| Hotline: 0983.970.780

Biện pháp nâng cao chữ đường cho mía ở ĐBSCL

Thứ Sáu 16/03/2012 , 10:52 (GMT+7)

ĐBSCL đã đạt được diện tích và năng suất mía theo quy hoạch, nhưng chữ đường còn rất thấp. Do đó, cần phải có biện pháp nâng cao chữ đường như sau:

Theo “Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt thì đến năm 2010, vùng mía nguyên liệu của ĐBSCL đạt diện tích 52.000 ha, có năng suất mía bình quân 65 tấn/ha và chữ đường 11 CCS.

Quy hoạch cũng định hướng đến năm 2020, năng suất mía bình quân đạt 80 tấn/ha, chữ đường bình quân 12 CCS. Đến nay, ĐBSCL đã đạt được diện tích và năng suất theo quy hoạch, nhưng chữ đường còn rất thấp. Do đó, cần phải có biện pháp nâng cao chữ đường cho cây mía ở ĐBSCL như sau:

1. Chọn giống mía có chữ đường cao

Giống mía có vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất và chữ đường. Nhìn chung, tốc độ thay đổi giống mía cũ còn chậm. Bên cạnh việc các nhà máy đường trong khu vực cần có biện pháp tích cực giới thiệu những giống mía mới có năng suất và chữ đường cao cho nông dân, thì người trồng mía cần phải có ý thức chủ động tìm những giống mía mới, thích hợp cho vùng đất của mình.

Năm 2011, Cục Trồng Trọt đã công nhận và cho phép SX thử 6 giống mía mới gồm K95-156, Suphanburi 7, KU60-1, Ku00-1-61, K88-200 và KK2. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Mía đường còn giới thiệu một số giống mía có triển vọng của Thái Lan mới nhập nội vào Việt Nam năm 2010 như sau: Giống mía K99-72 có chữ đường cao, đạt từ 13- 14 CCS; Giống mía K99-75 có chữ đường khá từ 11- 12 CCS; Giống mía 99- 82 có chữ đường khá đạt từ 11- 13 CCS; Giống K2000- 89 có chữ đường từ 12- 13 CCS; Giống Kps01- 25 có chữ đường rất cao từ 13- 15 CCS; Giống Khonkaen3 có chữ đường rất cao từ 13- 15 CCS. 

Phân bón Đầu Trâu TE Mía 1 và Mía 2

2. Thu hoạch mía đủ độ chín

Mía thu hoạch đủ tuổi chín có chữ đường cao, lúc đó chữ đường đo ở gốc và ngọn gần bằng nhau. Ở ĐBSCL có những vùng trồng mía một vụ do bị ngập hàng năm vào mùa nước lên. Mặc dù mía trồng một vụ có những ưu điểm như: (a) Ít sâu bệnh nhờ cắt vụ đồng loạt và nước ngập hàng năm đã hạn chế sự phát triển của côn trùng gây hại trong đất; (b) Đất canh tác được bền vững nhờ có thời gian nghỉ hoặc được luân canh với cây trồng khác; (c) Hàng năm lũ về mang phù sa bồi đấp cho đất đồng thời lũ cũng rửa phèn và độc chất trong đất…

Nhưng ngập lũ có bất lợi là phải thu hoạch mía rộ khi lũ về, có khi mía chưa đạt độ chín, chữ đường thấp, thiếu công thu hoạch và vượt quá khả năng tiêu thụ của các nhà máy. Bất lợi này có thể được khắc phục bằng cách làm đê bao “lửng” hay “nửa kín” theo từng khu vực để kéo dài thời gian chín của mía. Biện pháp này đòi hỏi phải có đầu tư của nhà nước và sự gắn kết của nông dân.

3. Bón đủ chất kali cho mía

Mía là loại cây trồng cần nhiều kali hơn cả đạm và lân. Để tạo ra 100 tấn mía, cây mía cần 120 kg đạm, 70 kg lân (P2O5) nhưng phải cần đến 200 kg kali (K2O). Kali có vai trò quan trọng trong việc làm gia tăng lượng đường cho mía, giúp mía kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường. Nếu thiếu kali, dấu hiệu đầu tiên xuất hiện ở lá già, lá có những đốm màu vàng nhạt hay trắng ở chóp lá và hai bên bìa lá, nếu không được khắc phục lá bị khô dần rồi chết.

Do đó, cần phải bón đủ kali nhưng phải cân đối với chất đạm, lân và các dưỡng chất trung vi lượng thì mía mới có năng suất và chữ đường cao. Trong một thí nghiệm mới đây về phân bón trên mía Suphanburi 7 tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang của một sinh viên làm luận văn tốt nghiệp cho thấy khi bón 2 lần phân “Đầu Trâu TE Mía 1” lúc làm đất và lúc bắt đầu đẻ nhánh, và 1 lần phân “Đầu Trâu TE Mía 2” (có thành phần kali cao, 20% K2O, hình 1) khi bắt đầu vươn lóng đã cho năng suất 230 tấn/ha có chữ đường đến 11,7 CCS.

4. Hạn chế mất chữ đường trên mía

Mía là loại cây trồng rất dễ bị giảm chất lượng (mất chữ đường). Do đó, trong quá trình canh tác mía cần lưu ý những điểm sau đây:

- Hạn chế mía trổ cờ: Cần chọn giống mía ít trổ cờ và điều chỉnh lịch thời vụ xuống giống để trốn cờ.

- Tránh để mía ngập nước lâu ngày: Mía có rễ khí sinh nên chịu đựng được ngập nước, nhưng không nên để thời gian ngập kéo dài trên 2 tháng làm giảm chữ đường.

- Không bón phân đạm trễ: Khi mía bắt đầu vươn lóng (khoảng 4 đến 5 tháng sau khi đặt hom) không được bón phân đạm nữa.

- Không để mía quá lứa: Tùy theo giống, điều kiện thời tiết mà hàm lượng đường trong thân khi mía chín có thể giữ vững khoảng 1 đến 2 tháng. Sau đó bắt đầu giảm dần do bị suy tàn hoặc do tái sinh trở lại.

- Chuyển mía ngay đến nhà máy sau khi đốn: Không được để mía quá 2 ngày sau khi thu hoạch. Vì thế cần phải có kế hoạch với nhà máy đường để khi chuyên chở đến là cây mía được ép ngay.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.