Những điều tối kỵ
Thôn Trà Chẩu của xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), sinh sống tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao họ. Trước đây, đồng bào Dao họ tự cung, tự cấp nên cũng như "cái ăn", "cái mặc" đều được làm ra từ đôi bàn tay chai sạn của họ. Nhà nào nhà nấy chí ít cũng có vài mảnh vải để dành cho việc may y phục truyền thống.
Với người Dao họ, những bộ quần áo được may từ những mảnh vải do họ dệt ra có một ý nghĩa quan trọng, được sử dụng trong những nghi lễ đặc biệt của một đời người như dệt chăn thổ cẩm dùng cho lễ cấp sắc, mũ đội đầu bảo vệ trẻ em tránh ma tà xâm nhập, địu trẻ em khi lao động... Còn với những thiếu nữ trưởng thành, khi yêu thương ai, họ thường tìm cách tặng khăn, dây bao dao... như một cách thể hiện tình cảm thầm kín, không nói thành lời với người mình yêu.
Chính vì thế, từ xa xưa đến nay, dệt vải gắn với cuộc đời người phụ nữ Dao họ. Khi còn bé họ theo mẹ lên nương trồng chàm, trồng bông, kéo sợi... và dệt vải ở hiên nhà. Cũng dễ nhận ra bàn tay của phụ nữ Dao họ vào những mùa từ tháng năm đến tháng chín, khi đôi bàn tay của họ thấm màu xanh xám đặc trưng của cây chàm dùng nhuộm vải.
Gia đình bà Triệu Thị Hà từ hàng chục năm nay vẫn giữ cách dệt vải truyền thống, sợi đã mắc trên khung dệt để cho ra tấm vải mới.
"Trước đây, chủ yếu dệt bằng sợi bông vì nhà nào cũng có nương bông để quay sợi. Giờ thì hầu hết dùng chỉ bán ở ngoài chợ, giá cả phải chăng, tiết kiệm thời gian thay vì trồng bông rồi xe thành sợi mới dệt được", bà Triệu Thị Hà, người Dao họ ở Trà Chẩu nói.
Việc dệt vải thủ công của người Dao họ trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ nên cần có sự kiên nhẫn và khéo léo từ đôi bàn tay của người phụ nữ mới có thể làm được. Còn người đàn ông trong gia đình sẽ căn chỉnh, sữa chữa khung dệt đảm bảo hoạt động trơn chu. Tuy việc xe sợi, luộc sợi, hồ sợi, cuốn sợi thành lô, kéo sợi và lắp và khung dệt vải ngốn khá nhiều thời gian nhưng chưa phải việc khó nhất, bởi người Dao họ dệt vải có những điều kiêng kỵ tuyệt đối.
"Khi kéo sợi không được nói những điều không hay, trong khi kéo sợi không được bước chân qua, đây là điều tối kỵ. Việc kiêng kỵ này từ trẻ con đến người già ai ai cũng biết vì từ xưa tới nay đã thế rồi. Nếu phạm phải điều kiêng kỵ thì lông ở trên người sẽ dài ra như là sợi đang kéo và sẽ bị rối sợi trong khi làm", bà Triệu Thị Hà nói.
Theo quan niệm, người kéo sợi là người giỏi, nhiều kinh nghiệm trong việc dệt vải. Kéo sợi cũng đòi hỏi sự tính toán sao để tạo ra hoa văn đẹp nếu không sẽ phải gỡ ra làm lại rất mất thời gian.
Ở Bảo Thắng, người Dao họ không còn thách cưới bạc nén, trâu bò, lợn gà gây khó dễ cho các cặp đôi mà vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng riêng có của dân tộc mình.
Vì sao người Dao họ không mua trang phục ngoài chợ?
Cụ Lý Thị Tày là người Dao họ ở Trà Chẩu, nay ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hễ có thời gian là cụ cần mẫn sang sợi để dệt những tấm vải mới. Cho đến nay, việc trồng bông rồi làm sợi thủ công rất hiếm, thay vào đó là những sợi chỉ được mua ngoài chợ cũng đảm bảo dệt ra những mảnh vải tốt.
Thay vì sử dụng máy móc, cụ Tày cho tới nay vẫn sử dụng những công cụ có lẽ là thô sơ nhất để sang sợi, xe sợi thành các nắm sợi. Cũng chính dưới mái hiên nhà này, cụ đã dạy những người con gái của mình cách dệt. Qua những lời chỉ bảo đó những thành viên trong gia đình dường như gắn kết với nhau hơn.
"Sau khi xe sợi xong thì mang các nắm sợi cho vào nồi nước đun sôi lên thật cẩn thận để tránh bị rối sợi là không thể dùng được. Sợi phải được luộc liên tục trong 6 giờ, không được đun lửa quá to hoặc quá nhỏ mà phải trông để lửa cháy đều. Có như thế, khi dệt sợi mới mềm mại, dễ dệt", cụ Lý Thị Tày nói.
Sau khi luộc xong, sợi tiếp tục được đem phơi trong 4 - 5 ngày và việc để sợi không bị rối vào nhau cũng là một nghệ thuật. Chưa hết, sợi phơi xong còn phải trải qua công đoạn hồ sợi.
"Nấu một nồi cháo to bằng gạo tẻ, lọc lấy nước cháo để đổ lên các nắm sợi. Rồi vò đi, vò lại thật kỹ để hồ thấm vào sợi. Sợi vải sau khi thấm thêm hồ lại được cho lên sào phơi nắng thật khô. Khi đó, kéo sợi không sợ bị đứt, dệt mới ra được tấm vải đẹp để may trang phục truyền thống", cụ Tày nói.
Cũng theo cụ Tày, trước kia phụ nữ Dao họ trong thôn không bao giờ mua sẵn trang phục ngoài chợ về mặc vì dệt, may vá, thêu thùa cũng thể hiện rằng người phụ nữ đó đảm đang. Hơn nữa cũng vì quần áo may sẵn mua ngoài chợ không được hồ sợi trước khi dệt nên không phù hợp với trang phục truyền thống, nhanh bạc màu.
Trong khi, những cụ cao niên mong muốn con cháu thừa hưởng, gìn giữ những nét văn hóa xưa để khỏi bị mai một. Song với thời buổi hiện nay, lớp trẻ cũng có những suy nghĩ riêng. Khi còn trẻ họ không mặn mà với truyền thống.
Bà Lê Hải Thanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Thắng cho biết, cùng với đề án bảo tồn văn hóa giai đoạn 2020 - 2025, có kế hoạch chi tiết cho từng năm, ngành văn hóa tham mưu cho huyện để lồng ghép phát triển trong cộng đồng, đồng bào người Dao sống rải rác ở xã Sơn Hà, Sơn Hải và Tằng Loỏng.
Trong đó, phát huy vai trò của những nghệ nhân và truyền dạy cho con cháu biết về trang phục truyền thống; Tổ chức hội diễn, hội thi tôn vinh những trang phục truyền thống vào tháng 6 - 7 ở các xã và đến tháng 8 là ở cấp huyện. Duy trì các mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn, trang sức dân tộc truyền thống đặc trưng ở xã Sơn Hà, Phú Nhuận. Đưa nội dung mặc trang phục truyền thống vào trường học giúp học sinh thêm tự hào, hiểu biết nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình...
Giữ gìn văn hóa, cùng nhau phát triển kinh tế
Tại huyện Bảo Thắng, trong cộng đồng 20 dân tộc thiểu số thì dân tộc Dao có dân số khá đông chiếm 34,7%, còn lại là các dân tộc Tày, Mông, dân tộc Xa Phó, Phù Lá, Hoa, La chí, Thái…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định số 783/QĐ-BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống: Nghề dệt của người Dao họ ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai).
Theo nghệ nhân Bàn Văn Sang ở thôn Trà Chẩu, với người Dao lễ cấp sắc là rất quan trọng bởi khi đó con người ta mới được công nhận là đã trưởng thành. Người được cấp sắc phải chuẩn bị quần áo từ trước, phải là của mình, không được đi mượn cũng không được đem bán để lấy những thỏi bạc. Lễ cấp sắc có từ hàng nghìn năm nay, linh thiêng và huyền bí nên người Dao rất tôn thờ bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Từ khi còn bé, các cô gái đã được mẹ dạy cho từng đường tơ, sợi chỉ để may vá, thêu thùa trên những tấm vải do mình dệt ra. Từ những chi tiết đơn giản đến phức tạp; từ cách nhuộm lại tấm áo chàm cho mới khi bị bạc màu... Có lẽ vì những chỉ dẫn tỉ mỉ bằng cả tình yêu của các bà mẹ nên người phụ Dao khéo léo trong việc dệt vải cũng như may vá, thêu thùa và nó ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét độc đáo trong văn hóa của người Dao.
Độc đáo hơn khi những bộ trang phục hoàn thành hoàn nó còn được tô điểm thêm cho lộng lẫy với trang sức bằng bạc là vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích... được trạm khảm cầu kỳ. Mặc dù vậy, việc dệt vải chỉ được làm thủ công, không phát triển thành một làng nghề như ở dưới xuôi.
Qua thời gian, không còn những nương bông, nương chàm như trước nhưng thay vào đó là các rừng quế bạt ngàn. Thôn Trà Chẩu trước đây giao thông đi lại khó khăn nên nông sản của bà con trồng ra khó tiêu thụ, chiếm quá nửa dân trong thôn là hộ nghèo. Từ khi có đường bê tông nông thôn mới, đặc biệt khi thấy hiệu quả từ cây quế, cây mỡ bà con trồng hàng loạt. Cho đến nay, toàn thôn có trên 100ha quế trong đó ít nhất 15ha đã và đang cho thu hoạch.
Ông Bàn Văn Sinh, người thôn Trà Chẩu chia sẻ, mỗi năm gia đình thu nhập từ khai thác tỉa thưa 10ha quế được khoảng 170 triệu đồng chưa kể đến chăn nuôi lợn, gà. Tổng thu nhập của gia đình ông trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng/năm. Đây là con số mà không ít nông dân vùng thấp phải mơ ước.
Chính vì văn hóa của người Dao họ ở Bảo Thắng luôn gắn với việc canh tác sản xuất nông nghiệp nên ở những thôn người Dao hầu như hiếm hộ nghèo. Họ cùng nhau bảo ban làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Cũng theo người dân thôn Trà Chẩu, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên trước đây có nhiều hộ phải sống trong căn nhà tạm, mỗi lần mưa lớn là nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng được chính quyền huyện quan tâm hỗ trợ xây nhà kiên cố gia đình nhiều hộ đã an cư lạc nghiệp, an tâm sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt vươn lên thoát nghèo.