| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc vì mẹ chồng bắt đi chùa

Thứ Hai 02/03/2015 , 09:49 (GMT+7)

Mẹ chồng hay giám sát cháu. Bà muốn các cháu cũng phải như anh chị cả, đi chùa, đi đền, đi phủ. Nhưng các cháu là viên chức, các cháu có làm ăn đâu mà đền và phủ?

Cô Dạ Hương kính mến!

Lá thư ngay sau tết, cháu chỉ cầu mong cho cô, tòa soạn báo và mọi người sức khỏe, bình an.

Cháu cũng chỉ dám mong như thế cho bố mẹ hai bên, anh chị em hai bên và gia đình nhỏ của mình.

Cháu năm nay 28 tuổi, chồng cháu 30, chúng cháu đã có con gái đầu 3 tuổi rưỡi.

Cô ạ, năm mới, cháu cũng đi chùa nhưng không đi như mẹ chồng. Vợ chồng cháu đến ngôi chùa nhỏ gần nhà và an tâm mình đã làm đúng với tín ngưỡng mà ông bà mình đã theo.

Mẹ chồng hay giám sát cháu. Bà muốn các cháu cũng phải như anh chị cả, đi chùa, đi đền, đi phủ. Nhưng các cháu là viên chức, các cháu có làm ăn đâu mà đền và phủ?

Hôm cháu đi chùa gần nhà, bà bắt cháu cầm theo nhiều tiền lẻ để giắt tượng. Cháu rất ghét cái thói đó, với lại Nhà nước đã có nhắc nhở trên truyền hình mà sao dân chúng không nghe?

Bà bảo bà không chấp các lời khuyên, ai cho tiền mình mà khuyên với lơn, ối người vẫn giắt đấy, mà người ta cầu được ước thấy nên người ta mới thế chứ.

Có phải ở miền Nam tình trạng ấy có khá hơn, tình trạng mua thần mua phật ấy? Mẹ cháu ở quê nói ngày xưa có như thế đâu, đúng không cô? Cháu bức xúc lắm. Cháu thấy nhiều lễ hội không hay ho gì cả mà người dân vẫn cứ hăng hái đi xem, đi dự rồi hành xử rất tồi ở giữa đám đông.

Mong cô chia sẻ với cháu tâm trạng này.

--------------------

Cháu thân mến!

Cảm ơn cháu đã có lời đầu năm cho tòa báo và cô.

Việc lễ lạt nói chung ở Việt Nam ta bây giờ báo đài ra rả nói và viết mãi rồi, nhưng tình trạng xuống cấp mỗi năm lại mỗi tệ. Hễ có cộng đồng người là có tín ngưỡng và có lễ hội. Đó là nhu cầu tinh thần chính đáng phân biệt rằng đây là xã hội của con người chứ không phải của khỉ.

Dù không quy y theo Phật, nhưng văn hóa tâm linh phần đông của người mình là hướng theo Phật. Đi chùa là lẽ tự nhiên của nhiều gia đình dù không thạo phật pháp hay nhiều thứ khác. Cô cũng đi chùa, đi thiền viện và cũng đã hành hương về Yên Tử.

Nhưng cô cũng ghi nhận, người đi theo Phật ở miền Nam còn nguyên xi của thời xưa hơn. Một lần cô đi thiền viện Yên Tử, các sư từ trong Nam ra liên tục nhắc khách thập phương phải chậm rãi, cất nón mũ và túi xách ở góc phòng, không ồn ào, không giắt tiền vào mâm vào tượng. Ở miền Nam không có lối hành xử ấy ở khách thập phương nên không phải nhắc.

Theo cô, có hiện tượng đó là vì miền Bắc nhiều năm đứt đoạn văn hóa tâm linh truyền thống, nhiều cán bộ luôn hô hào cách mạng, thậm chí đả kích văn hóa phong kiến, cho là hủ tục. Đấy là qúa tả. 

Một thời đình đền miếu mạo bị đập phá, bị trưng dụng vào sinh hoạt công cộng của chính quyền. Và đã sinh ra mấy thế hệ mơ hồ về tín ngưỡng, sau thì cầu quan cầu tước cầu lộc quen thói, dung tục và thực dụng, tức là quá hữu.

Cô hoan nghênh cháu đi một chùa để cầu an thôi. Nếu có điều kiện thì nên đi vãn cảnh ở những địa danh nổi tiếng như chùa Hương, chùa Keo, chùa Đậu, chùa Phật tích, chùa Tây Phương, chùa Mía…

 Những ngôi chùa ấy có lịch sử, có kiến trúc và có quần thể tượng riêng, không giống nhau, ở những vùng nức tiếng linh thiêng, xinh đẹp. Đi chùa như cô cháu mình là đi vãn cảnh, còn thực hành đều đặn vào rằm hay mồng một là đi như một nghĩa vụ của người tu tại gia chứ không phát nguyện, chuyên tâm.

Rất nên khuyến dụ người thân văn hóa đi chùa, đi lễ. Điềm đạm, khoan hòa, chậm rãi, thành tâm và thanh lịch. Nhét tiền vào mọi chỗ thực sự là một quan niệm sai lầm, biểu hiện của nhận thức lệch lạc, thậm chí vô văn hóa.

Nếu đã biết thì phải truyền cho nhau vẻ đẹp của tấm lòng, sự thành kính sáng trong. Mỗi gia đình đều hành xử vậy thì tức khắc sẽ có yên bình ở những nơi như chùa, đền, đình hay phủ.

Cháu đã đúng khi không đi xin ở phủ, ở đền. Nhưng ai là doanh nhân thì họ có quan niệm khác, kệ họ, mình đừng xỉa xói, chê trách.

Hãy khoan hòa với mẹ chồng và tìm cách từ từ khuyên bà đừng thái quá. Thế thôi, thế hệ ấy đã đi xa với truyền thống, mà luôn nhân danh truyền thống. Các cháu văn minh hơn, các cháu hành xử khác đi, rồi thời gian sẽ lọc ra những thế hệ mới, quan niệm đúng đắn hơn.

Chúc các cháu một năm an lành, hạnh phúc.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm