| Hotline: 0983.970.780

Cái gen ngàn đời 'trọng nam khinh nữ'

Thứ Hai 27/04/2020 , 09:20 (GMT+7)

Con trai là nối dõi, là trực hệ, xương sống, đời đời, con gái ăn cơm nguội ở nhà ngoài…

Cô Dạ Hương kính!

Ba má cháu có cả thảy tới tám đứa con. Phải nói cháu thán phục ba má của mình quá, đẻ dày mà nuôi thành công hết. Bảy đứa con gái, học hành vừa đủ, đứa con trai duy nhất thì học cao hơn, coi như có sự nghiệp.

Cũng tại vì hồi trước năm 1975, nhà có vườn ruộng nhiều, ba má cũng không biết kế hoạch hạn chế gì, đẻ vắt qua sau này, đến năm 1980 mới thôi. Em gái út của cháu năm nay cũng 40 rồi. Mười bảy năm 8 đứa con, đều đều hai năm một đứa.

Chuyện sinh đẻ của ba má thành đề tài để chị em cháu trêu đùa má mà cũng để nói với nhau về má. Bảy đứa con gái, đứa này nhìn vô đứa kia mà cư xử với ba má. Phải nói khi con đông mà có hiếu nữa thì về già vui thật, rất vui đó cô.

Các con của má chỉ ước nữa mình được như má mà thôi. Nhưng mà làm sao được, đứa nào cũng vài ba đứa con, có đứa đẻ một con xong kiếm hoài không thêm được. Vậy là con cầu con khẩn, không dám hy vọng gì.

Vấn đề của gia tộc cháu là má quá thiên vị. Con trai thì má không yêu cầu gì cả, với cháu, người viết thư này thì anh ấy là anh, anh thứ tư.

Trên anh là hai chị và dưới anh thì “một bầy láo nháo rần rần, năm đứa ai chịu nổi?”. Hồi đó anh cứ nói như vậy nên tụi em không gần gũi với anh. Hai chị trên cũng nể anh vì là em nhưng được ăn học hơn, sau này đi làm việc lại có chức nên càng được nể.

Ba má thì khỏi nói rồi, gì cũng anh Tư bây, nhất cử nhất động đều được khen, được tâng bốc.

Với chị dâu của tụi cháu mới thật là khó xử. Má không chỉ nể mà còn như là sợ chị ấy nữa. Mỗi lần nhà có việc, giỗ Tết, việc này việc kia anh chị xuất hiện thì cứ như là cờ đèn kèn trống trong lòng má.

Thôi, má hãnh diện, má thể hiện sao cũng được, chỉ thấy vậy cũng được còn hơn là anh ấy hư hốt rồi ba má buồn bực, sinh bệnh, khổ cho một bầy con gái.

Rồi cũng đến lúc má bệnh, bệnh nặng, đi thành phố điều trị. Khi có chuyện như vậy mới thấy các con gái cũng đã có hục hặc, trực tiếp hay gián tiếp, tiền bạc huy động sao? Đứa con trai mà má kỳ vọng thì im re, chỉ đi thăm như quan chức thăm chính sách. Con dâu không thấy xin nghỉ để chăm hay nói tiền bạc sao đây để góp, không hề luôn đó cô.

Mấy tháng trời. Má cháu suy sụp, cháu biết không chỉ vì bệnh tật mà trong lòng má đổ vỡ. Ba của chúng cháu cũng yếu đi, ít nói ít cười, hay thở dài, có vẻ không trông ngóng con trai con dâu với hai đứa cháu nội như trước nữa.

Đó là một sự thật để im lặng chấp nhận hay họp lại để nói ra đây cô?

-------------------

Em thân mến!

Hồi trước, nhà nhà còn đông con hơn, các bà nói với nhau, đẻ hết trứng thì thôi. Bây giờ, nghe đến số tám người con, chắc ai cũng wow, hay vậy, nuôi trọn vẹn, trật tự, hòa đồng, có chữ hết, hay vậy?

Mà hay thật. Như nhà của tôi đây, má sinh bảy người con, ba gái đầu, ba gái cuối, trai ở giữa. Sao các bà mẹ giống nhau đến thế không biết, con gái chăm chút, gì cũng con gái, mà chia nhau ra thì cũng phải nuôi má nhiều nhặn gì.

Đứa lo quần áo, đứa lo tiền thuốc men, đứa lo tiền thuê giúp việc, đứa trực tiếp thì khỏi ra tiền…Sáu đứa con gái, chung sức, ai cũng bảo không ai hạnh phúc bằng má tôi.

Và một con trai, vậy mà khi con trai xuất hiện thì các con gái lu mờ ngay. Là vì cái máu trọng nam khinh nữ nó nằm trong gien cả ngàn đời rồi. Con trai là nối dõi, là trực hệ, xương sống, đời đời, con gái ăn cơm nguội ở nhà ngoài…

Hầu như nhà nào cũng vậy, từ bắc chí nam, ở bắc còn ngặt nghèo hơn. Nhưng ở bắc con trai và con dâu bị đòi hỏi hơn, không có chuyện con trai như khách và con dâu thì như thượng khách.

Thực sự, khi có cái nếp con trai và con dâu như nhà ba má em thì nói sẽ động chạm và mếch lòng. Nói sao, ai nói, chị Hai chị Ba có dám nói anh Tư của các em không? Ba có lẽ hiền, má thiên vị, nhưng giờ hai ông bà như ngậm bồ hòn làm ngọt thôi.

Kinh nghiệm của nhà tôi, em ạ, sẽ còn cả nước mắt nữa, bởi ba hoặc má sẽ yếu đi, sẽ nhiều công phu chăm sóc lắm. Khi ấy đâu cần quần áo đẹp, hay ăn ngon, mà thức đêm, canh coi, hầu hạ, thao thức, làm điều dưỡng, làm y tá cho người thân ở ngay tại chỗ của ba má, vất vả muôn vàn.

Khi ấy chỉ nghĩ, ba má nuôi mình, giờ mình nuôi nấng lại, như nuôi một đứa trẻ, thương và thương vô hạn và cực khổ cũng vô hạn.

Thôi, cố gắng em ạ. Ba má nghĩ về các con gái sao, kệ quan niệm của ông bà đi. Sẽ không có nhiều cơ hội để được gần và chăm chút ba má đâu, nhớ vậy nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất