| Hotline: 0983.970.780

EUDR & cơ hội với ngành cà phê

Cà phê nông lâm kết hợp: Cách hay không gây mất rừng

Thứ Tư 19/07/2023 , 06:11 (GMT+7)

Đối tác Kinh doanh Xanh Danida - Đan Mạch đồng ý viện trợ không hoàn lại 1,2 triệu USD để Quảng Trị thực hiện dự án 'Cà phê nông lâm kết hợp' tại huyện Hướng Hóa.

Manh nha ở vùng đất Quảng Trị

Cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng tại Quảng Trị từ năm 1926. Đến năm 1994, giống cà phê Arabica Catimor được trồng ở vùng đất này. Tính đến nay, Quảng Trị có khoảng 8 nghìn hộ trồng cà phê với tổng diện tích gần 4 nghìn ha, trải dài trên địa bàn 10 xã của huyện Hướng Hóa, bắt đầu từ vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, khu vực giáp ranh với rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đến vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Phần lớn diện tích cà phê hiện nay được canh tác theo phương thức độc canh trên độ dốc tương đối cao, không bền vững. Ảnh: Võ Dũng.

Phần lớn diện tích cà phê hiện nay được canh tác theo phương thức độc canh trên độ dốc tương đối cao, không bền vững. Ảnh: Võ Dũng.

Mô hình cà phê nông lâm kết hợp đã xuất hiện ở vùng đất này như một lẽ tất yếu trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bài liên quan

Năm 2020, Công ty TNHH Pun Coffee hợp tác với hơn 100 hộ dân trồng cà phê Abarica theo cách thuận tự nhiên; hái bằng tay khi quả chín, vườn phải có cây che bóng. Một phần trong sản lượng 300 tấn cà phê tươi do công ty thu mua được chế biến sâu và tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài với thương hiệu Pun Coffee.

Cây che bóng là các loại cây ăn quả hoặc cây gỗ bản địa giúp người dân đa dạng hóa nguồn thu và gắn bó hơn với cây cà phê. Chúng tôi đã cung cấp các loại cây che bóng như cà phê mít, bơ 034 hay một số loại cây lấy gỗ cho người dân... Nhờ cây che bóng, các vườn cà phê tạo cảnh quan và cho ra sản phẩm chất lượng nhất. Đây cũng là cách để chúng tôi hưởng ứng Chương trình Một tỷ cây xanh Chính phủ đang triển khai”, ông Phan Hồng Phong, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Pun Coffee chia sẻ.

Với sự nỗ lực của người dân, các doanh nghiệp, HTX, năm 2021 cà phê Khe Sanh giành ngôi vị quán quân cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. Năm 2022, cà phê Khe Sanh lại được Giải Bạc cuộc thi “Coffees Roasted at the Origin” dành cho những nhà sản xuất và chế biến nhỏ trên thế giới do Tổ chức phi chính phủ AVPA (The Agency for the Valorization of Agricultural Products) tổ chức tại Paris, Pháp.

Từ đó, cà phê Arabica Hướng Hóa từng bước tham gia chuỗi giá trị cà phê Việt Nam và toàn cầu.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho hay, cà phê là cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Quảng Trị, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Pun Coffee - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện trồng cà phê nông lâm kết hợp. Ảnh: Võ Dũng.

Pun Coffee - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện trồng cà phê nông lâm kết hợp. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê hiện nay được canh tác theo phương thức độc canh trên độ dốc tương đối cao, không bền vững và không có hệ thống tưới tiêu nên năng suất cà phê ngày càng giảm, tác động đáng kể đến thu nhập của người dân. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế. Diện tích cà phê già cỗi tăng cao làm ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ; các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều điểm yếu...

Giấc mơ sẽ sớm thành hiện thực

Tháng 6/2023, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) gửi công văn đến UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất thực hiện dự án “Cà phê nông lâm kết hợp” tại huyện Hướng Hóa. Về cơ bản, đối tác Kinh doanh Xanh Danida - Đan Mạch (thông qua WWF - Việt Nam) đồng ý viện trợ không hoàn lại 1,2 triệu USD để Quảng Trị thực hiện dự án “Cà phê nông lâm kết hợp” tại huyện Hướng Hóa.

Trước đó, vào tháng 5/2022, WWF - Việt Nam đã nghiên cứu khả thi để xây dựng dự án liên quan tới phát triển chuỗi giá trị cà phê Arabica ở huyện Hướng Hóa. Kết quả cho thấy, ngành hàng cà phê Arabica tại Hướng Hóa là đối tượng cây trồng tiềm năng, tạo sinh kế cho người dân theo hướng sản xuất bền vững và liên kết với thị trường xuất khẩu gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Sản phẩm từ cà phê nông lâm kết hợp ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Sản phẩm từ cà phê nông lâm kết hợp ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Đây là dự án thiết thực, hoàn toàn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển chuỗi liên kết và cung ứng cà phê bền vững của địa phương; đóng góp cho Chương trình Một tỷ cây xanh của Chính phủ.

Thông qua mô hình cà phê nông lâm kết hợp bền vững, chất lượng cao, công bằng và thân thiện với rừng, dự án được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện sinh kế cho các hộ sản xuất cà phê quy mô nhỏ ở huyện Hướng Hóa; góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và quản lý hiệu quả diện tích rừng tự nhiên kết nối hành lang đa dạng sinh học giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Đối tượng dự án hướng đến là những hộ dân sản xuất quy mô nhỏ đang vật lộn kiếm sống với thu nhập thấp hơn 20% so với mức trung bình ở Việt Nam với 50% là đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều. Việc chuyển đổi sang mô hình nông lâm kết hợp sẽ mang lại cho người dân sinh kế thuận thiên bền vững.

Công ty Slow - một trong hai đơn vị sẽ thực hiện dự án này cam kết bán 1 nghìn tấn cà phê nhân xanh dựa trên mô hình nông lâm kết hợp và các tiêu chuẩn và chứng nhận liên quan, cho phép chuyển đổi từ trồng độc canh sang mô hình nông lâm kết hợp và tăng thu nhập cho hộ gia đình. Quan hệ hợp tác này phù hợp với các ưu tiên của Đan Mạch tại Việt Nam.

Việc các bên liên quan như WWF - Việt Nam, Công ty Slow, chính quyền và người dân địa phương hợp tác thực hiện mô hình nông lâm kết hợp sẽ góp phần cải thiện chất lượng của hành lang đa dạng sinh học giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Khi sinh kế được cải thiện, người dân có động lực tham gia bảo vệ các khu bảo tồn có giá trị cao mang lại lợi ích cho hệ sinh thái. Công ty Slow sẽ trích một phần lợi nhuận từ kinh doanh cà phê để đóng góp tài chính cho hoạt động bảo tồn của WWF - Việt Nam tại Quảng Trị.

Ở cấp độ chính sách, việc chuyển đổi sang mô hình nông lâm kết hợp hữu cơ sẽ hỗ trợ cho kế hoạch thích ứng quốc gia của Việt Nam. Lượng các bon hấp thụ được có thể giúp Việt Nam đáp ứng các đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm giảm 9% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).

Mục tiêu dự án đề ra đến năm 2027 Quảng Trị sẽ có 2,5 nghìn ha cà phê canh tác độc canh sang mô hình canh tác nông lâm kết hợp; 2 nghìn hộ tham gia sẽ có thu nhập tăng 40%... Kết quả này sẽ giúp 18 nghìn ha rừng tự nhiên trong hành lang đa dạng sinh học giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông được bảo vệ hiệu quả.

Cà phê nông lâm kết hợp giảm tổn thương đến rừng, mở ra cánh cửa để sản phẩm cà phê vươn ra thế giới. Ảnh: Võ Dũng.

Cà phê nông lâm kết hợp giảm tổn thương đến rừng, mở ra cánh cửa để sản phẩm cà phê vươn ra thế giới. Ảnh: Võ Dũng.

Để làm được điều này, WWF và Công ty Slow phải làm việc với các hộ sản xuất nhỏ; ký kết các hợp đồng bao tiêu dài hạn với các đối tác ở châu Âu. Thông qua dự án, năng lực của nông hộ sản xuất cà phê nông lâm kết hợp bền vững và canh tác hữu cơ được tăng cường; việc thu hoạch và chế biến cà phê cũng sẽ được cải thiện.

Trước đề nghị của WWF - Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo các Sở, ngành hoàn thiện văn kiện dự án để thống nhất với nhà tài trợ về cách thức tổ chức triển khai thực hiện.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho rằng: “Cái hay của dự án là sẽ tìm cho địa phương một doanh nghiệp đầu chuỗi để ký 1 hợp đồng dài hạn bao tiêu cà phê nông lâm chất lượng cao cho người dân từ 3 - 5 năm với giá thu mua cao hơn sản xuất cà phê thông thường; tăng 40% thu nhập cho người trồng cà phê”.

Mục tiêu của Quảng Trị trong thời gian tới là duy trì và ổn định 5.000ha; đến năm 2026 có ít nhất 1.000ha cà phê được tái canh, trong đó có 50ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển 60ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đến năm 2030, Quảng Trị quyết tâm hoàn thành tái canh cà phê già cỗi bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Đây là một trong những điều kiện lý tưởng để thực hiện dự án cà phê nông lâm kết hợp tại Quảng Trị.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất