| Hotline: 0983.970.780

Cách Hà Nội 40km có một 'bản người rừng': Đường vào xứ sở bị lãng quên

Thứ Hai 12/12/2022 , 10:00 (GMT+7)

Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 40km, nhưng xóm ở biệt lập trên núi, không có nước, không có đường, không có sóng điện thoại, không có ánh đèn đường.

Nửa chìm trong hoang phế

Điện lưới cũng chỉ mới kéo lên đây được có vài năm. Do dính phải quy hoạch treo nên gần 20 năm nay người dân trong xóm không được xây dựng, cải tạo nhà cửa, một nửa đã trở về làng cũ, chỉ còn lại những ngôi nhà hoang cùng những trung niên, người già. Đêm đêm họ ra ngồi ở mỏm đá đầu xóm, phần để “hứng” sóng điện thoại, phần để ngắm thành phố Hà Nội về đêm với tòa nhà Keangnam và những cao ốc sáng lấp lánh như ánh sao sa trên trời.

Đó là cảnh ở khu kinh tế mới Ắng Bằng ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Tôi có thể là nhà báo đầu tiên tới “bản người rừng” đó để ăn, ngủ cùng bà con một đêm. Từ xã lên chỉ thấy dốc và dốc, ngoằn nghèo như một con trăn đang trườn trên sườn núi. Cung đường này gợi cho tôi nhớ tới nhiều bản làng ở vùng cao biên giới, toàn là đất, lồi lõm, mấp mô, có một số chỗ dân đổ tạm ít xi măng như cái gờ sống trâu ở giữa, rộng chỉ hơn gang tay, vừa đủ lọt bánh xe máy.

Empty

Tác giả cùng với ông Bùi Xuân Biền ngồi ở hòn đá đầu xóm để trò chuyện. Ảnh: Nguyễn Văn Hiệu.

Trong ráng chiều vàng vọt, Ắng Bằng cũng dần hiện ra với những bức tường bao, những ngôi nhà, gian bếp được xây bằng đá, rêu phong phủ mờ. Quá nửa trong số đó từ nhiều năm đã không có hơi người, cỏ mọc trùm kín cả mái, cỏ mọc lút cả sân. Không có tay người chăm, cây trong vườn cũng chết dần, chết mòn.

Những ngôi nhà còn lại, thường chỉ có một đến hai người, lúc thì ở dưới làng, khi thì ở trên này nên lối đi cũng gần như không thấy dấu chân. Thứ đáng giá nhất của những hộ dân này là những cái bể để hứng nước mưa, dùng dè sẻn cho cả năm trời.

Ông Bùi Xuân Biền, 85 tuổi, là đảng viên duy nhất của xóm kể, ngày trước tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ và Hòa Bình) tổ chức nhiều đợt đưa dân đi kinh tế mới ở trong Nam hay lên miền núi phía Bắc. Năm 1990 thì có đợt đưa dân nội tỉnh mà trước hết là ưu tiên nội xã của Tuy Lai, huyện Mỹ Đức lên Ắng Bằng. Ông được cử làm trưởng nhóm, dẫn đầu 10 hộ dân của các thôn, nhưng lên đến nơi có 3 hộ đã bỏ về luôn, không thèm nhận đất vì thấy nó quá hoang vắng.

“Người đứng cách nhau 10m có khi còn không rõ mặt bởi cây cối mọc rậm rạp xen lẫn từng chòm nương sắn rộng chỉ như manh chiếu hợp tác xã chia cho xã viên làm. Chuột trên núi có những con nặng đến 1kg, chuyên đào củ để ăn nên có khi trồng sắn mà chẳng được thu hoạch”, ông Biền kể.

Empty

Ông Bùi Xuân Biền bên một ngôi nhà hoang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 1992, chính quyền lại tổ chức đi kinh tế mới đợt hai với 12 hộ dân. Lần này không có ai bỏ về ngay mà đều bám trụ lại. Cả hai đợt di dân kinh tế lên Ắng Bằng đều là những hộ nghèo hay đông con. Lúc thuyết phục họ đi thì chính quyền hứa hẹn rất nhiều nhưng khi lên đó chỉ cho 1 tháng gạo ăn thay vì 6 tháng. Còn lời hứa xây cho mỗi hộ 1 cái bể nước 1m3 lại bảo như đánh đố rằng mang được cái bể xi măng nặng cả tấn dùng để ủ mạ của HTX lên được trên núi thì mang trong khi không hề có đường.

Những người đi kinh tế mới phải tự vác gạch, sắt, gánh vôi trên những đôi vai trần, còn đá thì tự khai thác tại chỗ, cát không có phải lấy vụn đá để thay thế. Ngay cả những nương rẫy được chia cũng lổn nhổn đá, hòn nhỏ nhặt về xây nhà hay xếp thành tường rào, hòn to thì bốc ít đất bỏ vào hốc rồi rắc ít tro trồng vào đó vài gốc sắn hay ngô.

“20 năm tôi đi bộ đội, đánh Mỹ cũng có nhưng chưa bao giờ gian khổ như hồi về quê, đi kinh tế mới. Đợt đầu 7 nhà đang xây lưng lửng thì đổ cả 7 vì mưa, gió to mà tường thì xây toàn bằng vôi, không có người che đậy. Tôi phải trùm tấm ni lông lên cái xe bò rồi ngủ dưới gầm trong 2 - 3 tháng để hễ xây nhà đến đâu, gặp mưa gió là che tới đó.

Vậy mà nhà tôi vẫn đổ lần thứ hai, nhiều nhà đổ lần thứ ba, còn chuyện tốc mái là hết sức bình thường vì trên núi gió to lắm. Năm 1992 tôi mới đổ mái bằng cho gian bếp để khi có gió thì chui xuống đó như chui xuống hầm chữ A thời chiến tranh chống Mỹ vậy", vẫn chuyện ông Biền. 

Empty

Một ngôi nhà hoang bị cây dây leo bò khắp mái. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Đêm đến nhìn xuống dưới làng, thấy ánh đèn sáng, nhìn lại trên núi thấy tối đen như mực, chúng tôi càng nghĩ càng thấy tủi thân”, ông Bùi Xuân Biền tâm sự.

Gia cảnh một hộ điển hình của xóm

Chị Phùng Thị Sáu nhớ lại, thủa ban đầu thân đèn dầu được chế từ cái lọ mực, chao là chai bia cắt ra. Lúc đó con còn nhỏ, gạo chẳng có mà ăn nữa là mua dầu, vợ chồng chị chỉ dám thắp đèn lúc chập tối để ăn cơm rồi tắt ngay vì sợ tốn. Buổi chị trở dạ đứa út, anh đang đi mua ngói để lợp nhà, mình chị lặc lè bụng dạ xách cái đèn chai tù mù giữa đêm đi gọi bà hàng xóm đến đỡ. Trong xóm, người đẻ cuối cùng tại nhà như thế là vợ anh Thao, giờ đứa bé đã vào quãng 10 tuổi.

Nhưng cũng có khi cái đèn chai phải leo lét thắp đến tận 11 - 12 giờ đêm vào những vụ sắn, ngồi thái đến rã rời tay. Sắn thái xong ban ngày mang ra ngoài bãi phơi vì không có sân, đến tối dưới ánh trăng sao lại phải nhặt từng miếng về vì sợ mưa, được cái miếng sắn thì trắng, nền đất thì đen nên cũng dễ phân biệt. Phơi 3 nắng như thế sắn mới đủ khô để bán đi lấy tiền đong gạo nhưng có khi đến hôm cuối cùng lại gặp phải cơn mưa bất ngờ, mốc hết. Nhưng “việc giời giời làm, việc mình mình làm”, muốn khóc cũng không được.

Empty

Trạm y tế của Ắng Bằng bị bỏ hoang từ lâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hè, chị Sáu lấy mo nang của cây bương làm quạt, rã rời cả tay mà đám trẻ con vẫn rôm sẩy cùng mình, đầu mọc toàn mụn đầu đinh, khóc quấy cả đêm. Nhà chị là cơ cực nhất xóm, đất nương toàn sỏi đá, không có tiền mua phân vợ chồng phải vào các bản người Dao ở huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình để cắt lúa nương giúp, rồi xin rơm đốt thành tro, gánh về mà bón cây.

Cứ 2 - 3 giờ sáng là vợ chồng chị lại đi bộ trong bóng đêm, hành trang mang theo là nắm cơm độn sắn và nhúm muối vừng. “Hồi ấy người dân tộc nhưng họ có cơm trắng mà ăn còn chúng tôi phải ăn cơm độn nên đợi người ta về hết mới dám giở cái lá chuối gói nắm cơm ra, chứ cũng không có cặp lồng để đựng. Khát thì lấy lá chuối khum lại mà múc nước suối để uống.

Một lần tôi thấy buổi trưa mà người ta cứ đi từng tốp ra suối, không biết làm gì mới tò mò đến gần để xem. Họ hồn nhiên tụt quần, tụt váy vừa ngồi vệ sinh bên bờ suối vừa nói chuyện với nhau, xong việc còn lấy tay vục nước lên mà rửa. Thấy thế tôi nôn luôn tại chỗ. Lần sau, dù khát mấy vợ chồng tôi cũng không dám uống nước suối nữa mà vào bản xin nước uống”, chị Sáu hồi ức.  

Empty

Đường lên Ắng Bằng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lắm buổi chị thồ 2 sọt sắn hay 2 sọt khoai sọ rời Ắng Bằng từ lúc 2 - 3 giờ sáng, xe đạp xuống dốc vừa đi vừa đổ vì đá chắn lối, đá ngăn đường, đến tận Ba Thá cách nhà ngót 20km lúc trời vừa tang tảng. Chồng chị vì nhà nghèo, không có xe đạp nên không biết đi, toàn phải đi bộ. Đến tận năm 2005 khi anh bị mắc ung thư chết lúc 35 tuổi cũng chưa biết đi xe đạp.

Bố mẹ chị thì có xe nên chị mới biết đi. Chiếc xe đạp duy nhất của nhà lúc 3 đứa con đi học, chị Sáu đành phải nhường lại cho chúng, lại đi bộ. Đến quãng năm 2000 gia đình mới không phải ăn độn nhờ bán ngô, bán khoai sọ đổi lấy gạo ăn thì chỉ năm 2005 chị lại chịu cảnh góa bụa. Chồng chết, không có người đi chăn, đàn dê 40 con chị đành phải bán để mua chiếc Honda dream. Cậu em tập cho chị mấy đường ở sân kho dưới làng Quýt thế là cứ thế ngồi lên vượt dốc mà về đến xóm.

Empty

Một đỉnh núi của dãy Ắng Bằng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Sáu được cái mạnh bạo còn biết đi xe máy chứ như ông Biền sau 2 lần tập, phanh không biết toàn đâm vào bụi cây mới chịu dừng lại nên đành bỏ cuộc, trở về với đi bộ. Các nhà khác cũng khó khăn tương tự, quanh năm phải ăn cơm độn sắn, chỉ ba ngày Tết mới có cơm trắng.

Mỗi dịp World Cup cánh đàn ông rủ nhau ăn thật sớm rồi cắt lối tắt trên rừng, đi bộ xuống núi tới mấy bản của xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình mất khoảng hơn 1 tiếng để xem bóng đá vì dù sao cũng còn nhanh hơn là xuống làng. Không ti vi, những tối không có bóng đá cả xóm chỉ có cái đài sông Hồng của nhà ông Biền chạy pin, người già, trẻ con tối tối xúm đông, xúm đỏ lại để nghe tin tức. (Còn nữa)

Dân của Ắng Bằng phải chịu cảnh đèn dầu đến tận năm 2003 mới mắc nhờ một đường dây điện của bộ đội. Nhưng cả xóm cùng đấu vào nên điện yếu đến nỗi không chạy được tủ lạnh, quạt cũng không quay nổi khiến cho ai cũng tưởng là hỏng, mang đi sửa mới vỡ lẽ ra nguyên nhân. Phải đến năm 2016 điện lưới mới được kéo chính thức lên xóm, tivi đen trắng dần được thay thế bằng tivi màu.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.