| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Bứt phá chuyển đổi

Thứ Ba 31/12/2019 , 09:12 (GMT+7)

Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, công cuộc chuyển đổi ở Bình Định còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội.

Đến năm 2020 Bình Định sẽ chuyển đổi 9.639ha đất SX 3 vụ lúa/năm.

Trong bối cảnh thời tiết ngày càng “đỏng đảnh” do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tỉnh Bình Định quyết tâm thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất SX 3 vụ lúa/năm sang các loại cây trồng khác nhằm giảm áp lực nước tưới, tăng thu nhập cho nông dân.

Đến nay, kết quả cho thấy công cuộc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Bình Định nhắm đến mục tiêu vào năm 2020 sẽ chuyển đổi 9.639ha đất SX 3 vụ lúa/năm; trong đó, chuyển sang SX 2 vụ lúa/năm 8.923ha, chuyển sang làm 1 hoặc 2 vụ lúa và trồng xen cây trồng cạn 716ha, công cuộc chuyển đổi bắt đầu được thực hiện từ vụ thu năm 2018.

Tính đến nay, tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi trên đất 3 vụ lúa là 3.474,5ha, đạt 36,0% so với tổng diện tích trong kế hoạch. Trong đó, chuyển từ 3 vụ sang 2 vụ lúa/năm là 3.308ha; chuyển sang trồng lúa và cây trồng cạn 166,5ha.

Trong những vùng chuyển đổi, nhờ nông dân sử dụng các giống lúa mới, tiềm năng năng suất cao thay thế các giống lúa trước đây, do đó, năng suất lúa bình quân đạt 63 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với trước khi chuyển đổi.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định tính toán hiệu quả: Khi chuyển đổi SX từ 3 vụ sang 2 vụlúa/năm, sản lượng lúa sẽ giảm 37 tạ/ha/năm, tổng thu giảm 22,2 triệu đồng/ha; bù lại, chi phí cho 1 vụ SX được giảm khoảng 25,829 triệu đồng/ha, do đó lợi nhuận khi SX 2 vụ lúa/năm tăng 3,629 triệu đồng so với SX 3 vụ/năm.

“Kết quả sau khi chuyển đổi 3.308ha, khoản chi phí đầu tư được giảm 85.442 triệu đồng, trong khi đó mức tổng thu giảm 74.438 triệu đồng, vị chi lợi nhuận được tăng 12.005 triệu đồng”, ông Hổ tính.

Cũng theo ông Hổ, chuyển đổi SX 3 vụ lúa/năm sang SX 1 vụ cây trồng cạn thay cho lúa còn cho lợi nhuận cao hơn. Ví như làm 1 vụ ngô thì sẽ cho lợi nhuận 10,9 triệu đồng/ha, tăng 4,1 triệu đồng/ha so với trồng lúa; cây đậu phộng (lạc) cho lợi nhuận 36,9 triệu đồng/ha, tăng 28,8 triệu đồng/ha; các loại rau đậu cho lợi nhuận 27,3 triệu đồng/ha, tăng 12,3 triệu đồng/ha.

“Đến nay Bình Định đã chuyển đổi 166,5ha đất 3 vụ lúa sang cây trồng cạn, lợi nhuận được tăng thêm khoảng 4.432 triệu đồng so với trồng lúa. Như vậy, sau khi thực hiện chuyển đổi 3.474,5ha đất 3 vụ lúa sang SX 2 vụ lúa hoặc lúa và cây trồng cạn, lợi nhuận được tăng thêm là 16.437 triệu đồng so với trước khi thực hiện chuyển đổi, lợi nhận bình quân trên 1ha được tăng thêm 4,7 triệu đồng”, ông Hổ nói.

Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, công cuộc chuyển đổi ở Bình Định còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội. Khi chuyển SX từ 3 sang 2 vụ lúa/năm, nông dân sẽ có nhiều thời gian nông nhàn hơn. Khi ấy, lao động nông thôn chuyển dịch sang làm ngành nghề khác có thu nhập cao hơn so với trồng lúa.

Theo tính toán, để canh tác 1ha lúa phải cần đến 180 công lao động, tổng thu bình quân 37,2 triệu đồng/ha; sau khi trừ chi phí giống và vật tư 14 triệu đồng, còn lại 23,2 triệu đồng/ha. Như vậy thu nhập bình quân chỉ 129.000 đồng/công, mức thu nhập này thấp so với công lao động các ngành nghề khác. Vả lại, công cuộc chuyển đổi ở Bình Định còn rất phù hợp trong bối cảnh lao động trẻ ở các vùng nông thôn hiện đã đổ hết về các khu công nghiệp để kiếm việc làm.

10-07-50_chuyen_doi_2
Chuyển SX 3 vụ lúa/năm còn làm 1 hoặc 2 vụ lúa và 1 vụ đậu phộng cho lợi nhuận 36,9 triệu đồng/ha, tăng 28,8 triệu đồng/ha.

“Giảm SX 3 vụ lúa/năm còn làm giảm được nạn mất giống lúa trong vụ ĐX do lũ muộn. Hàng năm, ngân sách tỉnh phải chi khoản tiền lớn để hỗ trợ cho nông dân, tập trung trên chân ruộng SX 3 vụ lúa/năm. Công cuộc chuyển đổi còn mang lại hiệu quả về môi trường và kỹ thuật. Khi SX 2 vụ lúa/năm nông dân có thời gian làm đất, cắt nguồn sâu bệnh.

Bên cạnh đó, giảm 1 vụ SX lúa sẽ làm giảm theo 1 lượng lớn thuốc BVTV và phân bón, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bình quân SX 1 ha lúa/vụ cần sử dụng khoảng 800kg phân bón vô cơ và 4kg thuốc BVTV. Chuyển đổi còn tiết kiệm được nước tưới, cải tạo đất, nâng cao độ phì của đất góp phần phát triển SXNN theo hướng bền vững”, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, phân tích.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ được hiệu quả, lợi ích của SX 2 vụ lúa/năm so với SX 3 vụ lúa/năm để họ đồng thuận thực hiện chuyển đổi.

Chúng tôi xác định hình thức, cơ cấu mùa vụ, cây trồng hợp lý, phù hợp với từng chân đất, điều kiện SX của địa từng phương; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm vùng chuyển đổi.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào SX, nhất là sử dụng các giống lúa có tiềm năng năng suất cao, đề bù vào sản lượng lúa giảm do giảm diện tích gieo trồng.

Tiếp tục xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.