| Hotline: 0983.970.780

Cách Hà Nội 40km có một 'bản người rừng': Những ngôi nhà chỉ có một người sinh sống

Thứ Ba 13/12/2022 , 06:05 (GMT+7)

Trời sập tối, cả 'bản người rừng' tức khu kinh tế mới Ắng Bằng thuộc xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội không một tiếng động nào ngoài tiếng côn trùng trên núi.

“Vòng kim cô” xiết chặt trên đầu dân Ắng Bằng

Bài liên quan

Có những tuần chỉ có vài người đi qua xóm nên khi thấy tôi đến, ngay cả con chó nhà ông Bùi Xuân Biền cũng không phân biệt quen lạ gì mà cứ xoắn lấy mà liếm vào chân, ngoáy đuôi mừng rỡ. 32 năm ở cái xóm núi này ông bảo chẳng có trộm cắp bao giờ, cửa nhà thường là không đóng vì hẻo lánh và quá nghèo.

Nhà ông còn một cây cau và một giàn trầu là di sản của người vợ quá cố để lại. Con cháu lớn lên đi hết, ngày ngày ông lủi thủi trong nhà, ngoài sân cùng chú chó nhỏ, cũng chẳng mấy khi ra đến vườn, bởi thế cỏ đã mọc um tùm, tiến sát vào nhà. Nhà hàng xóm giáp ranh, chị Phùng Thị Sáu cũng đơn chiếc như vậy. Giờ 3 đứa con của chị đã lớn, xuống ở dưới làng, mình chị trên này với đàn lợn 5 con to, 9 con nhỡ, 1 bò mẹ, 100 gà, ngỗng cùng lũ chó: “Mỗi lần đứa cháu tôi đi học hay đi chơi ở dưới làng là bọn trẻ xúm lại trêu: “A, tộc về, tộc về chúng mày ơi”. 

Empty

Căn nhà của ông Bùi Xuân Biền. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xóm trên còn 5 hộ, còn xóm dưới còn 4 hộ nữa trên tổng số 21 hộ cư dân gốc của Ắng Bằng, còn lại là đã khóa cửa, về làng. Ngoài những hộ đi kinh tế mới, xóm có gần chục hộ mua lại đất sau này hay 4 anh em Bản, Doanh, Ba, Tư làm nghề chăn dê, lập trại sống ở đây đã ngót 20 năm. Tất cả bầu anh Phùng Văn Bằng làm trưởng khu.

Xưa khu còn có cả nhà mẫu giáo với 1 cô giáo để trông 5 - 6 đứa trẻ vỡ lòng; Trạm sơ cứu với 1 y sĩ. Giờ tất cả đều chỉ là những di tích hoang phế. Câu chuyện bắt đầu từ quy hoạch 1/500 ngày 24/6/2008 của tỉnh Hà Tây cũ do Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng ký cho công ty An Dưỡng Đường đầu tư khu làng dưỡng sinh và du lịch sinh thái Tuy Lai - Mỹ Đức.

Trong đó có hàng trăm biệt thự, vườn thú, vườn chim, vườn cây nhiệt đới… tổng diện tích lên tới 1.120ha. Người ta đã đo đạc nhà dân, chuẩn bị đền bù cây, hoa màu trong vườn, ngoài nương. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau khi Hà Tây cũ sáp nhập vào Hà Nội, dự án đã bị treo vô thời hạn, trở thành một vòng kim cô thắt chặt lên đầu người dân Ắng Bằng mà không ai biết câu thần chú để cởi bỏ.

Empty

Bưởi rụng đầy vườn nhà ông Bùi Xuân Biền vì không có người để cho. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Từ đó đến nay cả xóm không hề được xây dựng, sửa chữa, đầu tư bất cứ cái gì, ngay đến cả sổ đỏ cũng chưa có. Giờ sắn rẻ, vận chuyển khó nên không ai trồng, mọi cây lương thực khác cũng thế, chỉ còn vườn cây ăn quả, na, bưởi, cam nhưng chẳng có người chăm cứ chết dần, chết mòn.

Trước còn có người lên mua bưởi nhưng mấy năm nay chẳng có ai vì ở chỗ nào cũng có bưởi. Hơn 10 gốc bưởi cả chua, cả Diễn, 60 gốc nhãn của vườn nhà tôi đến mùa sai trĩu trịt, cứ thấy ai đi qua đều gọi vào để trẩy ăn tùy ý. Thế mà bưởi vẫn rụng đầy dưới đất vì chín quá. 

Đường lên vất vả, chỉ một trận mưa là không đi được xe máy nữa do đất lở. Mỗi năm mấy lần bà con Ắng Bằng phải bỏ ra hàng trăm ngày công để tự san lấp đường rồi tự bỏ tiền ra mua xi măng để trải. Nhưng tiền thì ít, đường thì dài nên chỉ tráng được một tí ở giữa rộng chừng 20-30cm. Đây là khu kinh tế mới mà còn bị bỏ rơi như thế thì là trách nhiệm của chính quyền.

Empty

Một căn nhà bỏ hoang, cây bên ngoài đã bị chết. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trạm y tế giờ bỏ hoang, còn trường học trước do Nhà nước làm chứ có phải xã, huyện làm đâu, sau này thanh lý đi thì các bố giữ lại hết. Tôi thắc mắc đáng nhẽ giải tỏa trường cũ thì phải làm một trường mới cho chúng tôi hoặc không cũng làm đường cho xóm, nhưng họ chẳng trả lời.

Người trẻ thì bỏ đi gần hết. Năm 2018 tôi mới nói là giờ già rồi, muốn nghỉ, muốn về làng nhưng anh em nói một câu như thế này khiến tôi không thể về được: “Thế bây giờ ông về thì chúng cháu ở với ai?”. Ý họ muốn nói tôi là trưởng nhóm đưa dân lên đây, lại là đảng viên duy nhất, giờ bỏ về thì trên này sẽ như thế nào. Đợt sốt đất vừa rồi, người ta kéo lên đây gạ mua suốt, trả đến mấy tỉ. Dù căn nhà của tôi chỉ nhỏ như cái bếp của người ta thôi nhưng là kỷ niệm của hai vợ chồng, không bao giờ tôi bán cả”. Ông Biền thở dài trong lúc dội nước sôi vào chậu để vặt lông gà.

Đã lâu lắm rồi tôi mới được ngồi ăn cơm ở ngoài sân dưới ánh trăng. Hôm đó ông Biền, chị Sáu và Hiệu đãi tôi mấy món ngon nhớ đời là gà núi luộc, chuột đồng nướng, ốc nhồi, canh khoai lòng lợn. Mâm cơm đầy tú hụ mà gọi mãi cho trưởng khu không thấy tín hiệu gì nên cả bốn đành phải ăn cố.

Empty

Một gia đình chăn gà, thả bò trên núi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những chuyện kể trong bóng tối ở Ắng Bằng

Ăn xong, chẳng biết làm gì chúng tôi lại kéo nhau ra ngồi ở tảng đá đầu xóm để ngắm Hà Nội về đêm lấp lánh còn hơn cả sao trên trời. Bỗng nhiên một luồng ánh sáng chói lòa chiếu thẳng vào, đó là đèn xe của trưởng khu. Anh tìm đến đây như thói quen mỗi tối của dân Ắng Bằng. Khi biết tôi là khách của khu, giọng anh vui mừng thấy rõ: “Hay là bây giờ tôi lấy củi, làm con gà nướng ăn nhỉ?”. Tôi vội xua tay khi trong đầu thoáng qua hình ảnh con gà luộc của nhà ông Biền vẫn còn đến quá nửa.

Nõ thuốc lào đỏ rực trong màn đêm kèm tiếng rít sòng sọc của một buồng phổi rất có lực. Anh Bằng người vâm vam như một con gấu nhả một luồng hơi mịt mù, bảo: “Mỗi khi ngồi ở tảng đá ở đầu xóm, nhìn về phía Hà Nội tôi thấy nhục bởi ở dưới đó sáng thế kia mà trên này mù mịt tối, còn không phát triển bằng mấy xã kế bên thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nữa. Sinh hoạt cộng đồng duy nhất là đêm đêm ra ngồi ở tảng đá đầu xóm nói chuyện, “hứng sóng” điện thoại, chứ chẳng có bất kỳ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao gì”.

Empty

Cảnh nấu ăn ngay ngoài trời ở Ắng Bằng. Ảnh: Tư liệu.

Trong bóng tối mịt mùng đó, ông Biền thủng thẳng kể: “Tôi đã hơn 50 tuổi Đảng, lại không phải là người mê tín nhưng nhiều lúc cũng thấy khó lý giải trước một hiện tượng. Chuyện là tình cờ một buổi trưa tôi bị mất ngủ nên đi lang thang lên núi, vào một cái hang khá nhỏ, thấy ngoài cửa lẫn bên trong có mấy cái xương sống, xương sườn, xương ống…

Không biết là xương gì nên tôi mới lấy một cái xương tay đo vào tay mình, thấy nó dài hơn hẳn. Chợt nghĩ hay là phi công Mỹ? Nhưng không phải bởi đầu khớp xương đã mòn, màu xương đã trắng toát nên phải lâu ngày lắm rồi. Tôi gom xương lại mà tìm mãi không thấy cái đầu đâu.

Hôm sau tôi bảo với anh Thưởng và anh Vũ trong xóm cùng lên. Tìm mãi chúng tôi cũng không thấy cái đầu đâu, mà cái hang cũng khá nhỏ chứ không phải là quá rộng. Hôm nữa tôi lại lên, lần này là một mình mang theo một bó hương, thắp rồi khấn: “Ông hay bà mất ở đây không biết là nam hay nữ, chúng tôi đã thu được một số hài cốt nhưng thấy đầu đâu. Ông hay bà có linh thiêng thì báo mộng cho chúng tôi biết để mang về chôn”. Khấn xong tôi về.

Empty

Ông Bùi Xuân Biền trước một ngôi nhà hoang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hôm tiếp lại lên, thấy cái đầu ở ngay cửa hang giống như có người đã đặt ở đó rồi. Tôi hỏi cả xóm cũng chẳng có ai trước đó leo lên đó cả. Người khác kể có khi tôi cũng không tin nhưng chính mình ở trong cuộc mới thấy là khó hiểu. Khi có đủ bộ hài cốt tôi thông báo cho xã, họ mua 1 cái tiểu để đưa về đầu xóm chôn. Sau đó, xã thông báo cho huyện nhưng lại lệch địa chỉ nên phải mấy tháng sau mới có người ở làng tôi biết tin bảo:

“Đúng là thằng Nguyễn Văn Tư rồi, trước chúng tôi đi bộ đội, lấy gạo ở tỉnh Hòa Bình nhưng nó bị mìn, chết ở đèo trên núi Ắng Bằng. Chúng tôi để nó ở ven đường, khi về dưới này làm quan tài mang lên thì không thấy đâu nữa. Trinh sát ta dò la vào tận Hòa Bình để xem Pháp có nhặt xác để bêu chỗ này, chỗ nọ không thì chẳng thấy gì. Đó là năm 1952. Chúng tôi mới báo tử cho gia đình là nó hi sinh tại Ắng Bằng - Tuy Lai nhưng không tìm được xác”. Trên núi Ắng Bằng hồi đó lắm hổ, mới tha xác ông ấy về hang để ăn. 

Empty

Đơn đề nghị của người dân Ắng Bằng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Empty

Có 28 hộ dân điểm chỉ, ký vào đơn đề nghị như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hết chuyện ông Bùi Xuân Biền tìm được hài cốt liệt sĩ trong hang hổ, lại đến chuyện hòn đá thờ trong khuôn viên nhà anh Phùng Văn Bằng. Xưa dân dưới làng muốn vào rừng phải lập lễ mở cửa rừng vào ngày 7/1 âm lịch, thắp hương trước hòn đá thờ đó. Thế nhưng lúc được phân đất, anh Bằng còn là một thanh niên vô thần nên thấy hòn đá to chình ình phía trước mới đặt mìn để định cho nổ tung, lấy vật liệu xây nhà.

Nhưng đặt mìn mấy lần mà chẳng nổ, sợ quá anh mới để nguyên trạng hòn đá thờ ở đó rồi xây nhà. Tuy nhiên mấy năm sau anh lại di chuyển xuống cách đó chừng 20m, không ở căn nhà với hòn đá thờ nữa. Lúc tôi đến hòn đá thờ vẫn có đầy những chân hương cả mới lẫn cũ. (Còn nữa)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.