| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau 'số hóa' quản lý sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai 21/11/2022 , 08:16 (GMT+7)

Cùng với lan tỏa sâu rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông - thủy sản, ngành nông nghiệp Cà Mau đang dần "số hóa" công tác quản lý, điều hành sản xuất.

Cà Mau là một trong những tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL có lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp – thủy sản với trên 300.000ha nuôi trồng thủy sản, 115.000ha trồng lúa và 95.000ha rừng tập trung.

Ảnh 1

Tỉnh Cà Mau có lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp – thủy sản với trên 300.000ha nuôi trồng thủy sản và 95.000ha có rừng tập trung. Ảnh: Kim Anh.

Sở NN-PTNT tỉnh đã và đang thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực như tôm, cua, lúa chất lượng cao, gỗ… Từ đó, đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên tôm, lúa chất lượng cao và thâm canh gỗ.

Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm gia tăng tình trạng sạt lở ở nhiều nơi, nhất là vùng ven biển, cửa sông. Từ đó, nông nghiệp công nghệ cao đang được Cà Mau xác định là xu hướng tất yếu phải hướng tới.

Thực tế, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nổi bật như: Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng quy trình công nghệ biofloc để nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống; ứng dụng công nghệ tuần hoàn, semi-biofloc, nuôi 3 giai đoạn đối với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, quy trình sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, sinh thái, VietGAP, GlobalGAP… 

Nếu như năm 2012, Cà Mau chưa có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thì đến nay diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của tỉnh đã lên đến trên 7.927ha, với tổng số 11.555 hộ nuôi. Trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt gần 3.683ha. Nổi bật là tại huyện Phú Tân với gần 900 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, tổng diện tích trên 840ha. Theo nông dân địa phương, với phương pháp nuôi công nghệ cao này, năng suất tôm nuôi đạt từ 20 – 40 tấn/ha. Nhiều hộ có được lợi nhuận từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi vụ.

Nuôi tôm công nghệ cao đang là mô hình phát triển khá mạnh tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Nuôi tôm công nghệ cao đang là mô hình phát triển khá mạnh tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Để từng bước đưa công nghệ cao lan tỏa sâu rộng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai một loạt giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp và thủy sản như hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển nông nghiệp; phần mềm nhật ký sản xuất hay phần mềm hạch toán chi phí sản xuất – kế toán…

Với hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển nông nghiệp được tích hợp trên ứng dụng thiết bị di động và cả website: http://nongnghiepcamau.vn, hệ thống này tập trung tạo lập cơ sở dữ liệu với đầy đủ các thông tin về: Cảnh báo thiên tai, giám sát môi trường; giá cả thị trường; thời tiết nông vụ; kỹ thuật sản xuất nông nghiệp… Từ hệ thống này, bà con nông dân kịp thời nắm bắt diễn biến về môi trường nước, độ ẩm của đất, nhu cầu sản xuất, kinh doanh nông sản làm cơ sở để xúc tiến thương mại, đầu tư trong tỉnh.

Hơn nữa, hệ thống này cũng là kênh thông tin để ngành chức năng tiếp nhận các thông tin về dịch hại, thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn… từ người dân. Từ đó, công tác quản lý, điều hành của ngành nông nghiệp địa phương cũng trở nên nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn.

Ảnh 3

Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển nông nghiệp ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau lên kế hoạch thực hiện tiếp cận thị trường theo xu hướng hiện đại, phi truyền thống thông qua việc tìm kiếm đối tác trên không gian mạng, điển hình như các website bán hàng trực tuyến lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba… Đồng thời, tổ chức các chương trình tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn về ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao, thích ứng với BĐKH, tỉnh Cà Mau đề xuất Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng logistics kết nối liên vùng ĐBSCL. Đặc biệt là việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Cà Mau điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, trong đó có chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm, huyện U Minh.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.