| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận: Nhiều hồ chứa xuống cấp

Thứ Hai 13/08/2018 , 15:50 (GMT+7)

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, tổng năng lực thiết kế tưới cho 70.360ha, trong đó gồm 21 hồ chứa nước, 35 đập dâng, 18 trạm bơm, 4 kênh nối mạng.

Qua kiểm tra nhận thấy nhiều hệ thống công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt có 15 hồ chứa nước mặt đập bị lún sụt, thân đập xuất hiện các vết nứt dọc, nước thấm qua thân đập, mái thượng và hạ lưu bị sạt lở, rãnh thoát nước mái hạ lưu đập bị hư hỏng hoàn toàn, có nguy cơ gây mất an toàn khi tích nước, không đảm bảo khả năng chống lũ. Cụ thể là hồ Đá Bạc (Tuy Phong), hồ Bo Bo, Sông Mao (Bắc Bình), hồ Sông Quao, Cẩm Hang, Hộc Tám, Cà Giang, Giếng Cỏ, Đaguiry, Đatrian (Hàm Thuận Bắc), hồ Tà Mon, Tân Lập (Hàm Thuận Nam), hồ Tân Hà (Hàm Tân), hồ Lâm Trường Sông Dinh (Tánh Linh), hồ Trà Tân (Đức Linh).

11-58-50_1
Hồ chứa nước Đá Bạc, Tuy Phong

Trong số 15 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp có 3 hồ là Cà Giang, Giếng Cỏ và Tân Hà có dấu hiệu hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn khi tích nước trong mùa mưa bão năm 2018, cần thiết sớm đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Về nguyên nhân dẫn đến việc các hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, đại diện Chi cục Thủy lợi Bình Thuận cho biết: Hầu hết các hồ được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng qua nhiều năm nhưng không có nguồn kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Bên cạnh đó lòng suối phía hạ du các hồ chứa bị người dân lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy, không đảm bảo khả năng thoát lũ, tăng mức độ và phạm vi ngập lụt vùng hạ du.

Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi đang khai thác sử dụng, đặc biệt đối với các hồ chứa nước trong mùa mưa bão năm 2018 và những năm tiếp theo, Chi cục Thủy lợi đề nghị các đơn vị quản lý sử dụng công trình chủ động xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du hồ chứa làm căn cứ tổ chức thực hiện đối với công tác cảnh báo, di dời, sơ tán người và tài sản vùng hạ du khi xả lũ.

11-58-50_2
Hồ chứa nước Sông Móng, Hàm Thuận Nam

Bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, các thiết bị, máy móc cần thiết tại đầu mối hồ chứa để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

Đối với các hồ chứa nước có tràn xả lũ điều tiết bằng cửa van nhưng chưa có quy trình vận hành, đề nghị Cty KTCTTL khẩn trương lập quy trình vận hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở pháp lý vận hành, điều tiết hồ trong mùa mưa lũ năm nay.

Đối với 3 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng gồm Cà Giang, Giếng Cỏ và Tân Hà và các hồ chứa còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư, ông Nguyễn Hữu Phước, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm xem xét tiếp tục hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Ngoài ra, hỗ trợ địa phương kinh phí đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, phục vụ công tác dự báo và vận hành cho 6 hồ chứa có dung tích lớn hơn 10 triệu m3 gồm: Sông Quao, Sông Dinh 3, Lòng Sông, Sông Móng, Cà Giây, Phan Dũng.

11-58-50_3
Gia cố hồ Sông Móng
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết, thủy văn trong mùa mưa bão năm 2018 diễn biến rất phức tạp. Để đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa và vùng hạ du, chủ động phòng, tránh, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra đơn vị quản lý, sử dụng hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không thực hiện quy định. Đôn đốc các chủ đầu tư công trình hồ chứa đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn...

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.