| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre: Phạt nặng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Năm 18/03/2021 , 11:12 (GMT+7)

Năm qua, tỉnh Bến Tre xảy ra 10 vụ vi phạm vùng biển nước ngoài. UBND tỉnh xử phạt hành chính 9 chủ tàu với số tiền 7,4 tỷ đồng.

Phạt nặng nhiều trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài

Xác định tình hình khai thác thuỷ sản còn diễn biến phức tạp, năm 2020, Tỉnh uỷ Bến Tre đã tổ chức quán triệt nội dung công văn số 81-CV/TW của Ban bí thư đối với UBND tỉnh và các sở ban, ngành tỉnh.

Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre đã trực tiếp làm việc với Ban cán sự Đảng bộ UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Bộ Chỉ huy biên phòng và UBND huyện Ba Tri về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đội tàu của Bến Tre hiện có 1.976 chiếc trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đến nay công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 98,41%, trong đó tàu từ 24m trở đã hoàn thành 100%.

Bến Tre đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên 98%. Ảnh: Minh Đảm.

Bến Tre đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên 98%. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ việc gần như hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, qua công tác giám sát được thực hiện từ tháng 9/2019 đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện 72 lượt tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tổ giám sát đã phối hợp với lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương mời chủ phương tiện làm việc và buộc cam kết không tái phạm.

Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được củng cố và tổ chức lại. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã thực hiện 21 đợt tuần tra, kiểm tra 1.455 phương tiện với gần 5.600 lượt người. Qua đó, phát hiện 31 vụ vi phạm xử phạt hành chính với số tiền trên 800 triệu đồng. Riêng lực lượng biên phòng kiểm tra xuất, nhập bến gần 14 nghìn lượt.

Năm qua, tỉnh xảy ra 10 vụ vi phạm vùng biển nước ngoài, so với cùng kỳ giảm 11 vụ, tương đương 52,4%. Bộ Chỉ huy biên phòng đã tham mưu UBND tỉnh Bến Tre xử lý 9 chủ tàu với số tiền 7,4 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển hồ sơ cho Bộ Chỉ huy biên phòng Cà Mau xử lý 1 trường hợp vi phạm nước ngoài đang tạm trú dài hạn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ngành thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao của ngành nông nghiệp Bến Tre, tỉnh đang tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức ngư dân cùng tháo gỡ thẻ vàng của EC giúp đời sống cua ngư dân tốt hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Ngành thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao của ngành nông nghiệp Bến Tre, tỉnh đang tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức ngư dân cùng tháo gỡ thẻ vàng của EC giúp đời sống cua ngư dân tốt hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Ngành thuỷ sản đóng góp rất lớn trong cơ cấu của ngành, chiếm khoảng 60% tỷ trọng của ngành nông nghiệp tỉnh. Đồng thời, ngành khai thác thuỷ sản cũng giải quyết việc làm cho đại bộ phận người dân sống vùng ven biển. Trong thời gian vừa qua, có một vài trường hợp tàu của Bến Tre đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cho nên với thẻ vàng châu Âu áp đặt, theo chỉ đạo của trung ương đến cấp tỉnh cấp huyện phải làm sao kéo giảm đi đến chấm dứt các trường hợp này để làm sao hải sản của Bến Tre nói riêng cũng như cả nước nói chung tiếp tục xuất khẩu sang thị trường châu Âu và nước ngoài. Ngành thuỷ sản, ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo tỉnh rất quan tâm.

Thời gian vừa qua, Bến Tre đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị hành trình trên các tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Thứ hai là tăng cường lắp đặt các trang bị các thiết bị liên lạc khi các tàu có vi phạm thì gọi về. Thứ ba là tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức ảnh hưởng khi bị gắn thẻ đỏ. Không những là đời sống của người đi tàu mà cả đội hậu cần dịch vụ nghề cá. Tổ chức tuyên truyền trên báo đài cũng như tổ chức tuyên truyền đến từng thuyền trưởng, đặc biệt là các chủ tàu để họ có trách nhiệm kêu gọi tàu về nếu vi phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay tình hình vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra là điều đáng quan tâm. Dù có thiết bị giám sát hành trình nhưng việc kiểm soát liên hệ với các tàu đang hoạt động trên biển vẫn chưa được thực hiện, phải thông qua chủ nhà. Do đó, có nhiều trường hợp lực lượng chức năng không thể kịp thời liên lạc các tàu quay trở về khi có vi phạm. Đó là những khó khăn còn tồn đọng chưa thể khắc phục một sớm một chiều trong khắc phục vấn đề vi phạm của tàu cá ở Bến Tre.

Do đặc thù của đánh bắt xa bờ nên tỉnh Bến Tre còn gần 500 tàu xa bờ thường xuyên hoạt động trên các ngư trường ngoài tỉnh, cập bến tại cảng cá Sông Đốc (Cà Mau). Để quản lý đội tàu này, Sở NN-PTNT Bến Tre tích cực tham gia thực hiện quy chế phối hợp 8 tỉnh trong khu vực, nhất là Cà Mau duy trì công tác thông tin quản lý. Đồng thời, đề nghị tăng cường công tác kiểm soát, quản lý tàu cá thông qua công tác đăng kiểm kiểm soát sản lượng khai thác thuỷ sản, công tác kiểm tra xuất nhập bến,...Qua 2 năm thực hiện, kết quả bước đầu đạt khá tốt.

Ý thức ngư dân tốt hơn

Hiện nay, huyện Bình Đại có trên 1.000 tàu đánh bắt xa bờ thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua công tác tuyên truyền vận động, ngư dân địa phương đã hoàn thành gần 100% việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình. Thời gian qua, địa phương cũng không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo Ban quản lý cảng cá Bình Đại, hiện nay ngư dân đã quen dần với việc ghi chép nhật ký, vận hành các thiết bị hành trình và ý thức phối hợp, chấp hành tốt với các lượng lượng chức năng. Vì vậy, thời gian qua Bình Đại không có trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, các lỗi “cứng” ngư dân thường dễ gặp phải là thiết bị giám sát hành trình dễ bị mất liên lạc.

Ngư dân làm thủ tục xuất bến tại cảng cá Bình Đại. Ảnh: Minh Đảm.

Ngư dân làm thủ tục xuất bến tại cảng cá Bình Đại. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Bình Thắng có 542 tàu, trong đó có 518 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm trên 50% số tàu của huyện Bình Đại. Đến nay, ngư dân trong xã đã cơ bản lắp đặt thiết bị hành trình đạt 100%, chỉ còn một số ít đang nằm bờ hoặc cháy, chìm, đã bán chưa được xoá đăng ký, sang tên. Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã thông tin: “Thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg, UBND xã phối hợp với Chi cục Thuỷ sản, Phòng NN-PTNT, Đồn Biên phòng Cửa Đại tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn giáo dục pháp luật đến với ngư dân về luật Thuỷ sản. Qua đó, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp móc nối, môi giới đưa tàu đi khai thác trái phép ỏ vùng biển nước khác.

Bên cạnh đó, buộc những chủ tàu cam kết không để thuyền trưởng và thuyền viên của tàu mình vi phạm. Đặc biệt là khi xuất bến qua kiểm soát của Trạm biên phòng. Như vừa qua, chúng tôi phối hợp Đồn biên phòng Cửa Đại lập biên bản nhắc nhở một chủ tàu có hành vi đánh bắt vượt vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, năm 2020 có tàu cá của bà Ngô Thị Ngọc đăng ký ở ấp 3 xã Bình Thắng vi phạm vùng biển ở Malaysia. Lúc vi phạm tàu đánh bắt ở vùng biển Cà Mau và gia đình không có ở địa phương nên chúng tôi khó khăn trong công tác tuyên truyền đến với những tàu cá thuộc diện này.”

Ngư dân bốc dỡ hải sản tại cảng cá Bình Đại. Ảnh: Minh Đảm.

Ngư dân bốc dỡ hải sản tại cảng cá Bình Đại. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Võ Nguyễn Minh Tâm, nhân viên trinh sát đồn biên phòng Cửa Đại cho biết: Trong công tác phối hợp để quản lý tàu cá, ngoài nhiệm vụ kiểm soát các phương tiện ra vào bến cảng thì lực lượng biên phòng còn phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng để tổ chức đi từng nhà đến từng ghe để tuyên truyền các chủ tàu, thuyền trưởng tập trung khai thác ở ngư trường của mình, không được xâm lấn vùng biển nước ngoài.

“Qua công tác tuyên truyền nhận thức, chấp hành của ngư dân ở đây rất tốt. Như trong năm rồi, chỉ có một trường hợp tài công còn nhỏ tuổi, ít kinh nghiệm nhìn toạ độ nên đi lạc ở vùng biển của Malaysia nhưng chúng tôi cũng đã kịp thời gọi điện nhắc nhở và quay về kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều thuyền trưởng khi cảm thấy nghi ngờ về toạ độ hay đến gần biên giới thì chủ động gọi điện về chỗ chúng tôi để hỏi, chỉ khi nào thấy còn trong vùng hải phận của mình mới yên tâm đánh bắt. Chỉ trong tháng đầu năm này có 5 trường hợp gọi về đồn biên phòng để xác nhận toạ độ”, anh Tâm cho biết thêm.

Anh Phạm Văn Sang, chủ hai tàu cá ở huyện Bình Đại cho biết: “Tôi không trực tiếp lái tàu nhưng thường xuyên tàu hoạt động qua thiết bị giám sát hành trình. Hễ thấy tàu gần đến vùng biển biên giới là tôi gọi nhắc nhở anh em, không để xảy ra vi phạm. Tôi biết nếu xảy ra vi phạm thì xử phạt cũng rất lớn, rồi hệ luỵ sau này nữa. Mình phải có ý thức trách nhiệm chung để gỡ thẻ vàng.”

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.