| Hotline: 0983.970.780

'Bảo mẫu' ở trại cá giống

Chủ Nhật 20/11/2022 , 16:18 (GMT+7)

Chăm cá giống cũng như chăm đứa trẻ vậy. Người nông dân vừa là bác sỹ, kiêm bà đỡ và làm mẹ.

Không kiên trì không làm được cá giống

Ở thôn Thượng Đình (xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), người ta thường gọi lão nông Đoàn Văn Sự (56 tuổi) với biệt danh Sự “đen”, bởi nước da đen bóng của ông không lẫn vào đâu được.

Ông Sự khởi nghiệp bằng nghề nuôi cá giống từ những năm đầu của thập niên 90. Gia đình ông cũng là hộ dân tiên phong tại xã Quảng Định triển khai mô hình này.

Lão nông kể: “Thời đó, dân mình nghèo lắm! ăn chưa đủ, nói gì đến chuyện làm giàu hay làm ông này, bà nọ. Nhà nào khá hơn chút thì có miếng cơm ăn cho “chật” bụng. Trong cảnh đói kém, buộc người ta phải vận động, tìm đủ mọi cách, tạo kế sinh nhai”.

Xuất phát từ suy nghĩ này, ông Sự quyết định dùng toàn bộ số vốn mà vợ chồng ông gom góp được bấy lâu để thuê thầu đất của xã rồi đào ao, thả cá. Tiếp đó, lão nông rong ruổi từ bắc chí nam, tham quan, học tập mô hình nuôi thả cá giống, để áp dụng cho ao nuôi của gia đình.

“Mình có ít vốn nên phải lấy ngắn nuôi dài. Nuôi thả cá giống vừa có tiền vừa thu hồi vốn nhanh”, ông Sự cho hay.

Ông Đoàn Văn Sự, chủ trại cá giống tại xã Quảng Định (Quảng Xương, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Ông Đoàn Văn Sự, chủ trại cá giống tại xã Quảng Định (Quảng Xương, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Thời điểm đầu, ông chủ yếu thả các loại cá giống truyền thống như, trắm, trôi, mè, chép… Tuy nhiên việc nuôi cá giống phần lớn phụ thuộc vào thời tiết nên có năm được, năm mất. Có năm cá giống ế ẩm vì nhiều người thấy ông làm mô hình này có thu nhập tốt nên bắt chước làm theo, khiến thị trường ngày một bão hòa.

Đầu những năm 2000, khi nghe tin Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh giống cá bống tượng, giá bán lại cao, ông cùng mấy người bạn tức tốc vào nam để tìm hiểu và bỏ hàng trăm triệu để đầu tư con giống.

Nhưng nuôi được một thời gian thì cá chết sạch vì con giống không hợp khí hậu và môi trường. Ông Sự thất bại với giống cá này này chỉ trong vài tháng, cùng với đó là áp lực trả nợ ngân hàng khiến ông lão nông càng khó khăn hơn. Nhưng may mắn thay, thời điểm này, các ao nuôi truyền thống cũng bắt đầu vụ sinh sản, giúp ông gỡ gạc được đôi phần.

Ông Sự bảo, nhiều lần định chuyển nghề, nhưng lại không đành. Lão nông tiếc cái cơ ngơi mình xây dựng mấy chục năm nay. Rồi cánh thương lái (mối hàng quen thuộc của ông Sự) khi nghe tin ông định thôi làm cá giống đã đến tận nhà để động viên ông tiếp tục công việc.

“Làm cái nghề này lắm gian truân lắm! Nếu không có sự kiên nhẫn, kiên trì không làm được. Làm nông nghiệp nói chung, làm cá giống nói riêng không phải chỉ làm cho cá nhân, gia đình mình mà nó liên quan tới an ninh lương thực của địa phương, rộng hơn là huyện, tỉnh, quốc gia.

Nếu ai cũng có suy nghĩ tiêu cực để chạy theo vòng xoáy của đồng tiền thì lấy ai làm nông nghiệp. Chính suy nghĩ này đã khiến tôi thay đổi và tiếp tục gắn bó với nghề suốt mấy chục năm nay ”, ông Sự chia sẻ.

Trại cá giống cho thu nhập tiền tỷ

Hiện tại, gia đình ông Sự có 12 ao nuôi, trên diện tích 3 mẫu đất (khoảng 1000m2 Bắc Bộ), chủ yếu là thả nuôi cá giống truyền thống (trắm, trôi, mè, chép). Trang trại nuôi cá giống của ông Sự hiện nay cung cấp cá giống cho bà con các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Theo kinh nghiệm của ông Sự, con giống được chọn để sinh sản phải là con đẹp, đồng đều nhau, không dị tật; con giống phải hoạt động nhanh nhẹn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng, màu sắc sáng đẹp; không có các dấu hiệu khác về màu sắc.

“Trong lĩnh vực trồng trọt, quan trọng nhất vẫn là chọn giống. Tuy nhiên, trong chăn nuôi cá giống, quan trọng nhất là môi trường. Môi trường có sạch, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật mới thả được cá giống. Người nuôi phải thường xuyên sử dụng máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy để làm sạch và cân bằng môi trường trong ao nuôi.

Đối với cá bột, sau khi được sinh ra đến ngày thứ 7 là có thể bán ra thị trường. Đối với cá con để làm giống, phải đủ từ 2 đến 3 tháng mới được xuất bán. Để cá giống không bị ốm trong quá trình vận chuyển, người nuôi nhất thiết phải thực hiện công đoạn “luyện” cá bằng cách tác động vào môi trường nước, tạo sự va chạm giữa các cá thể, để cá làm quen với sự thay đổi, sau đó đưa cá lên bờ, đóng ô-xi và vận chuyển.

Chăm cá giống cũng như chăm đứa trẻ vậy. Người nông dân vừa là bác sỹ, kiêm bà đỡ và làm mẹ. Nuôi có giống nếu không tường tận, tỉ mỉ, có thể mất cả ao giống vì cá nhiễm bệnh”, ông Sự chia sẻ.

Hiện tại, gia đình ông Sự có 12 ao nuôi, trên diện tích 3 mẫu đất (khoảng 1000m2 Bắc Bộ), chủ yếu là thả nuôi cá giống truyền thống (trắm, trôi, mè, chép). Ảnh: Quốc Toản.

Hiện tại, gia đình ông Sự có 12 ao nuôi, trên diện tích 3 mẫu đất (khoảng 1000m2 Bắc Bộ), chủ yếu là thả nuôi cá giống truyền thống (trắm, trôi, mè, chép). Ảnh: Quốc Toản.

Ông Sự đặc biệt lưu ý, đối với cá mẹ sinh sản không nên cho ăn thức ăn công nghiệp, nếu không cá bố, mẹ sẽ tích mỡ, tích nước và nhanh xuống cấp giống.

“Chế độ ăn của cá mẹ sinh sản phải kết hợp tinh bột, chất xơ. Cá đến mùa sinh sản phải kiểm tra kỹ trứng của con cái và tinh hoàn của con đực. Người nuôi phải lựa thời điểm thời tiết ấm để kích thích sinh sản cho cá. Vòng đời của cá mẹ có thể lên tới vài chục năm phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc và giống. Thời điểm trứng cá giống chất lượng nhất là sau 5 năm kể từ khi nuôi”, ông Sự cho biết.

Hằng năm, gia đình ông Sự cung cấp ra thị trường 5 đến 6 tấn cá giống (các giống sinh sản, cá bột) Giá bán tùy theo thời điểm và loại cá giống. Riêng cá giống sinh sản có giá từ 70-80 nghìn đồng/kg. Mỗi năm thu nhập từ việc bán cá giống của gia đình ông Sự lên tới hàng tỷ đồng.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.