Sau cơn lốc chứng khoán mấy năm trước, thời gian qua bão vỡ nợ, tín dụng đen, hụi họ tiếp tục gây náo động xã hội, biến nhiều đại gia, ông bà trùm thành những kẻ tâm thần. Đến nỗi ở các bệnh viện tâm thần bây giờ người ta xác định: Tiền là một trong những nguyên nhân dễ phát điên nhất.
Điên để trốn nợ
Cũng giống như Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Bộ Y tế) đóng ở huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng lâm vào tình trạng quá tải sau những biến động của nền kinh tế. Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc BV này làm phép tính: Cứ 1 người lang thang “tay nhặt lá chân đá ống bơ” ở ngoài đường thì có 99 người chung cảnh ngộ ấy đang được quản lý và điều trị. Con số ấy nói lên cái gì? Người ta rất dễ mắc bệnh tâm thần nếu gặp phải một biến cố. Đặc biệt năm nay, những biến động kinh tế cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ bệnh nhân gia tăng đột biến.
Các BV tâm thần bắt đầu quá tải, một phần do các bệnh nhân giả điên vào trốn nợ |
Tính riêng Bệnh viện Tâm thần Trung ương I có gần 400 giường bệnh nội trú, đầu năm đến nay lúc nào cũng chật kín. Đó là chưa kể 800 bệnh nhân khác phải cho điều trị ngoại trú. Bệnh nhân tâm thần thường chia thành 3 mức: trung bình- nhẹ- nặng để có phương pháp điều trị phù hợp. 25% bệnh nhân bị tâm thần phân liệt có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu như được điều trị thường xuyên, 50% có khả năng tái phát và 25% thuộc dạng mãn tính không bao giờ khỏi.
Hơn 30 năm làm bác sĩ ở bệnh viện này, ngày nào cũng tiếp xúc với người tâm thần nên lắm lúc ông Cương cũng phải uống thuốc thần kinh vì tự nhận thấy “đầu óc mình có vấn đề”. Và kể từ lúc đón nhận những bệnh nhân theo kiểu “điên kinh tế” thì số lần uống thuốc của vị bác sĩ này phải tăng lên vì những sự kỳ quái không giải thích nổi.
Hôm chúng tôi đến, một bệnh nhân tên Mông Thị Ng. ở tận Lạng Sơn đang làm thủ tục ra viện. Lạ ở chỗ, bác sĩ Cương lúc tiễn bệnh nhân và gia đình cứ dặn đi dặn lại “về nhé, hẹn gặp lại nhé”. Không lạ sao được bởi bác sĩ có “hẹn gặp lại” bệnh nhân bao giờ. Nhưng bác sĩ Cương giải thích rằng Ng. là trường hợp đặc biệt.
Mông Thị Ng. vào điều trị tại BV từ ngày 25/8 năm nay. Lạ cũng phải, Ng. chẳng có dấu hiệu gì cho thấy mình “điên điên” cả. Ăn nói rành rọt đâu ra đấy, thích mặc đồ hiệu, trang sức đắt tiền. Phong thái của một đại gia nữ vùng biên đích thực. Phải đến khi đưa vào khám kỹ các bác sĩ mới biết Ng. mắc bệnh hưng cảm, một loại tâm thần cấp nhẹ. Vậy nên dù vẻ ngoài bình thường nhưng cũng có thể gọi là Ng. bị tâm thần.
Hoặc là Ng. cũng nhận thức được chưa đến mức “điên vì tiền” nhưng chẳng có chốn nào an toàn hơn ở đây? Người nhà Ng. khoe rằng, cô là người có tài ăn nói. Có lẽ nhờ tài ấy mà thu hút được rất nhiều người hùn vốn làm ăn ở vùng sôi động như cửa khẩu Lạng Sơn. Hình thức chơi hụi của nhóm Ng. là góp vốn, chia lãi suất. Người nào cầm tiền thì người ấy chịu lãi. Đồng tiền chung kiểu ấy khiến người nào cũng lầm tưởng mình là đại gia, tiền ấy là của mình. Tổng số vốn huy động thời cao điểm lên đến cả chục tỷ đồng.
Cho đến một hôm, khi đến phiên Ng. là người cầm tiền hụi thì người ta thấy gia đình đưa cô đi viện tâm thần. Nhóm hụi nháo nhào, họ nhất quyết tra khảo bằng được Ng. vì “điên hay không kệ mày nhưng tiền chúng tao đi đâu hết”? Các chủ nợ truy Ng. từ Lạng Sơn về tận Hà Nội nhưng cô chỉ cười cười rồi trả vô thức: Tiền, tiền nào nhỉ? Người nhà bảo cô đầu tư bất động sản, hàng xóm bảo cô buôn bán tận bên Trung Quốc. Đầu tư vào cái gì thì không ai dám chắc, chỉ biết là Ng. mất hết.
Hôm đầu tiên Ng. nhập viện, điện thoại bác sĩ Cường reo réo cả ngày. Réo vì các chủ nợ tìm cách tiếp cận để xin bệnh án xem thử Ng. điên thật hay giở trò vào đây trốn nợ. Họ năn nỉ ỉ ôi chán thì quay ra lớn giọng đe dọa: Con ấy lừa đảo tiền hụi cả chục tỷ đấy. Thỉnh thoảng bảo vệ BV lại thấy một nhóm người đến cổng hùng hổ dò la tin tức về Ng. Tính trung bình mỗi đợt điều trị ở viện giới hạn tối đa 50 ngày, nhưng hết đợt thứ nhất được ít hôm lại thấy người nhà đưa Ng vào điều trị tiếp. Sau những biến động tiền bạc, dường như bây giờ chỉ có nơi này là chốn an toàn dành cho cô.
“Với những bệnh nhân giả bệnh tâm thần, chỉ cần đưa thuốc cho người ta uống, đòi hỏi họ phải tiêm là phát hiện ra ngay. “Có nhiều trường hợp “tâm thần” nhưng khi bác sĩ đến tiêm còn biết cách “bồi dưỡng” thì đích thị là điên giả rồi. Nhưng trách nhiệm của bệnh viện chỉ có khám và chữa bệnh, còn mọi vấn đề khác đã có bên công an giải quyết rồi”- bác sĩ Cương phân tích.
Sẽ còn điên nhiều
Nhiều chuyện ở các BV tâm thần nếu nghe qua thì khó tin, nhưng khi chứng kiến rồi lại không có gì làm lạ cả. Bằng kinh nghiệm của mình, bác sĩ Cương ở Bệnh viện tâm thần Trung ương I và bác sĩ Dũng ở Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đều dự báo: Cứ đà đổ vỡ kinh tế này sẽ còn điên nhiều, các bệnh viện tâm thần sẽ còn quá tải hơn nữa khi ngân hàng siết nợ. Nghe mà hãi, nhưng nếu vào viện tâm thần nhiều người sẽ tự hỏi: Sao bây giờ người ta dễ điên thế nhỉ?
Không được tiếng đại gia, không bị nghi hoặc như Mông Thị Ng. nhưng ở khu điều trị T4 (Viện Tâm thần, BV Bạch Mai) này thì bà Thêm quê ở Móng Cái (Quảng Ninh) cũng nổi tiếng “điên vì tiền” nhờ những hành động kỳ quái của mình. Buôn bán khu vực biên giới, có chút vốn bà tham gia hụi để ôm mộng thành đại gia. Đầu năm nay tổ hụi của bà bị vỡ, thế là bà điên. Điều trị cả tháng trời ở bệnh viện tỉnh không có kết quả nên gia đình đưa bà về đây.
Rất dễ phát điên vì tài chính Một ông chủ của 17 cao ốc ở Nghệ An đã bị loạn thần ngay khi Ngân hàng yêu cầu thanh toán nhanh các công trình và thu hồi sớm các khoản cho vay. Hay như trường hợp anh thanh niên tên T (Hà Đông, Hà Nội) đem hơn 10 tỷ đồng, số tiền ki cóp hơn 10 năm đi lao động xuất khẩu nước ngoài về, cùng với ít tiền của bố mẹ để lại để cho vay, lấy lãi sinh hoạt. Đến lúc người ta vỡ nợ, tiền mất hết nên T tiếc quá mà phát điên. Ở Quảng Nam, có người dồn hơn 10 triệu đồng để trồng 5 sào ớt. Trận lũ lụt vừa rồi khiến cho toàn bộ số ớt đó bị ngập úng. Chỉ mất chừng ấy tiền cũng khiến bà vợ phát điên, phải ra tận Hà Nội điều trị. |
Lúc gặp tôi bà cứ nguây nguẩy đòi về vì “ở đây toàn bọn lừa tiền, bọn nghèo cả, tôi là đại gia cơ mà, không thể ở chung với đám người này được”.
Nói xong bà xách ba lô, người nhà, bảo vệ phải lôi vào tiêm thuốc bà mới chịu ở lại nhưng nhất quyết đòi ở riêng một phòng “cho nó đàng hoàng”. Chứng kiến cảnh ấy, ông chồng bà Thêm vừa nản vừa phân trần: Tôi khuyên mãi mà bà ấy có chịu nghe đâu. Lao đầu vào hụi họ để làm giàu nhưng giàu đâu chẳng thấy, cứ đà này không khéo tôi cũng điên theo bà ấy mất.
Cũng kỳ quái không kém là một đôi vợ chồng sống tại Hà Nội. Ông chồng làm tổng giám đốc một Cty địa ốc, còn vợ làm soát vé trên tuyến đường 5. Ôm mộng làm giàu nhanh chóng, hai vợ chồng cùng nhau dồn tiền để buôn cổ phiếu. Thế nhưng, khi giấc mộng ấy tỉnh ra thì số nợ đã lên tới 200 tỷ đồng. Toàn bộ gia tài nhà cửa bán đi cũng chỉ trả nợ được một phần rất nhỏ. Chứng kiến cảnh ngày nào cũng có người đến đòi tiền, ông chồng bỏ nhà trốn đi biệt tích, nghe đâu cũng phát điên rồi đi đâu không ai biết. Một mình không thể chống chọi với đống nợ khổng lồ, bà vợ để lại con nhỏ cho hai bên nội ngoại trông dùm rồi lang thang làm…người điên nốt.
Ra đường người ta thấy bà vừa cười vừa khóc, cởi bỏ quần áo, miệng cứ lảm nhảm “tiền – cổ phiếu- cổ phiếu – tiền”. Đến lúc công an phát hiện chị ta nằm trên đống rác vẫn cứ luôn miệng “tiền –cổ phiếu” thì đưa vào viện tâm thần. Đã hết kỳ hạn điều trị nhưng bà vợ vẫn cứ lảm nhảm tiền, cổ phiếu nên các bác sĩ liệt bà vào dạng hết thuốc chữa. Bà trốn được nợ, nhưng chắc chắn phải sống quãng đời còn lại của một người điên.