| Hotline: 0983.970.780

Bình Định khó khăn trong dịch chuyển khung thời vụ

Thứ Sáu 19/08/2022 , 16:00 (GMT+7)

Dù đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ, nhưng Bình Định vẫn không tài nào 'né' được thiệt hại trong sản xuất lúa do thời tiết ngày càng dị thường.

Né cỡ nào cũng dính thiệt hại

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, những năm gần đây thời tiết trên địa bàn tỉnh này ngày càng diễn biến bất thường. Để các mùa vụ trong năm không bị thiên tai gây thiệt hại, ngành nông nghiệp Bình Định đã liên tục dịch chuyển khung thời vụ để “né” rủi ro.

Empty

Vụ đông xuân 2021 - 2022 vừa qua, mưa lớn bất thường xảy ra vào cuối vụ đã nhấn chìm hàng chục ngàn ha lúa đã chín chưa kịp thu hoạch của Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Theo đó, Bình Định luôn có khung lịch thời vụ gieo sạ trước các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam từ 7 - 10 ngày. Đối với vụ đông xuân, trước đây, Bình Định lên lịch gieo sạ bắt đầu từ ngày 10/12 hàng năm. Sau đó, lịch gieo sạ vụ đông xuân ở Bình Định dịch chuyển sớm hơn, bắt đầu xuống giống từ ngày 5/12 đến ngày 15/12, sau đó lại dịch chuyển muộn hơn, từ ngày 10/12 đến ngày 25/12.

Trong vụ đông xuân, khung thời vụ được ngành chức năng Bình Định dịch chuyển tùy theo tình hình thời tiết, trời có mưa hay không mưa. Chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm thường được gieo sạ sớm, từ ngày 15/11 đến đầu tháng 12 hàng năm. Chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm được ngành chức năng cho khung thời vụ khá dài, gieo sạ từ ngày 5/12 đến ngày 25/12.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, nông dân Bình Định có câu “Ông tha mà bà chẳng tha, bà cho cây lụt hăm ba tháng mười” để nói đến đợt lũ tiểu mãn hàng năm. Lũ tiểu mãn ở Bình Định thường rơi vào thời điểm giữa tháng 12 dương lịch (23 tháng 10 Âm lịch). Do đó, thời điểm gieo sạ vụ đông xuân phải được bố trí trước lũ tiểu mãn từ 7 - 10 ngày, để đến khi lũ xảy ra thì lúa đã "đóng chông", không sợ bị trôi giống, hoặc gieo sạ sau lũ tiểu mãn để bảo toàn giống.

Empty

Những ngày cuối vụ hè thu 2022 vừa qua, trên địa bàn Bình Định lại xảy ra mưa bất thường làm ngã đổ nhiều diện tích lúa đã chín và sắp chín. Ảnh: V.Đ.T.

“Khung lịch thời vụ gieo sạ vụ đông xuân hàng năm ở Bình Định được bố trí để tránh bị lũ làm trôi mất giống vào đầu vụ và đến lúc lúa trỗ cây lúa không gặp lạnh”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Nguyễn Thị Tố Trân chia sẻ.

Cũng theo bà Trân, vụ thu ở Bình Định chủ yếu được gieo sạ vào đầu tháng 5. Trước đây, vụ thu ở đây được gieo sạ từ ngày 10/5 đến ngày 15/5, nhưng nay phải làm sớm, từ ngày 1/5 đã gieo sạ để tránh mưa lũ vào cuối vụ, bởi thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. Thậm chí có năm nếu nguồn nước trong các hồ chứa dồi dào thì gieo sạ càng sớm càng tốt.  Đối với vụ hè hàng năm, Bình Định chủ trương lúa đông xuân thu hoạch đến đâu là gieo sạ vụ hè đến đó để tận dụng nước tưới cho lúa trong vụ đông xuân còn ướt trên nền ruộng nhằm tiết kiệm tối đa nước trong mùa khô.

“Quan trọng nhất trong vụ thu là làm sao để khi lúa trỗ không gặp nắng nóng và cuối vụ không gặp mưa lũ bất thường. Bình Định đã tính toán kỹ là vậy, nhưng vụ đông xuân 2021 - 2022 vừa qua, mưa lũ bất thường đã gây hại hàng chục ngàn ha lúa sắp chín. Đến cuối vụ hè thu năm 2022, những ngày qua lại tiếp tục bị mưa bất thường xảy ra, làm ngã đổ một số diện tích lúa đã chín. Chưa có năm nào thời tiết bất thường như năm nay, đã cuối vụ hè thu mà nước trong các hồ chứa vẫn còn đầy nhóc!”, bà Nguyễn Thị Tố Trân chia sẻ.

Empty

Sản xuất nông nghiệp ngày càng đối mặt với rủi ro do thời tiết, khí hậu ngày càng dị thường. Ảnh: V.Đ.T.

Nông nghiệp ngày càng nhiều thách thức thời tiết

Theo ông Lương Ngọc Lũy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Bình Định, thời tiết trong mấy năm gần đây có diễn biến bất thường.

Tổng lượng mưa 7 tháng đầu năm 2022 ở Bình Định phổ biến từ 597 - 1.002mm, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ là từ 220 - 344mm (bằng 133 - 182% lượng mưa TBNN cùng thời kỳ). 

Trong khi đó, nắng nóng trong mùa hè ở Bình Định cũng rất cực đoan. Trong 2 năm vừa qua, trong mùa nắng nóng, tại Thị xã Hoài Nhơn xảy ra 2 đợt nắng nóng, có nhiệt độ cao nhất đạt giá trị lịch sử tính từ năm 1976 đến nay.

“Trong năm 2021, trên địa bàn Bình Định nắng nóng xảy ra rất gay gắt, nhưng năm 2022 thì lại ít nắng nóng, trời hay mưa, nhiệt độ thấp.

Năm 2022, do ảnh hưởng La Lina trong mùa nắng nóng nên ở địa bàn Bình Định có lượng mưa nhiều, nắng nóng ít, nhiệt độ thấp hơn TBNN. Điều này chứng tỏ do ảnh hưởng biến đổi khí hậu mà diễn biến của thời tiết ngày càng bất thường, đây là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp”, ông Lương Ngọc Lũy đánh giá. 

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.