Theo thống kê Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc, trên thế giới có hơn 120 triệu trẻ em gái và 72 triệu trẻ em trai thường xuyên bị bạo lực cả thể chất và tinh thần. Còn tại Việt Nam, có khoảng 3.000-4.000 trẻ em bị bạo lực, trong đó có 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Vấn nạn về bạo lực học đường đang là một vấn nạn đáng báo động của toàn xã hội.
Tọa đàm "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?". |
Với từ khóa “bạo lực học đường” trên Google, chỉ trong 0.34 giây tìm kiếm đã cho ra gần 25.8 triệu kết quả. Trong khi đó, cụm từ khóa “dâm ô trẻ em” có gần 21 triệu kết quả chỉ sau 0.25 giây tìm kiếm. Vậy cần làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này trong môi trường lẽ ra phải trong lành, an toàn và thân thiện nhất – học đường? Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn thiết về vấn đề này tới mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM). |
Phân tích nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường, dâm ô trẻ em ngày càng phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt nằm ở nhận thức, giá trị sống và sự tuân thủ pháp luật của người vi phạm. Thực tế, ngay cả người hiểu rõ luật pháp vẫn có hành vi xâm hại, gây tổn thương đến người khác, đặc biệt là trẻ em.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) cho biết, để ngăn chặn bạo lực học đường và nạn dâm ô trẻ em, thì vai trò của Đoàn thanh niên trong các cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng và cần tích cực tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút nhiều em học sinh tham gia, để từ đó tạo cho các em môi trường tâm lý thoải mái, có niềm tin đối với công tác giảng dạy tại nhà trường. Bên cạnh đó, tạo mối quan hệ gần gũi, sự gắn kết giữa học sinh với các thầy cô, cũng như với nhà trường.
Ngoài ra, trường học cần quan tâm phát triển đầu tư đội ngũ giáo viên giảng dạy kỹ năng sống giúp học sinh có thêm kiến thức, cũng như để hỗ trợ và chia sẻ khi các em gặp khó khăn.
Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐH An ninh Nhân dân. |
Còn theo Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐH An ninh Nhân dân thì khi tham gia lên án hành vi bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, chúng ta phải tham gia đúng chuẩn, có trách nhiệm, thể hiện tinh thần xây dựng, tích cực, không cổ súy cho hành vi xấu. Mặt khác, thời gian qua việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, trong khi một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra “phản ứng ngược” từ cộng đồng.
“Trẻ em là nhóm xã hội yếu thế, dường như không có khả năng chống cự khi bị xâm hại. Trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng nhận thức ranh giới giữa yêu thương, nũng nịu với dâm ô, xâm hại tình dục”, ông Việt Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo các diễn giả, nhiều cha mẹ sợ thông tin hình ảnh bị chia sẻ, sợ người khác đàm tiếu nên chọn cách im lặng, không dám tố cáo. Điều này khiến quá trình điều tra, xử lý tội phạm gặp nhiều khó khăn và gây thêm tổn thương cho các em. Vì vậy, các diễn giả cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là cùng chung tay lên tiếng khi phát hiện “cái ác” và trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ nhận biết rủi ro, biết cách để xử lý tình huống. Việc này cần có sự chung tay của toàn xã hội để tạo ra được môi trường lành mạnh, thân thiện, yêu thương và an toàn cho trẻ.
Hướng dẫn một số kỹ năng tự vệ và phòng chống xâm hại tình dục cho các em học sinh. |