| Hotline: 0983.970.780

Cá vào ao

Thứ Bảy 11/07/2020 , 08:35 (GMT+7)

Bé Vân Nhi chạy sang, ôm chầm lấy bà, giọng con bé méo xệch: Bà ơi... bà ơi bà... bố cháu... bố cháu đánh cháu...

Nhìn con bé mới 4 tuổi đầu, nước mắt nước mũi dàn dụa, lòng dạ bà Loan quặn lại. Khổ thân con bé, mới 3 tuổi đã mồ côi mẹ, giờ lại bị bố nó ghét bỏ, cứ nay đánh mai đánh, nay dọa mai dọa là sẽ “tống cổ vào trại trẻ mồ côi”.

Bà ôm lấy cháu:

- Lại đây với bà. Bà yêu con, bà thương con lắm, con Bống Bống bang bang của bà... chốc nữa rồi bà mắng cho thằng bố mày một trận.

Bống là tên mà bà vẫn dùng để gọi bé Vân Nhi. Được bà vỗ về, con bé dụi dụi đầu vào ngực bà, gương mặt nó sáng bừng lên, trông đáng yêu vô cùng. Khổ thân cháu tôi, vừa vuốt ve lưng cháu, bà Loan vừa thầm than. Cách đây hơn 4 năm, Hoan, con trai lớn của bà, đưa một cô gái có cái bụng đã lùm lùm về, thưa với bà:

- Thưa mẹ, đây là Chi, bạn gái của con. Con với Chi yêu nhau thật lòng. Chúng con đã đi quá giới hạn, và Chi đã mang thai cháu nội của bà được 4 tháng. Xin mẹ lo đám cưới cho chúng con.

Mọi việc từ tổ chức sang thưa chuyện với gia đình Chi cho đến đám cưới, chỉ diễn ra trong vòng một tháng. Chồng mất từ khi thằng Hoan mới 10 tuổi, còn em nó, thằng Hỉ, mới lên 8.

Bà ở vậy nuôi con. Đám cưới con, một tay bà lo toan tất cả, tuy không được hoành tráng như những đám cưới con nhà giàu, nhưng theo đánh giá của họ hàng, thì cũng là “rất được”.

Cưới xong, bà nhường ngôi nhà đang ở cho vợ chồng Hoan, còn bà và thằng Hỉ cất tạm một ngôi nhà cấp 4 cạnh đó làm nơi sinh sống.

Chỉ 5 tháng sau khi Hoan cưới vợ, bé Vân Nhi ra đời. Trộm vía, cháu khỏe mạnh, càng lớn càng xinh xắn. Bà với con dâu cũng hợp tính nhau...

Cuộc sống đang êm đềm, hạnh phúc thì Chi phát hiện bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Không chỉ Chi, mà mẹ con bà cũng rộc người đi vì lo lắng. Bao nhiêu của nả dành dụm được dốc tất cả vào việc chữa bệnh cho Chi. 3 tháng sau khi phát hiện ra bệnh, Chi qua đời, lúc đó cháu Vân Nhi mới 3 tuổi.

Hồi tháng 3 năm nay, trong lúc Vân Nhi lang thang chơi ở đường làng, hôm ấy chủ nhật nên cháu không đến lớp mẫu giáo, cháu bị một chiếc xe máy va phải, người đi xe máy trốn mất, bỏ mặc cháu ngất lịm bên đường, lúc sau mới có người phát hiện ra, báo cho bố cháu biết.

Lập tức bố cháu, bà và chú Hỉ hộc tốc đưa cháu vào bệnh viện. Thấy cháu mất nhiều máu quá, mà kho máu dự trữ ở bệnh viện không có loại máu nào hợp với nhóm máu của cháu, bệnh viện yêu cầu người nhà thử máu ngay.

Nhưng kỳ lạ thay, cả máu của bố cháu lẫn máu của chú Hỉ đều không hợp với nhóm máu của cháu. Bệnh viện cấp tốc liên hệ với bệnh viện của tỉnh bạn. Rất may, vài tiếng đồng hồ sau, loại máu đó từ bệnh viện tỉnh bạn được đưa sang kịp...

Việc nhóm máu của mình không hợp với nhóm máu của con, khiến Hoan đâm ra nghi ngờ, anh lấy mẫu tóc và mẫu móng tay của mình và của con đi giám định ADN. Kết quả, bé Vân Nhi không phải là con anh.

Ngày nhận kết quả, Hoan như phát điên, anh chỉ vào tấm ảnh của Chi trên bàn thờ, chửi:

- Đ. mẹ mày, đ. mẹ con đĩ, mày lừa tao, mày với thằng nào ăn ốc rồi bắt bố mày đổ vỏ, hử?

Nói xong, anh cầm tấm ảnh quăng ra ngoài sân. Choang một tiếng, khung kính vỡ tan. Chưa hả giận, Hoan còn lấy tấm ảnh xé nát, vứt vào bệ xí rồi xả nước cho trôi đi mất tăm mất tích. Biết chuyện, lúc đầu bà Loan cũng rất sốc, nhưng rồi dần dần, bà bình tĩnh lại.

Từ đó, Hoan đối xử với bé Vân Nhi khác hẳn. Trước đó, nhất là từ lúc mẹ bé mất, anh nâng con như nâng trứng, hứng như hứng hoa, thì bây giờ, anh mặc xác.

Con bẩn thỉu anh mặc xác không tắm rửa. Đến bữa anh xới cho nó một bát cơm, con ăn hay không anh cũng không hỏi, và đụng nói là quát, là đánh, và anh tìm cách liên hệ để đưa cháu vào một trại trẻ mồ côi.

Tội nghiệp bé, nào đã biết gì đâu. Chẳng bao lâu, bé đã gầy rộc, tóc tai xơ xác, mắt lúc nào cũng thất thần, hễ nhìn thấy bố là co rúm người lại, y như chuột thấy mèo. Thấy tội nghiệp con bé, thỉnh thoảng bà Loan lại sang tắm rửa chăm chút cho bé.

Hôm nay cũng vậy, bà Loan đang vuốt ve cháu thì Hoan sang. Nhìn cảnh ấy, mắt Hoan tối sầm lại, còn bé Vân Nhi thì hoảng sợ rúc chặt vào lòng bà. Hoan quát:

- Bà còn chăm cái giống khác máu ấy làm gì. Để rồi tới đây con tống nó vào trại trẻ mồ côi trên Sơn Tây.

- Thôi con ạ. Cá vào ao ai, người ấy được. Ông giời ông ấy đã đưa nó vào làm người nhà mình, thì mình thương yêu lấy nó, nuôi nó cho thành người. Đưa cháu vào đấy khổ thân cháu. Nó còn bé, nó có tội gì đâu.

- Không thể thế được. Cứ nhìn nó lúc nào là con lại sôi máu lên lúc ấy. Sao nó không chết con mẹ nó lúc mới chào đời đi.

- Mày đừng nói láo. Mày lấy con Chi là tự nguyện, chứ tao ép uổng gì mày. Sao mày không tìm hiểu cho kỹ. Cái đó là lỗi ở mày, sao mày lại đổ lên đầu con bé.

Thôi, mày không nuôi nó nữa thì để tao nuôi. Nó không phải con mày, nhưng nó là cháu tao. Tao còn khỏe, tao còn đủ sức nuôi nó đến khi nó trưởng thành. Từ nay tao cấm mày không được chửi bới, xúc phạm đến cháu tao nữa.

Nào con Bống của bà. Từ nay con ở với bà nhé. Bà con mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chẳng bao giờ bà mắng con...

(Kiến thức gia đình số 28)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm