Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cảnh báo rằng bao bì sử dụng một lần vẫn góp phần tạo ra lượng khí thải carbon lớn cho nhiều loại đồ uống.
Công nghệ blockchain đang được sử dụng để theo dõi chuỗi cung ứng các loại bia “từ người nông dân đến người tiêu dùng cuối cùng”, Erik Novaes, Phó Chủ tịch thu mua và phát triển bền vững của Công ty sản xuất đồ uống & bia AB InBev, giải thích trong một sự kiện gần đây do EURACTIV tổ chức.
Theo Novaes, bằng cách tích hợp các công đoạn sản xuất dọc theo chuỗi cung ứng vào các khối (block) có kết nối với nhau, có thể thu thập đầy đủ thông tin về vòng đời của đồ uống.
"Thông tin này sau đó có thể được sử dụng để nâng cao hiệu quả và làm cho quá trình sản xuất vững chắc hơn", ông nói và đưa ra ví dụ, chẳng hạn như hợp tác “cùng với nông dân làm tăng tính bền vững và năng suất".
Công nghệ chuỗi blockchain có thể thu thập dữ liệu một cách có hệ thống và sau đó lưu trữ dữ liệu theo cách khó bị hack hoặc bị can thiệp. Những đặc điểm này rất có giá trị trong một lĩnh vực đòi hỏi cần có tính minh bạch và xuất xứ.
Tuy nhiên, Barry Ness, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu tính bền vững của Đại học Lund (Thụy Điển), cảnh báo rằng công nghệ này có thể có nguy cơ khiến các nhà máy bia nhỏ bị bỏ lại phía sau. Ness bày tỏ nghi ngại rằng một hệ thống tích hợp như vậy có thể “đưa đến sự thất vọng”.
Hơn nữa, "các nỗ lực phát triển bền vững sẽ cần được đẩy mạnh để thực hiện các cam kết của thỏa thuận Paris", Ness phân tích.
Đạt được sự tuần hoàn
“Theo các nghiên cứu mà tôi đã xem xét, chúng tôi thực sự cần một số loại thay đổi đột ngột, có tính chất chuyển đổi,” Ness nói trong sự kiện và nói thêm rằng sẽ cần cắt giảm 55% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030, theo một số ước tính.
Để đạt được mức cắt giảm phát thải này và đưa ngành sản xuất bia và đồ uống phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn, William Neale, cố vấn về nền kinh tế tuần hoàn tại Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh rằng cần phải có các biện pháp đảm bảo sản xuất bền vững trong suốt vòng đời của sản phẩm.
Các nguồn lực đi vào sản xuất đồ uống sẽ cần được sử dụng hiệu quả hơn, trong khi cần phải tìm cách tận dụng các sản phẩm phụ một cách phù hợp hơn. Ông nói thêm trong cuộc tranh luận rằng cũng nên giải quyết việc tái chế chất thải hiệu quả hơn.
Vào tháng 3 năm 2020, Ủy ban châu Âu từng công bố một kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, trong đó đặt mục tiêu giảm một nửa rác thải đô thị vào năm 2030. Hơn nữa, theo chiến lược này, tất cả bao bì được đưa vào thị trường EU được thiết lập để có thể tái sử dụng hoặc tái chế một cách kinh tế vào năm 2030.
Theo Ủy ban châu Âu, một nửa tổng lượng phát thải khí nhà kính ở châu Âu bắt nguồn từ việc khai thác và chế biến tài nguyên. Kế hoạch này được thiết lập để đóng góp quan trọng vào việc đạt được sự trung hòa về khí hậu vào năm 2050.
Tính bền vững của kính sử dụng một lần
Đối với lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, chính sách hàng đầu của EU, "Farm to Fork", cũng nhằm đóng góp vào một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách ngăn ngừa lãng phí và thất thoát lương thực.
Tuy nhiên, cho đến nay, chất thải và tái chế vẫn là yếu tố chính làm tăng lượng khí thải carbon của các sản phẩm bia và đồ uống khác, theo Larissa Copello từ Zero Waste Europe.
“Ngày nay, hầu hết tất cả các lĩnh vực đều phụ thuộc vào bao bì sử dụng một lần và điều đó kéo theo việc thải ra rất nhiều khí thải carbon, bà nói. “Đã có rất nhiều dữ liệu đáng tin cậy cho thấy hệ thống tái sử dụng không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội, bao gồm tiết kiệm chất thải và tiết kiệm năng lượng, ngoài việc tiết kiệm phát thải CO2”.
Theo một nghiên cứu gần đây của Zero Waste Europe, một chai thủy tinh có thể tái sử dụng tạo ra ít khí thải carbon hơn 85% so với chai sử dụng một lần.
Tuy nhiên, Adeline Farrelly từ Liên đoàn Thủy tinh Container châu Âu (European Container Glass Federation - FEVE) nhấn mạnh thủy tinh là vật liệu “hoàn toàn có thể tái sử dụng và có thể tái chế vô hạn”.
“Chúng tôi phải thừa nhận rằng thủy tinh và thùng chứa vỏ chai đã được thu gom thành công để tái chế trong nhiều thập kỷ”, Farrelly nói và nói thêm rằng thủy tinh là “cách thu gom hàng loạt hiệu quả hơn”.
William Neale của Ủy ban châu Âu kết luận, nói chung, để đạt được sự chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong ngành đồ uống, cần có một cách tiếp cận có hệ thống trong xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đối với mục tiêu cần có cách tiếp cận hệ thống trong xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng, công nghệ blockchain có thể “cực kỳ hữu ích”, ông nói.
"Các ví dụ từ lĩnh vực dệt may và xe điện đã cho thấy cách các tác nhân trong chuỗi giá trị có thể kết hợp với nhau để giúp chứng minh tính bền vững của sản phẩm", Neale kết luận.