| Hotline: 0983.970.780

Cách Hà Nội 40km có một 'bản người rừng': Củ sâm tương truyền của Mã Viện để lại trên Ắng Bằng

Thứ Tư 14/12/2022 , 06:10 (GMT+7)

Trong buổi tối chúng tôi ra ngồi ở tảng đá đầu xóm để ngắm về Hà Nội lấp lánh sáng ấy, anh Phùng Văn Bằng mang ra một bình lớn sâm ngâm mật ong.

Không đâu có loại sâm giống như ở Ắng Bằng

Bài liên quan

Anh nghiêng bình, rót cho mỗi người một chén. Uống vào tôi thấy vị ngòn ngọt, chua chua, sảng khoái cả người. Cuộc sống ở “bản người rừng” tức khu kinh tế mới Ắng Bằng ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội 30 năm trước đầy khổ cực, bây giờ vẫn gian khó nhưng bù lại có một đặc sản là củ sâm Mã Viện hay còn gọi là sâm Ắng Bằng.

Ông Bùi Xuân Biền 85 tuổi là đảng viên duy nhất của xóm giải thích: “Tại sao Ắng Bằng có củ sâm Mã Viện? Khi Mã Viện đem quân xâm lược nước ta đã đưa một loại sâm quý của Trung Quốc sang trồng ở trên núi Ắng Bằng để bồi dưỡng thể lực cho binh tướng. Liên quan đến Mã Viện, hiện ở dưới núi có một tấm bia đá ghi bằng chữ Hán, trên núi có cái thung Dốt trước dùng để nhốt lính Việt vào đó, có khu vườn hoa làm cảnh mua vui cho binh tướng Tàu.

Từ xa xưa, cụ kị chúng tôi truyền lại trên Ắng Bằng có loại sâm rất quý gọi là sâm Mã Viện, nó có thân mình giống cây vung vang, hoa màu vàng, quả khi già có màu xám, bên trong có nhiều hạt, khi chín sẽ tự bắn ra, rơi ra ngoài. Sâm này không giống mùi sâm Hàn Quốc hay sâm Bố Chính của ta, củ của nó cũng khác. Sâm Bố Chính, sâm Hàn Quốc củ không “khôn”, không “béo”, không đẹp bằng sâm Mã Viện.

Empty

Ông Bùi Xuân Biền bên những củ sâm Mã Viện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các loại sâm khác hoa đều màu đỏ nhưng sâm Mã Viện lại có hoa màu vàng, tuy nhiên nó không nằm ngửa đón ánh mặt trời như thường thấy mà nằm úp khum khum xuống. Chẳng biết mấy tuổi sâm thu hoạch được nhưng củ càng già lại càng tốt, củ to nhất chỉ hơn ngón chân cái, nặng khoảng 100 gram. Củ sâm thái lát ra thấy nhớt nhớt, khi đi dỡ sắn, đang trưa nóng mệt mà đào thấy thường chúng tôi chỉ cần cạo vỏ đi rồi ngồi nhai như nhai khoai lang sống, thấy tỉnh cả người, đỡ hẳn mệt, rất mát ruột.  

Những năm 1970 - 1980, xã Tuy Lai có tổ chức trồng dược liệu ở trên núi Ắng Bằng trong đó có sâm Bố Chính. Dân mang cả tải sâm Bố Chính ra phố Lãn Ông ở Hà Nội để bán cho hiệu thuốc Bắc, thế mà có củ sâm Ắng Bằng lẫn nào người ta nhặt ra được hết và rất quý. Trước tôi làm lái xe trong quân đội hơn 20 năm, tiếp xúc nhiều nhưng không ở đâu thấy có loại sâm như Ắng Bằng. Ngay cả ở trong vùng này cũng không chỗ nào có loại sâm đó ngoài trên núi”.

DSC_5121

Con đường nhìn từ Ắng Bằng xuống các hồ của xã Tuy Lai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hồi ông Biền dẫn đầu nhóm di dân kinh tế mới của tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ và Hòa Bình) lên Ắng Bằng năm 1990, số lượng cây sâm Mã Viện cũng khá ít. Chúng mọc trên đất khô cằn, xen kẽ với đá thì sống được lâu, còn trên đất thịt thì củ lại hay thối. Mùa đông, thân lá của cây lụi đi, đợi đến giêng hai khi có mưa bụi và gió xuân ấm tràn về thì lại mọc. Con ông Biền từng thử đánh mấy trăm cây sâm ở trên núi về trồng ở trong vườn, do đất “nạc” quá nên sau này ra củ thối hết, chết không còn sót nổi một cây. Cũng ở trong vườn, những cây nào tự nảy mầm từ hạt, để yên đó tự phát triển thì được, còn đánh ra chỗ khác lại dễ thối củ dù thân, lá vẫn còn.

Mã Viện là một tướng của Trung Quốc thời Hán Quang Vũ Đế, là người đã dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào năm 42 và tiếp tục sự thống trị của người Hán ở Giao Chỉ.

Empty

Một ngôi nhà cửa đóng then cài ở Ắng Bằng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giấc mơ đẹp thoáng qua nhanh

Hơn chục năm trước, Hội nghiên cứu bảo tồn dược liệu thuộc Khu bảo tồn sinh quyển Đồng Nai nghe tiếng về củ sâm Mã Viện đã nhiều lần cử cán bộ đến nơi để nghiên cứu và mang mẫu đi phân tích. Họ còn đặt tên là sâm mắt ngỗng vì khi cắt ngang củ có những vết vân vi như cái mắt ngỗng nhưng dân trong vùng chẳng ai gọi thế.

Thấy sâm có nhiều dược tính quý, Hội định mở rộng diện tích trồng nhưng lúc đó vướng vào quy hoạch dự án làng dưỡng sinh và du lịch sinh thái Tuy Lai - Mỹ Đức của Công ty An Dưỡng Đường nên đành phải bỏ dở. Ông Biền bảo, người cán bộ vẫn thường lên Ắng Bằng nghiên cứu về sâm Mã Viện năm xưa sau đó rút về huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), trồng tới mấy chục ha sâm, giờ vẫn thỉnh thoảng được lên truyền hình. Còn tấm biển về sâm mắt ngỗng năm xưa Hội định cắm ở vùng nguyên liệu Ắng Bằng nay vẫn còn nằm lăn lóc ở nhà ông như một kỷ niệm về một giấc mơ đẹp thoáng qua nhanh.

Empty

Ông Bùi Xuân Biền bên tấm biển Hội nghiên cứu bảo tồn dược liệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khu Ắng Bằng này nếu không có du lịch thì chỉ đầu tư vào trồng dược liệu là tốt nhất bởi chất đất, khí hậu rất đặc biệt. Xưa người Tàu đã trồng sâm ở đây hẳn là đã có nghiên cứu kỹ về chất đất, khí hậu rồi. Trước đây lúa tốt là do có bèo hoa dâu, còn sâm ở Ắng Bằng tốt là do có con rún - một loại rêu đá to như mộc nhĩ, che bóng mát cho nó, khi đói dân thường lấy cả rún về ăn. Thế nên mới có câu: “Ở đâu có rún là ở đó có sâm”. Khi sâm ít đi thì rún trên núi cũng mất dần”, ông Biền kể.

Trưởng khu Phùng Văn Bằng bảo với tôi rằng xưa trên Ắng Bằng sâm cũng không phải là ít nhưng do cỏ cây rậm rạp nên con người khó tìm thấy. Từ khi bà con ở khu kinh tế mới lên đây, làm vườn, làm nương, dọn sạch cỏ thì mới lộ ra nhiều cây sâm. Trong vườn nhà anh Bằng có hàng trăm cây như vậy, nhiều nhất “bản người rừng”, có những gốc đã 3 năm tuổi.

Empty

Anh Nguyễn Văn Hiệu đang dùng dao để đào sâm trong vườn nhà trưởng khu Phùng Văn Bằng. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trong vườn nhà nào ở đây cũng có sâm, chỉ có ít hay nhiều mà thôi. Vườn nhà tôi sở dĩ có nhiều bởi thường xuyên dọn cỏ và giữ lại sâm. Những năm còn làm màu, mỗi năm tôi bán hơn 10kg sâm, mỗi kg được 1,2 - 1,4 triệu, dù không trồng gì cả mà cây tự phát tán, gieo hạt. Mùa đông là vụ quả chính còn hoa thì có quanh năm.  

Giờ tôi bỏ làm màu, cỏ mọc rườm rà, lấn hết sâm, cây nhỏ, lẫn trong cỏ không để ý được. Vừa rồi có người đặt gửi cho họ 200 gram hạt giống và 3kg sâm để về nghiên cứu nhưng tôi đành chịu vì giờ còn quá ít. Bình này tôi ngâm 1kg sâm với mật ong rừng, dù ngâm củ khô hay củ tươi sau này nước ra vẫn có màu vàng. Tôi đang tuổi khỏe nên uống hết cả bình sâm ngâm mật ong cũng chẳng biết tác dụng cụ thể, chỉ có các cháu nhỏ bị sốt hay ho uống vào mới rõ công hiệu nhất. Còn chất lượng của sâm Mã Viện tốt như thế nào cần phải có phân tích chuyên sâu”.

Cùng là sâm Ắng Bằng nhưng ở trên sườn núi cao tốt hơn hẳn sườn núi  thấp. Dịp cuối năm khi lá cây rạc đi, chất dồn vào củ thì dân trong xóm thu hoạch, ngâm cả củ sâm vào mật ong hoặc thái lát ra, phơi khô bỏ vào lọ cùng ít gạo nếp để hút ẩm. Khi con cháu sốt rét, sốt nóng họ lấy vài lát ra hấp cơm với mật ong rồi uống, nhai nuốt hết cả bã thì cơn sốt lập tức bị đẩy lùi, lại chơi được luôn chứ không bị mệt như uống thuốc Tây. Điều đặc biệt là trẻ con bị đi ngoài nặng, uống vào cũng nhanh lại người chứ không như nhiều loại sâm khác kị đi ngoài, đã được người xưa đúc kết thành câu “đau bụng uống nhân sâm thì tắc tử”.

Empty

Anh Nguyễn Văn Hiệu bên hai củ sâm vừa đào tặng tác giả. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi có người ốm cũng dùng theo cách tương tự. Như bố ông Nguyễn Văn Chể - nguyên Bí thư xã Tuy Lai bị ốm rất nặng, không thuốc gì chữa được, đang chờ thời khắc để “đi” thì có người hàng xóm mang cho mấy lát sâm Mã Viện. Thế mà uống xong ông khỏe lại, sống được thêm hơn 10 năm nữa mới chịu theo tiên tổ. Công hiệu là thế nhưng bởi từ xưa sâm Mã Viện trên dãy núi Ắng Bằng đã hiếm nên không có nhiều để lưu hành ra nơi khác, thành ra rất ít người biết tiếng.

Chiều hôm đó, Nguyễn Văn Hiệu cầm dao vào vườn nhà trưởng khu Phùng Văn Bằng đào tặng tôi 2 củ sâm. Tình cờ thế nào, về nhà thấy thằng con đang sốt cao trên 39oC, nằm đắp chăn run cầm cập, theo kinh nghiệm của người dân Ắng Bằng truyền lại, tôi bèn cắt vài lát sâm ra hấp với mật ong. Chỉ vừa uống và nhai nuốt cả bã sâm xong được mấy phút cơn sốt của nó đã bị đẩy lui. (Còn nữa)

“Xã khoán thầu đất trên núi Ắng Bằng cho bốn anh em tôi là Bản, Danh, Ba, Tư từ năm 1995 tới giờ để sản xuất, hiện tôi đang có đàn dê hơn 100 con, gà hơn 1.000 con. Trong khu vực chăn nuôi đó cũng có sâm, tôi thường lấy về ngâm với mật ong, nhờ đó mấy năm nay không bao giờ bị viêm họng nữa”, lời của anh Ba - một người chăn dê trên núi.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Acecook Việt Nam - Những dấu ấn bước đầu trong phòng chống thiên tai

Những năm qua, Acecook Việt Nam và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp cộng đồng nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.