn bản ủy nhiệm và giao quyền cho giám đốc nhà nghỉ Quảng Bá, Công đoàn nhà nghỉ Quảng Bá và Hội đồng phân phối nhà để xếp, phân phối nhà ở cho CBCNV nhà nghỉ.

Người dân khu tập thể ngõ 96 Tô Ngọc Vân đang thảo kiến nghị gửi các cơ quan báo chí

Khu tập thể nhà nghỉ công đoàn Quảng Bá (nay là Công ty TNHH Nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội) xây và phân phối cho 12 CBCNV của nhà nghỉ để ở. Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô xây 12 căn nhà và phân phối cho CBCNV của bệnh viện để ở.

Sau đó, 6 CBCNV của bệnh viện chuyển đi nơi khác, bệnh viện bàn giao cho nhà nghỉ Công đoàn Quảng Bá, để phân phối cho 6 CBCNV của nhà nghỉ. Như vậy khu tập thể bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô chỉ còn có 6 căn nhà. Khu tập thể nhà nghỉ Công đoàn có 18 căn nhà.

Tổng số hộ dân của 2 khu tập thể là 24 căn hộ. Khi được phân phối nhà, các hộ đều có quyết định phân nhà, xếp nhà của nhà nghỉ Công đoàn Quảng Bá và Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô.

Từ năm 1996 đến nay, các hộ dân ở 2 khu tập thể không chịu sự quản lý của nhà nghỉ Quảng Bá và Bệnh viện Hữu Nghị nữa. Các hộ dân tự quản lý diện tích nhà, đất của mình. Qua gần 40 năm sử dụng, hầu hết các ngôi nhà đã quá dột nát, hư hỏng, gây nguy hiểm cho người sử dụng, nên các hộ dân đã xin phép UBND sở tại, đập nhà cũ để xây nhà mới.

Khu đất bố trí làm 2 khu tập thể có khuôn viên độc lập, có tường ngăn cách, có lối đi riêng, tách biệt khỏi khuôn viên Công ty, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, không che chắn mặt tiền Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội.
 

Kê khai khó hiểu và hợp đồng trái pháp luật?

Ngày 5/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 61/NĐ-CP về việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 4/3/1996, Bộ Xây Dựng ban hành Thông tư số 01/BXD-QLN hướng dẫn việc chuyển giao nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngày 27/8/1997, Sở Nhà đất Hà Nội ban hành văn bản số 2309/NĐ-TNBN về việc chuyển giao quỹ nhà ở tự quản của các cơ quan, đơn vị sang ngành nhà đất quản lý và bán theo Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ, gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội.

Thay vì bàn giao khu tập thể cho Sở Nhà đất Hà Nội thì ngày 8/12/1997, Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội lại kê khai trái pháp luật diện tích đất của 2 khu tập thể, gộp vào diện tích của Công ty. Cụ thể như sau: Diện tích đất sử dụng vào mục đích chính là 27.225 m2. Diện tích đất sử dụng vào mục đích khác, trong đó chia cho CBCNV làm nhà ở (2 khu tập thể) là 3.345 m2. Thời gian sử dụng đất từ 1959-1961.

Ngày 14/7/2008, Công ty Khách sạn và Du lịch Công đoàn Hà Nội có tờ kê khai sử dụng đất như sau: Diện tích đất sử dụng đúng mục đích là 28.491,8 m2, sử dụng từ năm 1959. Diện tích đất đã bố trí làm nhà ở, đất ở (2 khu tập thể) là 2.753 m2, sử dụng đất từ năm 1974.

Giữa hai lần kê khai hiện trạng quản lý, sử dụng đất của Công ty Khách sạn và Du lịch Công đoàn Hà Nội đã thấy sự “vênh” nhau giữa diện tích đất và thời điểm sử dụng đất. Thời gian sử dụng đất cũng sai.

Công ty khai diện tích đất đã bố trí làm nhà ở, đất ở (2 khu tập thể) sử dụng từ năm 1974, là sai. Bởi vì nhiều hộ dân đã có quyết định xếp nhà, có hộ khẩu từ năm 1970-1971 như hộ ông Nguyễn Viết Thực, hộ bà Lê Thị Nhưỡng, hộ bà Đỗ Thị Sen, hộ ông Nguyễn Hữu Trang, …

Công ty Khách sạn và Du lịch Công đoàn Hà Nội do ông Trịnh Huy Lãng, đại diện và Sở Địa chính Hà Nội (nay là Sở TN-MT) do ông Đỗ Ngọc Tước, PGĐ đại diện, ký hợp đồng thuê đất số 250-245-98/ĐC-HĐTĐ ngày 14/9/1998.

Hợp đồng thuê đất này có trái pháp luật hay không, thì để các cơ quan pháp luật vào cuộc. Tuy nhiên hợp đồng đã bất chấp một thực tế lịch sử. Đó là các hộ dân ở 2 khu tập thể đã sống hơn 40 năm nay. Thay vì phải bàn giao 2 khu tập thể cho Sở TN-MT, Sở Xây dựng , UBND TP Hà Nội, thì công ty lại kê khai cả diện tích của 2 khu tập thể vào hợp đồng thuê đất.

Phải chăng Công ty Khách sạn và Du lịch Công đoàn Hà Nội và Sở Địa chính Hà Nội đã ký hợp đồng lén lút, khuất tất? Bởi thế mới không khảo sát thực tế và không (dám) lấy ý kiến của dân, không nhận được sự đồng thuận của 24 hộ dân.

Những kiến nghị của người dân

Yêu cầu của 24 hộ dân là: 2 khu tập thể ở ngõ 96 Tô Ngọc Vân có khuân viên độc lập, có tường ngăn cách, có lối đi riêng, không liên quan gì đến Công ty TNHH NN MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội, có trụ sở ở ngõ 98 Tô Ngọc Vân.

Thứ nhất, đề nghị không được sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội. Thứ hai, đề nghị Liên đoàn Lao động TP Hà Nội bàn giao 2 khu tập thể cho UBND TP Hà Nội quản lý, để các hộ dân được mua nhà theo Nghị định số 61/NĐ-CP, tức là được thực hiện đúng pháp luật, đúng nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp của người dân.

Kể từ khi 2 khu tập thể ra đời và người dân sinh sống ở đây, đã hơn 40 năm rồi. Nếu tính từ năm 2006 đến nay, căn cứ vào Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP ra ngày 7/9/2006 của Chính phủ và Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP ra ngày 30/8/2007 của Chính phủ, thì cũng đã hơn 10 năm nay, các hộ dân liên tục đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp nhận khu tập thể để quản lý, và để các hộ dân được làm thủ tục mua nhà và xin cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên đến nay, quyền lợi chính đáng ấy vẫn chưa được thực hiện. Người dân cứ dài cổ ngóng trông. Nhiều người vì tuổi cao sức yếu, mòn mỏi đợi chờ, nay đã qua đời mà chưa được nhìn thấy tờ sổ đỏ.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.