| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT ra chỉ thị phòng chống chuột trên toàn quốc

Thứ Hai 18/03/2024 , 17:58 (GMT+7)

Ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đã ký Chỉ thị số 1900 về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.

Không dùng điện, thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục để diệt chuột

Tình hình chuột hại cây trồng trong vài năm gần đây có xu hướng gia tăng, không chỉ ở miền Bắc mà còn cả nước, nhất là ở ĐBSCL khi không có lũ nữa thì chuột phát sinh gây hại nhiều. Không chỉ gây hại cây lúa, chuột còn hại nhiều cây trồng nên Cục Bảo vệ thực vật vừa qua đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị số 1900 ngày 15/3/2024 về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.

Theo Chỉ thị, cây trồng thường xuyên chịu tổn thất do sự gây hại của chuột, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, đặc biệt là lúa nước. Hàng năm, khoảng 60.000ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác bị chuột gây hại. Mặc dù có ít diện tích mất trắng, nhưng có nhiều diện tích phải gieo cấy lại.

Lập hàng rào nIlon kết hợp với bẫy để diệt chuột. Ảnh:TL.

Lập hàng rào nIlon kết hợp với bẫy để diệt chuột. Ảnh:TL.

Chuột là một trong những loài sinh vật gây hại khó kiểm soát do tập tính sống và khả năng nhân đàn nhanh chóng. Từ một cặp chuột đực - cái, trong vòng một năm có thể sinh ra hơn 1.000 con chuột. Sự gia tăng mạnh mẽ của chuột hiện nay chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp (hạn hán, lũ nhỏ hoặc không có lũ, thời tiết mùa đông ấm...).

Đồng thời, việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục cùng với sự suy giảm của các loài thiên địch như rắn, chim cú mèo, mèo… cũng góp phần vào tình trạng này. Hiện nay, công tác phòng chống chuột chưa được tổ chức quy mô và toàn diện, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch diệt chuột hàng năm để bảo vệ sản xuất với các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình canh tác, đặc điểm địa hình, kinh tế xã hội ở địa phương. Trong đó phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức, phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt diệt chuột tập trung vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm.

Tuỳ theo tình hình cụ thể, tiến hành từ 3 - 5 đợt diệt chuột/năm, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng (TBS), bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt bằng các biện thủ công như đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột.

Tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương máng và các diện tích đất bỏ hoang. Hạn chế sử dụng nilon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục để diệt chuột.

Đồng thời đề nghị chỉ đạo UBND các huyện tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột, nhất là ở cấp xã, hợp tác xã, thôn bản; phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn hướng dẫn các biện pháp diệt chuột cho các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng; chỉ đạo, hỗ trợ các xã, hợp tác xã và các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng thực hiện.

Diệt chuột bằng bẫy là biện pháp an toàn nhất. Ảnh:TL.

Diệt chuột bằng bẫy là biện pháp an toàn nhất. Ảnh:TL.

Ngoài ra, còn cần chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng ở địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Các cơ quan thông tin tuyên truyền của địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền về các đợt diệt chuột; hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.

Để chương trình diệt chuột được rộng khắp và đồng loạt, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện tổ chức, thực hiện công tác diệt chuột hiệu quả; khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt.

Bộ NN-PTNT cũng giao các cơ quan thuộc Bộ như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền cho các địa phương thường xuyên điều tra nắm chắc diễn biến, phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột và tham mưu về kế hoạch, phương án tổ chức diệt chuột cộng đồng hiệu quả.

Hai đối tượng dịch hại chính hiện nay ở phía Bắc

Ông Bùi Xuân Phong - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, hiện ở các tỉnh phía Bắc lúa chủ yếu đang giai đoạn đẻ nhánh. Nổi lên hai đối tượng sinh vật gây hại ở thời điểm này là ốc bươu vàng và chuột. Tình hình chuột gây hại vụ đông xuân năm nay ở phía Bắc tương đương những năm trước với tổng diện tích tới thời điểm này khoảng hơn 3.800ha.

Chuột thường phá hoại ở giai đoạn lúa từ đẻ nhánh rộ đến giai đoạn làm đòng, bị nặng cục bộ, cao điểm nhất là vào tháng ba, tháng tư khi lúa đứng cái, làm đòng. Trước và trong khi làm đất để gieo cấy lúa, nhiều địa phương đã tổ chức diệt chuột, tuy nhiên đám còn lại sống sót sẽ co cụm, tiếp tục gây hại ở những diện tích lúa sinh trưởng sớm hơn, cấy dày, nhất là những khu ruộng ven làng, ven gò đống.

Đào bắt chuột. Ảnh:TL.

Đào bắt chuột. Ảnh:TL.

Đặc tính của chuột thường trú ngụ, sinh sôi ở các bờ mương máng lớn, các khu công nghiệp gần với cánh đồng, đặc biệt là những khu công nghiệp bỏ hoang. Các cánh đồng nhỏ khi phát triển dự án giao thông hay làm các khu dân cư nên bị cắt mất nguồn thủy lợi, nông dân không có nước để canh tác nên bỏ hoang, nếu một số ít còn gieo cấy sẽ bị chuột hại rất nặng. Cánh đồng hoang cũng chính là nguồn để chuột sinh sôi, phát tán ra các cánh đồng khác để gây hại. Chính vì vậy, chỉ thị của Bộ NN-PTNT nêu chung là các diện tích bỏ hoang.

Theo ông Bùi Xuân Phong, để phòng chống chuột thì phải triển khai trên quy mô lớn, đồng loạt và đúng thời điểm. Xưa khi các hợp tác xã nông nghiệp còn mạnh thì việc diệt chuột được tiến hành đồng bộ và rất hiệu quả. Nhưng khi không còn hợp tác xã nữa hoặc hợp tác xã không tổ chức diệt chuột tập trung thì chuột trở lại gây hại ngay. Dù một số địa phương hàng năm có kinh phí để tổ chức diệt chuột nhưng vẫn không có hiệu quả cao do không làm trên diện rộng và đồng loạt.

Chuột tuy nhỏ nhưng gây hại lớn. Ảnh:TL.

Chuột tuy nhỏ nhưng gây hại lớn. Ảnh:TL.

Diệt chuột không những cần phải có nhiều người mà còn cần phải có người hiểu về chúng, biết cách phát hiện, đánh bắt, đặt bả chỗ nào, thậm chí diệt ngay từ khi chưa gieo cấy bởi lúc đó mới hiệu quả. Ở một số nơi, khi bị chuột hại mỗi nhà đều tự quây nilon quanh những mảnh ruộng của mình. Thực tế, biện pháp này cũng có hiệu quả khá rõ nhưng tốn chi phí và phát sinh một lượng lớn nilon trải ra trên đồng ruộng. Hơn thế, quây nilon không diệt được chuột mà chỉ ngăn không cho vào ruộng của mình, chúng lại dồn sang ruộng khác.

Biện pháp diệt chuột mà Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo tốt nhất là biện pháp tổng hợp, chủ đạo là bẫy cây trồng. Cụ thể, những nơi nào có chuột hay gần nguồn chuột sinh sống sẽ cho gieo cấy trước 7 - 10 ngày, lúa tốt sớm hơn chuột sẽ vào đó gây hại đầu tiên. Những ruộng này được đặt rào chắn nilon, bố trí những bẫy lồng đón chuột đi ven theo hàng rào. Làm như thế sẽ chủ động bắt chuột sớm ngay từ nguồn ban đầu. Tuy nhiên với biện pháp này, một hộ nông dân không thể tiến hành được mà cần có sự tổ chức, thống nhất của các chủ ruộng trên cùng cánh đồng.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.