| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc chuyện tổ chức đám cưới

Thứ Tư 16/10/2019 , 09:25 (GMT+7)

Chúng cháu yêu nhau 3 năm, tỏ tường hai bên gia tộc. Anh hơn cháu 3 tuổi, cả hai đều công việc ổn định. Ai cũng nghĩ được rồi, chờ đợi gì nữa. Khi khởi động mới thấy khó khăn và nhiều chuyện kỳ quặc...

Cô kính mến!

Cháu nghĩ, khi lá thư này lên báo thì nó sẽ là tiếng nói của nhiều người chứ không riêng gì cháu. Mùa cưới đến rồi cô ơi, đây là chuyện đám cưới đó cô.

Nhà anh ở tỉnh miền Đông, nhà cháu ở miền Tây, chúng cháu làm việc ở Sài Gòn. Nhưng ba má hai bên nhất định phải có đám cưới ở quê của mình, vậy nghĩa là sẽ có rước dâu từ miền Tây lên miền Đông.

Nhà anh có trang trại, quan hệ rất rộng, gia đình muốn đám cưới rình rang. Nhà cháu thì đi từ Cần Thơ tới xã cháu cũng mất ba tiếng rồi, khi ngược lên còn vượt qua Sài Gòn rồi tới nhà anh, vị chi 10 tiếng trên đường đó cô.

Thôi thì nhà trai khá giả, mình chịu khó ngồi xe, họ chi hết mà cô. Nhưng còn chuyện cưới ở Sài Gòn để các cháu ra mắt bạn bè, hai bên cơ quan thì sao cô? Ngay từ đầu bọn cháu chỉ muốn làm ở Sài Gòn thôi, hai bên gộp lại nhưng ba má của anh nhất định không chịu. Cũng chính họ muốn nhà cháu làm ở quê, để họ rước dâu, có bàn thờ có hai họ rước và tiễn.

Trời ơi, nghe không đã muốn xỉu rồi cô. Chúng cháu bắt đầu hục hặc, anh chiều ba má anh, anh là trai một, quý tử mà cô. Nhưng chả lẽ cháu nói thôi khỏi rước dâu đi, nhưng cháu ở đâu, bà con gia tộc cháu ở đâu để nhà trai họ đón rồi bước vô nhà của họ?

Cháu nói với anh, thôi hủy chuyện làm tiệc ở Sài Gòn đi, nhưng ba má anh lần này lại không chịu, phải làm, hụt thì họ bù, chi chi chi. Cô ơi, cứ cái kiểu này thì là kinh doanh con chứ gì nữa, vì bạn bè làm ăn của ba má anh ở Sài Gòn cũng đông lắm, phải mời.

Người ta nói khi thành sui gia thì hết thân hả cô? Thủ tục, lời qua tiếng lại khi đám tiệc, rồi nữa sẽ khen chê dâu rể, can thiệp việc nuôi dạy các cháu, chắc rất phiền, đúng không cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Đúng, mùa cưới đến rồi. Cô cũng đi không ít đám cưới ở thành phố nên cô cũng có những suy nghĩ của riêng cô.

Thứ nhất, cưới xin bây giờ bị các công ty tổ chức họ xỏ mũi ghê quá. Khánh tiết rườm rà, âm nhạc điếc tai, ăn uống hồi hộp (do sợ không an toàn thực phẩm), bày vẽ kinh khủng. Cô hay đặt tiệc giỗ ở nhà cô biết, một mâm 5 món như đám giỗ ở nhà, bình quân 2 triệu rưỡi/mâm 10 người.

Đám cưới, na ná như cỗ xịn của giỗ, thôi thì có cầu kỳ hơn chút, nhưng người đi dự cưới phong bao cho đám cưới (coi như vừa góp tiền ăn vừa mừng cô dâu chú rể) 1 triệu đồng/người, hỏi khổ chủ như các cháu thì bị các nhà hàng họ “chém” bao nhiêu?

Thứ nhì, cưới ở Việt Nam như cháu mô tả, công thức chung là vậy, đố thoát được: khách của bố mẹ có cả cấp trưởng lão trong họ tộc, khách ấy gồm đủ thứ, bà con họ hàng, mối lái làm ăn và cả bạn bè.

Rồi cô dâu chú rể cũng mời bạn bè, cơ quan, đồng môn đồng tuế…vậy là đám cưới sẽ lên bao nhiêu bàn mà gộp nhà trai với nhà gái lại thì có phải là một biển người không? Chán, một dân tộc càng ngày như càng thụt lùi chứ không chịu văn minh lên.

Việc đón và đưa dâu không sao tiết giảm được. Tại vì hai bên giờ là con hiếm cả. Nhà gái không muốn có một cái đám như là thông báo cho gia tộc, kẻo mang tiếng không cưới mà có chồng và sinh con. Nhà trai thì đương nhiên, họ sẽ hoành tráng nếu nhà họ làm ăn hoành tráng.

Vậy thì cô dâu và chú rể phải thỏa hiệp nhau, đời mình có một lần thì ba mẹ của hai bên cũng đâu có nhiều lần gả con hay cưới vợ cho con. Xa thì đành chịu xa, đi xa, vất vả, lặn vặn. Có đôi còn cưới tận nước ngoài, về Việt Nam lại cưới, nhưng họ đỡ hơn ta là không đưa và đón dâu, mâm quả, bàn thờ, nhiêu khê thủ tục.

Theo cô, các cháu nên suy nghĩ và bàn với ba mẹ của nhà cậu ấy. Hủy tiệc thủ tục ở Sài Gòn, báo hỉ là được. Bạn bè làm ăn thân của ba mẹ cậu ấy nên mời về tận trang trại luôn, thân là chỗ nào cũng gần, mối làm ăn họ đâu sợ tốn kém, đúng không? Bỏ được một điểm thuần túy thủ tục, vì thực chất, đồng nghiệp, cơ quan, đồng môn đồng tuế…không hề giận các cháu nếu cưới mà không mời.

Muốn gọn nhẹ phải động não. Muốn văn minh phải hành động. Muốn không bị kêu ca là rườm rà bày vẽ thì tự mình cắt bớt những phiền toái không đâu, thế thôi. Bắt đầu hai bên, bắt đầu vợ chồng, còn biết bao nhiêu việc bất đồng nữa cháu ơi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm