| Hotline: 0983.970.780

Bình Định hướng đến nuôi tôm bền vững

Thứ Tư 27/12/2017 , 15:50 (GMT+7)

Người nuôi tôm ở tỉnh Bình Định đã quá sợ cảnh tôm nuôi chưa kịp lớn, dịch bệnh đã tràn về, bao nhiêu vốn liếng đầu tư đổ xuống sông xuống biển.

Do đó, trong năm 2017, nông dân tuân thủ lịch thời vụ, chuyển đổi hình thức nuôi xen canh, chú trọng xử lý môi trường nguồn nước, nhờ đó cả 3 vụ đều thắng lợi.

06-55-12_tom_1
Các vụ nuôi tôm trong năm 2017 đều thắng lợi

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, sau những đợt lũ lớn xảy ra vào cuối năm 2016, hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trong tỉnh gần như tan hoang. Nhờ khắc phục kịp thời nên trong năm 2017, toàn tỉnh có 2.181ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm; trong đó nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm thẻ chân trắng (TTCT) 733ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến theo phương thức nuôi xen tôm sú với cua, cá. Sản lượng tôm nuôi trong năm đạt trên 4.700 tấn, tăng hơn 1.000 tấn so năm 2016. Trong đó, sản lượng TTCT đạt 4.422 tấn, tôm sú đạt 278 tấn.

“Đáng ghi nhận là năng suất bình quân TTCT đạt đến 12,6 tấn/ha, cao hơn vụ nuôi tôm năm 2016 khoảng 4,2 tấn/ha. Nhờ đó, người nuôi tôm ở các vùng nuôi trọng điểm khu Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn đa số người nuôi tôm đều có lãi.

Để có được kết quả trên là do người nuôi đã tuân thủ lịch thời vụ một cách nghiêm cẩn, chuyển đổi hình thức nuôi phù hợp, chú trọng xử lý chất thải, vệ sinh môi trường ao nuôi”, ông Mang Thống Nhất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết.

Cũng theo ông Nhất, để các vụ nuôi trong năm 2018 tới đây tiếp tục đạt thắng lợi, hiện người nuôi tôm đang tiến hành sửa chữa, khắc phục những bờ tôm bị sạt lở, hư hỏng do những đợt lũ xảy ra vào đầu tháng 11 và 12/2017; chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào vụ mới.

Từ dự báo thời tiết, thủy văn vụ ĐX 2017 - 2018 của Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, ngành nông nghiệp tỉnh này đã dịch chuyển lịch thời vụ nuôi tôm trong năm 2018 để chủ động né tránh bất lợi của thời tiết.

Theo kế hoạch, trong năm 2018 toàn tỉnh này sẽ có khoảng 2.141ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi tôm. Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nuôi thâm canh chuyên tôm sẽ được nuôi 3 vụ/năm. Vụ 1 từ ngày 1/2 đến cuối tháng 4; vụ 2 từ 1/6 đến cuối tháng 8; vụ 3 từ 1/10 đến cuối tháng 12/2018, đối tượng nuôi là TTCT với mật độ 250 - 300 con/m2.

06-55-12_tom_hoi_nhon_2
Nuôi tôm thắng lợi nhờ tuân thủ lịch thời vụ, chuyển đổi hình thức nuôi phù hợp

Đối với 161ha vùng nuôi tôm trên cát tập trung trên địa bàn các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, vụ chính nuôi thâm canh chuyên TTCT sẽ được thả tôm giống từ 1/2 đến cuối tháng 4/2018; vụ 2 từ 1/9 đến cuối tháng 12; mật độ từ 100 - 120 con/m2. Vụ phụ được thả nuôi từ ngày 1/5 đến cuối tháng 7 với phương thức nuôi tổng hợp, thả TTCT xen với cá dìa, đối mục, cá chua. Đối với diện tích 1.978ha ở các vùng nuôi tại vùng đầm phá, cửa sông ở các huyện Hoài Nhơn và Tuy Phước thời gian thả nuôi từ 15/2. Nuôi quảng canh cải tiến thân thiện môi trường tập trung ở vùng đầm có cơ sở hạ tầng yếu, nguồn nước không đảm bảo, thời gian thả nuôi từ 1/3.

Để giành thắng lợi các vụ nuôi trong năm mới, đầu tháng 12/2017 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ thị tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Chi cục Thủy sản Bình Định tập trung nhân rộng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp nuôi tôm kết hợp với cá rô phi nhằm hạn chế dịch bệnh.

“Trong những vụ nuôi mới, ngành chức năng khuyến cáo các hộ mua tôm giống ở ngoài tỉnh cần phải có giấy kiểm dịch của cơ quan quản lý. Tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, có thể điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp. Trước khi thả nuôi, nên ương tôm 20 - 30 ngày; TTCT ương từ cỡ giống post 12, tôm sú từ post 15. Các vùng nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như công nghệ Biofloc, RAS”, ông Mang Thống Nhất chia sẻ.

 

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.