Thưa chị,
Tôi từng là một vị thầy giáo được kính trọng của quê tôi. Sau khi về hưu, với đồng lương hưu và nhà cộng với vườn, tôi không phải nghĩ đến chuyện bon chen chi nữa. Chúng tôi ít con, chỉ hai đứa, các con tôi đều có học và có công việc tạm ổn ở thành phố trung tâm, chúng có vợ có chồng và có con, chúng nó nuôi con, vợ chồng tôi không phải hốt cháu về mà chăm bẵm chi cả.
Tôi dùng trí tuệ và sức lực còn tươi của mình dạy toán miễn phí cho các cháu cấp hai. Tôi chỉ nhận học sinh cấp hai vì chúng gần nhà tôi, chúng đều là con cái người mà tôi quen biết cả, cũng để không bị mang tiếng là thầy âm mưu luyện thi nếu nhận học sinh cấp ba.
Vui lắm chị ạ, không gì tự do bằng làm từ thiện, không ai thắc mắc mà họ cũng được lợi. Chị biết rồi đấy, ở quê, không chịu lấy tiền học trò thì phụ huynh và chúng mang các thứ cây nhà lá vườn đến, tôi như thầy đồ ngày xưa, sản vật ăn không hết còn chia lại cho các gia đình nghèo.
Rồi bỗng dưng chị ạ, ở xã bên ở huyện bên nổi lên những cái làng Châu Âu. Nhà lầu ken nhau, thợ hồ bận rộn, nhà sau cao hơn nhà trước. Trong số học sinh cấp ba của tôi ngày trước, có đứa ở xã bên cũng năm lần bảy lượt đi, giờ chúng có vợ con cả rồi, vẫn đi. Và cũng đã có người bỏ mạng và gia đình mang nợ, vợ góa con côi.
Chị ạ, tôi không nghĩ theo hướng đổ tội cho môi trường sống. Có, nhưng không phải vì việc đó. Theo tôi là người dân quê hay mắc với nhau, lại hay tỵ nhau, nghe nhau nhưng lại âm ỉ so bì với nhau, phải được như cái nhà kia kia. Thế là bi kịch, cuốn nhau đi, chết cũng đi. Sao thế nhỉ? Hết con đường sống ở cái nước mà so ra thời tiết có khắc khổ gì cũng dễ sống hơn cái xứ băng tuyết kia mà?
Tôi thấy bất an mà cũng bất lực chị ạ. Những đứa con của tôi chúng có đòi bố mẹ phải cho chúng đi chui lủi thế đâu. Còn cây còn cỏ là còn kiếm ra ăn mà chị. Chị có nghĩ như tôi không?
--------------------
Bạn thân mến!
Tôi rất bối rối khi nghĩ về sự việc chấn động những ngày qua ở Anh quốc. Sự rủi ro đó làm bùng ra một sự thật mà không phải ai cũng biết, làn sóng người di cư đi tìm công việc hái ra tiền khiến xã hội Việt Nam chao đảo. Mới đây, trên một tờ báo viết, 8 tháng đầu năm nay, riêng tỉnh Hà Tĩnh có hơn 40.000 người đi.
Trước tiên rất hoan nghênh thầy giáo về hưu đã dạy kèm miễn phí cho nhiều học sinh quê nhà. Không mấy ai được như thầy. Họ dạy thêm, hoặc chơi rông, hoặc làm gì đó, họ không thiết gì cả. Tôi nhấn mạnh sự cảm động của tôi đối với tấm lòng của thầy.
Chừng như vài thập niên nay rồi, làng quê trống rỗng vì làn sóng đô thị hóa. Khi có công nghiệp toàn cầu nữa thông tin lan truyền như sóng, người trước rủ người sau đi. Nhiều người trẻ nghĩ đi mới có tiền, phụ nữ đi làm vợ xứ người hoặc đi làm thuê, thậm chí làm gái. Đàn ông trai tráng nghĩ đến cái nhà, quan niệm sống cái nhà chết cái mồ khiến người ta quay cuồng.
Vì sao các dân tộc lân cận với mình không phiêu lưu bóc xóc như người Việt. Tôi nghĩ mãi thầy ạ, có lẽ rất nhiều lý do mà tựu trung, họ chưa được sống sau chiến tranh liên miên thì làng quê và văn hóa bị phá vỡ. Và người dân đã từng hành động quyết liệt trong chiến tranh đã hành động, bất chấp mạo hiểm.
Kết quả có người đi gửi tiền về cho cha mẹ xây nhà, như bạn viết, có cả xóm châu Âu, có cả làng tỷ phú (nhìn từ nhà cửa) thôi. Trong khi đó nhà nước khuyến khích lao động xuất khẩu và rất tự hào về dòng kiếu hối đổ về Việt Nam.
Thôi bạn ạ, thôi thầy ạ, như thầy, lo nghĩ quá sẽ giảm thọ. Hãy nói với những người mình có thể nói là đừng đánh đổi bằng cái giá quá đắt như vậy để có cái nhà hai ba tầng. Nhà to chưa chắc đã ấm, nhà tranh mái lá ngày xưa cũng đâu phải nghèo mạt. Cứ nhìn vào hàng xóm thì đua nhau đến kiệt sức à?
Rất đau lòng, như thầy vậy. Sao cứ nhấp nhổm và có ít tiền thì rung đùi, bia bọt chém gió, không nghĩ đến chắt lót, kiệm tiện và cho con cái tri thức để chúng có đi thì đi bằng chính ngạch, đàng hoàng.
Chúc bạn sức khỏe, bình an, để phụng sự công việc mà bạn đang tận hiến.