Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đối với Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 diễn ra ngày 12/1, tại Hà Nội.
Khó giải ngân vì Covid-19
Trong năm 2020, do thay đổi cơ chế giao kế hoạch vốn theo Nghị định số 132/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ và Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ nên công tác điều hòa nguồn vốn giữa các dự án trong Ban cũng như tại các địa phương gặp khó khăn.
Công tác giải ngân gặp nhiều vướng mắc do chịu tác động của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tiến độ thi công cũng như công tác hiện trường của các tiểu dự án.
Năm 2020 là năm thực hiện nhiều chính sách mới trong công tác quản lý nguồn vốn nhà nước như: Luật đầu tư công sửa đổi năm 2019, Luật quản lý nợ công, Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài… nên quá trình chuẩn bị đề xuất của các địa phương còn nhiều lúng túng dẫn đến công tác xây dựng dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Ban quản lý các dự án Nông nghiệp đã đề nghị các địa phương tiếp tục đôn đốc, quan tâm thực hiện các tiểu dự án VnSAT, giải ngân được 1.600 tỷ đồng trong thời gian gia hạn, phát huy hiệu quả của dự án.
“Đề nghị Vụ Hợp tác Quốc tế tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và xây dựng kế hoạch cùng Ban trong xây dựng đề xuất các dự án viện trợ không hoàn lại. Đây là điểm yếu của Ban trong thời gian qua. Ngoài ra, tôi đề xuất Bộ hướng dẫn, xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý trong giai đoạn mới không còn dự án ODA”, ông Lê Văn Hiến đề xuất.
Dứt điểm dự án cũ, sát sao dự án mới
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả đạt được, biểu dương quá trình vượt khó của Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng, năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt với bối cảnh dịch bệnh, thiên tai nên Ban đã bị tác động mạnh và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của Ban.
Ngoài ra Ban quản lý các dự án Nông nghiệp còn quản lý đa dạng các lĩnh vực, có cả dự án trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kinh tế hợp tác, đầu tư, thủy lợi… nên rất khó và phức tạp. Nhưng Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đã tập trung dồn nguồn lực để thực hiện tốt các dự án, đặc biệt là các dự án đã và đang kết thúc.
“Tôi đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, viên chức, người lao động của Ban, đặc biệt là đồng chí Trưởng ban Lê Văn Hiến. Năm 2020 chúng tôi cũng dành nhiều thời gian để cùng các đồng chí đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Nhiều dự án có chất lượng cao như dự án VnSAT. Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao những mục tiêu đã đạt và vượt của dự án và những tác động tích cực của dự án VnSAT đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là tác động tức thời đến tái cơ cấu 2 ngành hàng chủ lực của Việt Nam là gạo và cà phê. Năm 2020 cả lúa gạo và cà phê đều có chuyển biết rõ rệt theo hướng nâng cao giá trị bền vững”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Cho đến nay chỉ còn 1 dự án đang thực hiện là dự án VnSAT, các dự án khác đã và đang kết thúc. Đồng thời từ năm 2021 có nhiều thay đổi về cơ chế, quy định, pháp luật, vốn ODA… nhưng Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đã thích ứng tốt với điều này, đặc biệt là chủ động xây dựng các dự án mới, giữ ổn định tinh thần, quyết tâm của các cán bộ, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chỉ ra những hạn chế của Ban như: Một số dự án vẫn còn bị động, vấn đề giải ngân chưa được đồng đều, chậm; việc phối hợp thực hiện giữa các Cục, Vụ, địa phương... có lúc còn chưa tốt; nhiều địa phương còn khó khăn trong việc phối hợp...
Từ đó, Thứ trưởng đã chỉ ra những lưu ý mà Ban quản lý các dự án Nông nghiệp cần quan tâm trong thời gian tới: “Những dự án đã hết hạn mà chưa khép lại cần tập trung cao độ để giải quyết gọn gàng, sạch sẽ, không để dây dưa, tồn đọng. Dự án VnSAT tuy vậy nhưng khối lượng rất lớn, khó, không hề đơn giản. Chúng ta chỉ còn 1 năm rưỡi và còn 1.600 tỷ đồng phải giải ngân, hơn 100 tiểu dự án phải hoàn thành nên Ban cần quyết liệt và chú trọng hơn. Phải tổ chức họp ngay 2 cuộc họp lúa gạo và cà phê để đốc thúc tiến độ".
Đối với các dự án mới, cần phải tích cực hơn nữa, đặc biệt là Dự án phát triển thủy sản bền vững và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu… phải cố gắng được phê duyệt trong năm nay; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ cũng như các địa phương để theo sát các dự án mới khác.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh mới, số dự án ngày càng ít đi, nếu có cũng không thể được như trước, cộng thêm thay đổi về các quy định, cơ chế… Do đó, Ban phải chủ động xây dựng đề án đổi mới hoạt động của Ban để phù hợp với tình hình mới.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ hơn trong vấn đề hướng dẫn, tham mưu đẩy nhanh tiến độ những dự án đang thực hiện, hoàn thiện những dự án đã kết thúc, đặc biệt là các dự án mới.
Năm 2020, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đã và đang chuẩn bị đề xuất 06 dự án, trong đó đã 03 dự án đã được Bộ ký văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính là (i) Dự án Phát triển Thủy sản bền vững; (ii) Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH và Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn.
Các dự án đang xây dựng đề xuất gồm: (i) Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi Nông nghiệp thích ứng BĐKH vùng ven biển ĐBSCL (vốn vay ADB) với tổng số vốn dự kiến đề xuất là: 250 triệu USD, (ii) Dự án Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp (vốn vay WB) với tổng giá trị đề xuất khoảng 350 triệu USD.
"Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để nhân rộng, lan tỏa các mô hình, dự án tốt, hiệu quả và những tác động của dự án. Việc truyền thông hoạt động, hiệu quả, tác động của dự án VnSAT thời gian qua cho thấy hiệu quả rất tốt. Ngoài ra cũng cần chủ động thành lập, chuẩn bị các dự án mới và phối hợp tốt hơn với các địa phương, các cơ quan liên quan", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT).