Bí quyết giải độc rắn bằng đít gà con
Chẳng phải riêng anh sợ mà cánh thợ săn người Mường ở tỉnh Hòa Bình dịp nọ lên núi cũng vội tụt xuống, mặt mày tái mét cả. Trên tay họ là cái xác rắn hổ mang chúa vừa lột, chỗ rộng nhất banh ra được gần hai gang tay. Nếu chẳng may đụng phải nó ở trên núi thì chỉ có cửa chết chứ không còn cửa sống.
Anh Toán hay còn gọi là Ba Sậu - 58 tuổi là cư dân đợt hai của khu kinh tế mới Ắng Bằng ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Chính tay anh đã bắt được vô số rắn trong đó có con nặng hơn 5kg ở trong vườn na nhà mình: “Tôi lấy thanh sắt phi sáu có cái chạc chữ y ở đầu, chuyên dùng để bắt rắn chẹt vào đầu nó rồi tì chặt xuống đất. Nhưng bởi con rắn quá khỏe nên giẫy giụa làm cho thanh sắt cong lên, thoát ra được, quay lại tấn công hai vợ chồng khiến cho chúng tôi phải chạy theo hình chữ chi quanh các gốc na để tránh.
Nó treo cổ (dựng đứng nửa thân trên lên - PV) chạy một hồi mỏi quá mới hạ thân, cúi đầu xuống, không đuổi nữa. Thừa cơ hội, tôi lại dùng thanh sắt tì vào đầu nó ấn xuống. Nó thở phì phì, giương cặp mắt lấc láo như hạt na, óng ánh, nom rất sợ. Mới đây, đang lên núi Con Cò lấy dây rừng về làm thuốc thì tôi bỗng nghe tiếng bịch, tưởng ai vần đá dọa, quay lại mới thấy một đống lù lù to bằng cái mâm.
Đó là con rắn hổ mang chúa, chắc đang bám vào cành cây khô thì bị gãy, rơi xuống. Đầu nó chạm đất nhưng đuôi vẫn còn móc ở trên cây, thân to như cái lốp xe máy, dài cỡ 6m, theo tôi ước lượng phải nặng 12kg. Sau khi rơi xuống, nó ngóc đầu lên mà đã cao bằng đầu tôi. Thành đá cao hơn đầu tôi mà ở dưới đất nó ngóc cổ cái là bám được vào luôn, bò đi thoăn thoắt trên vách đá. Nếu ở chỗ đất bằng tôi đã chạy vòng quanh để nó đuổi theo, khi nào mệt thì lấy cái que tì vào đầu là bắt được rồi nhưng ở trên núi thì chịu”.
Giờ nói cứng vậy thôi chứ mấy người ở “bản người rừng” Ắng Bằng hôm xóm thuê máy xúc lên đào chỗ con đập đều thấy vẻ mặt hớt hải của anh Toán khi chạy xuống từ núi Con Cò và lời kể lạc cả giọng vì sợ hãi. Bình thường hễ thấy rắn là anh bắt phát một nhưng buổi đó đúng là kỷ niệm nhớ đời. Mang từ góc buồng nhà ra cái bình rượu nhỏ bên trong có 5 con rắn gồm cặp nia, cặp nong, hổ mang đen, hổ mang trắng và săn chuột, anh bảo: “Tuổi của chú chưa nên uống rượu rắn hay cao trăn bởi tuy uống vào khỏe xương cốt nhưng lại yếu sinh lý đấy”.
Vợ chồng anh khi mới lên núi đẻ được hai người con, về sau kinh tế bớt khó khăn muốn có thêm đứa nữa nhưng cố gắng mãi mà không thành. Đi khám bác sĩ, tốn bao tiền thuốc cũng thất bại. Thấy lạ bởi vợ chồng anh vẫn “sinh hoạt” đều được, bác sĩ mới hỏi anh có uống rượu rắn không, anh Toán thực thà kể rằng có uống trong mấy năm liền từ 1992 - 1997, hầu như hôm nào cũng vài chén, đôi lúc vui với bạn bè uống đến say thì thôi.
Ông bác sĩ nghe xong mới à lên một tiếng: “Thảo nào! Lũ rắn nó đã ăn hết đám “nòng nọc” của anh rồi. Giờ tôi cũng bó tay rồi”. Bực mình quá, anh về nhà đổ hết cả bình rượu 20 lít trong đó ngâm cỡ 10kg rắn đang uống dở đi. Tuy nhiên, sau này nghĩ mình đằng nào chẳng đã vô sinh rồi nên gặp rắn anh lại tiếp tục bắt để ngâm rượu uống. Nhờ nó mà anh đi xay đá hay bê đá không biết đau lưng là gì dù năm nay đã ngót 60 tuổi.
Ngoài kinh nghiệm bắt rắn, anh còn có bí kíp chữa nọc độc rất hay: “Bị rắn cắn cứ túm lấy con gà rồi dí đít nó vào chỗ vết cắn. Gà chết con này lại thay con khác vào, khi nào thấy không còn chết nữa là nọc độc đã hút được hết. Tôi chưa bị rắn cắn bao giờ nhưng dịp con chó của nhà đi theo lên núi săn rắn, lúc về cứ thấy nó rên ư ử. Tôi bới lông chỗ bả vai nó ra thấy vết cắn có bốn cái lỗ răng, hai cái trên to, hai cái nhỏ dưới biết ngay là rắn độc.
Tôi nhổ hết lông chỗ đó ra rồi bắt gà dí đít vào vết cắn. Đít gà mấp máy mấy cái là nó đã chết rồi, lại phải thay con khác. Mất 7 con gà bằng cái nắm tay như thế, đến con thứ 8 không chết nữa thì con chó cũng khỏi. Hổ mang chúa khi cắn vào ai thì chỉ khoảng 1 giờ là chết, con mà to 12kg như trên núi Con Cò, 2 cái răng bơm nọc độc của nó phải to cỡ nanh con chó thì chỉ một chốc là chết người ngay nếu không có sẵn cả đàn gà ở đấy để áp đít vào vết thương mà hút độc”.
Ông Bùi Xuân Biền năm nay 85 tuổi, trưởng nhóm di dân đợt đầu của khu kinh tế mới Ắng Bằng kể hồi nhỏ ở dưới làng, đã nghe bảo trên núi có nhiều loại thú dữ như hổ, báo, còn sơn dương mãi năm 1991 - 1992 cánh thợ săn ở mấy xã của tỉnh Hòa Bình giáp ranh đuổi chúng vẫn còn chạy lên. Hồi ông mới lên đây lập nghiệp, các loại cầy bạc má, chồn, vượn, sóc, dúi nhiều vô kể, đi một lúc là có thể bắn được vài con, giờ chỉ còn gà rừng, sóc, chồn, trăn và hổ mang chúa.
Rắn hổ mang chúa tuy là kịch độc nhưng cũng rất nhát, chỉ đột ngột va chạm phải mới cắn. Con hổ mang chúa to nhất mà anh Toán cùng cánh thợ săn Hòa Bình thấy sống ở thung Thiên. Thi thoảng người đi rừng nghe tiếng sột soạt trong búi lau, tiến đến xem, thấy động là nó ngóc cổ lên cao bằng với đầu người và bỏ chạy. Người thấy rắn kích cỡ lớn như thế cũng bỏ chạy, theo hướng ngược lại.
Chỉ mấy tháng mà dân trong xóm đã sáp mặt tới 3 con trăn. Con thứ nhất khá nhỏ bị phát hiện khi mò vào chuồng gà; con thứ hai rất to bị phát hiện khi đang bơi dưới hồ để tìm cá ăn; con thứ ba cũng to không kém, bị phát hiện khi đang bò ở trên núi.
Người mơ đem lại ánh sáng cho Ắng Bằng
Khi tôi viết những dòng này thì bóng tối vĩnh cửu ở đầu khu Ắng Bằng đã bị đánh bật vì có cột đèn đường đầu tiên bằng năng lượng mặt trời do anh Nguyễn Văn Hiệu kêu gọi cộng đồng cùng đóng góp. Anh quê ở xã Tuy Lai, được đào tạo về ngành xã hội học trong trường đại học, tốt nghiệp xong đi làm tự do, thỉnh thoảng lại tham gia vào các dự án phát triển cộng đồng.
Ở dưới làng, Hiệu lọ mọ dọn rác, dọn cống, khơi thông dòng chảy. Dọn rác ven đường xong để tránh tình trạng dân lại vứt ra tiếp, anh bàn với các hội, đoàn thể trồng hoa vào đó. Từ những đoạn nhỏ dần lan ra cả xã, cứ tuyến đường nào hai bên trống thì lại trồng hoa. Thấy tuyến đường liên thôn hay có tai nạn vì quá tối, anh viết đơn trình UBND xã cho phép được huy động vốn xã hội hóa để lắp bóng đèn năng lượng mặt trời. Đầu tiên chỉ dự kiến 4 - 6 bóng, sau cuộc vận động trên facebook giờ đã được 12 bóng.
“Sau khi làm việc ngoài xã hội, tôi muốn đóng góp một chút sức lực cho quê hương. Cách đây 2 năm quê tôi có 2 sự cố môi trường: Thứ nhất là lò đốt rác linh kiện điện tử gây ô nhiễm nhiều xã của huyện Mỹ Đức và mấy xã của tỉnh Hòa Bình, khi chính quyền vào cuộc mới dập tắt được.
Thứ hai là tình trạng đốt các bãi rác ở quê, người dân chặn không cho đổ rác nữa nên tồn đọng lại ở các khu dân cư gây ô nhiễm. Như bây giờ rác cũng đang cháy nên sắp tới tôi sẽ mở HTX dịch vụ môi trường, thay đổi hẳn về cách xử lý rác, chất thải chăn nuôi tại địa phương chứ như hiện nay họ đang biến chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm lớn, chuyển các đống rác nhỏ thành đống rác to, không ai để ý đến xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn”, anh tâm sự.
Chương trình nông thôn mới rộng khắp Hà Nội nhưng riêng “bản người rừng” trên dãy Ắng Bằng bị lãng quên. Mấy năm trước anh mua lại mảnh đất của một cựu cư dân ở đây và muốn xin chính quyền cấp sổ đỏ cho cả xóm, sau đó phát triển du lịch cộng đồng.
“Hiếm có khu vực nào ở Hà Nội mà trên núi lại có thung lũng bằng phẳng, rộng khoảng 20ha và mát như Ắng Bằng, thêm vào đó dưới núi lại có những hồ nước rất đẹp. Tôi muốn làm du lịch cộng đồng bởi mong người dân có sinh kế vì nếu có dự án gì, nhận tiền đền bù rồi trở về họ đã quá độ tuổi lao động, kiếm việc khác là rất khó. Trong mơ ước của tôi, Ắng Bằng sẽ là điểm du lịch, giải trí không chỉ của địa phương mà còn cả Hà Nội. Gần đây cũng có một số nhóm du lịch lên đây nhưng chỉ là ban ngày, còn đêm đến, không có đèn chiếu sáng, đường xấu nên họ lại về.
Nếu mà ý tưởng du lịch cộng đồng của tôi được chính quyền chấp thuận, có đường lên, mọi người sẽ đóng góp hiến đất để mở rộng đường, trồng dược liệu, làm du lịch. Như bản thân tôi đang sưu tầm các nông cụ ở vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng núi như cày, bừa, cối đá, cân… để chuẩn bị mở điểm du lịch đầu tiên trên Ắng Bằng”, anh Nguyễn Văn Hiệu tâm sự. (Hết)
Theo anh Nguyễn Văn Hiệu, điểm yếu nhất hiện nay là việc huy động cộng đồng cùng tham gia để tăng độ lan tỏa, duy trì sự bền vững nên anh thường khởi nên việc đó.