| Hotline: 0983.970.780

Cà phê Khe Sanh

Thứ Tư 03/10/2012 , 09:51 (GMT+7)

Huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã có nhiều cách làm quyết liệt thông qua mô hình làm cà phê chất lượng cao.

Để người trồng cà phê có thu nhập cao và thương hiệu cà phê Khe Sanh không ngừng khẳng định trên thị trường xuất khẩu, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã có nhiều cách làm quyết liệt thông qua mô hình làm cà phê chất lượng cao.

Bắt đầu từ mô hình

Nông dân Nguyễn Đức Diệu ở xã Hướng Phùng khoe, nhờ tập trung đầu tư làm cà phê chất lượng cao nên sản phẩm rất dễ bán, giá thành lại cao... Còn ông Ngô Đình Phương, lãnh đạo Cty TNHH Đại Lộc ở huyện Hướng Hoá vẫn chưa quên được những lần phải “trả học phí” vì chất lượng sản phẩm kém khi xuất khẩu cà phê Khe Sanh sang châu Âu.

 Sau những lần bị bạn hàng làm khó, ông trăn trở tại sao mình không tìm cách lập những mô hình nâng cao chất lượng cà phê Khe Sanh để dễ dàng xuất khẩu hơn. Trong khi đó, địa hình, thổ nhưỡng vùng đất Khe Sanh rất hợp với cây cà phê.

Ông Phương nhớ lại: “Tôi mang trăn trở ấy về trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, mong chính quyền cùng DN, ngân hàng, nhà khoa học và nông dân cùng bắt tay làm một "cuộc cách mạng" cho cà phê Khe Sanh. Ông Sắc đồng ý và hứa không thể để chất lượng cà phê Khe Sanh phập phù như vậy mãi".

Nông dân ở huyện Hướng Hoá chủ yếu trồng cà phê Catimor. Toàn huyện có hơn 4.700 ha cà phê, trong đó 4.000 ha đã cho khai thác. Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam được sự hỗ trợ của các DN cà phê thế giới đã chọn Khe Sanh làm nơi thử nghiệm mô hình SX cà phê chất lượng cao, mong muốn biến nơi đây thành một trung tâm trồng và SX cà phê của miền Trung.

Song, cà phê Khe Sanh không phải mới được biết đến bây giờ. Hơn 100 năm trước, người Pháp đã thấy thế mạnh đắc địa của cây cà phê nơi đây, họ đã lập đồn điền để trồng. Địa hình Khe Sanh có độ cao từ 350-500 m so với mặt nước biển. Cây cà phê trồng ở đất càng cao thì hạt càng ngon, nhân của hạt cà phê sẽ bớt đi những dấu lấm tấm.

Trước đây cà phê Khe Sanh chất lượng kém vì bà con thường hái quả vừa già, vỏ đang xanh, mỗi lần thu hoạch về họ thường mang ngâm nước cho lợi về trọng lượng khi bán. Cách làm này của không ít người vô tình làm cho cà phê Khe Sanh mất uy tín. Nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm SX-KD cà phê có hiệu quả, bền vững, huyện đã tuyên truyền vận động bà con bỏ thói quen thu hoạch cà phê xanh và ngâm nước, bỏ việc mua bán cà phê kém chất lượng.

Cùng với đó, yêu cầu các DN, cơ sở thu mua, chế biến kiên quyết chỉ thu mua cà phê có tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên, không thu mua cà phê bị ngâm nước, lên men, lẫn tạp chất...

Hồi sinh một thương hiệu

Ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch huyện UBND Hướng Hoá cho biết: “Huyện chủ trương phục hồi thương hiệu cà phê Khe Sanh, xem đó là việc làm cần thiết cho mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn. Nhằm hạn chế tình trạng mua bán lộn xộn, ép giá nông dân, chúng tôi đã chỉ đạo các đại lý có giấy phép mới được thu mua cà phê trên địa bàn và cam kết thu mua cà phê đúng chất lượng.

Vụ cà phê 2012 ở Hướng Hoá mới bắt đầu thu hoạch, nhưng nhiều DN đã ký kết thu mua sản phẩm xuất khẩu. Dự kiến với giá cà phê như hiện nay, trị giá xuất khẩu cà phê Khe Sanh đạt con số 25 triệu USD. Chỉ 1 mặt hàng nông sản của một huyện miền núi mà xuất khẩu mang về ngần ấy ngoại tệ cho đất nước thì không phải là nhỏ.

Khi xuất cà phê ra khỏi địa bàn huyện qua Hải quan cổng B để vào nội địa, sản phẩm phải chứng minh được nguồn gốc. Bằng hàng loạt biện pháp kích cầu và không ngừng nâng cao chất lượng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh nên người trồng rất vui mừng. Sản phẩm họ làm ra bán được giá cao hơn, lúc cao nhất giá bán đến 13.000 đồng/kg quả tươi".

Sự quyết tâm phục hồi thương hiệu cà phê Khe Sanh của huyện huyện Hướng Hoá chỉ sau hai mùa đã mang lại kết quả tốt đẹp. Sản lượng cà phê xuất sang thị trường châu Âu năm vừa rồi rất được bạn hàng tín nhiệm. Ngoài ra, để người trồng yên tâm, nhiều DN đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cam kết mua đúng giá thị trường và cộng thêm 150 đồng/kg quả tươi.

Ngân hàng NN-PTNT, chi nhánh Hướng Hoá cam kết đẩy mạnh hơn nữa cho người trồng cà phê vay vốn để đầu tư vào giống, máy móc thiết bị chế biến sản phẩm. Ông Sắc khẳng định: “Rõ ràng mô hình làm cà phê chất lượng cao tại Khe Sanh đã có kết quả rất khả quan. Muốn nâng cao giá trị nông sản cho nông dân, trước hết phải bắt đầu tư từ chất lượng sản phẩm".

Xem thêm
Vùng cao chăn nuôi bài bản

LÀO CAI Tập trung chăn nuôi trang trại, gia trại bài bản, chủ động về nguồn con giống... giúp huyện vùng cao Bảo Thắng phát triển chăn nuôi bền vững.

Kiểm tra về an toàn thực phẩm còn chung chung

HẢI PHÒNG Theo Trung tá Trần Nam Trung, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường đánh giá, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện còn chung chung, chưa chuyên sâu.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).