| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo công trình thủy lợi sông Cà Lồ Cụt gây sụt lún nhà dân

Thứ Năm 28/09/2023 , 07:12 (GMT+7)

Dự án của Công ty Cổ phần Đạt Hưng tại tỉnh Vĩnh Phúc đang gây ảnh hưởng môi trường, sụt lún nhà dân và rất nhiều hệ lụy khác.

Dự án gần 60 tỷ đồng của doanh nghiệp Đạt Hưng hành dân

Theo tài liệu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tháng 11/2019, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định phê duyệt dự toán gói thầu Xây lắp + thiết bị thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp và nối dài sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức với mức kinh phí đầu tư hơn 58,635 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng tại một số xã thuộc thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án cải tạo, nâng cấp và nối dài sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức. Ảnh: HA.

Dự án cải tạo, nâng cấp và nối dài sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức. Ảnh: HA.

Phía chủ đầu tư thông tin, mục tiêu và nhiệm vụ của dự án nhằm nâng cao hiệu quả của Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc, giảm thời gian bơm tiêu của trạm bơm tiêu Nguyệt Đức, đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời, chống ngập úng cho khoảng 2.300ha, cải thiện và bổ sung nguồn nước đảm bảo tưới cho 2.200ha diện tích đất nông nghiệp của các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên và một phần của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Tính toán ban đầu thể hiện dự án phải đền bù giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp hơn 26,6 nghìn ha, đất thổ cư 288m2, đất mượn đường thi công hơn 22,5 nghìn m2…

Tháng 12/2019, Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc có thông báo về việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu Xây lắp + thiết bị tại dự án Cải tạo, nâng cấp và nối dài sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức. Công ty Cổ phần Đạt Hưng là doanh nghiệp đứng đầu liên danh trúng thầu với giá trị hơn 58,528 tỷ đồng. Thời gian thi công của gói thầu này được xác định tại hợp đồng thi công xây dựng công trình là 18 tháng. Hết thời gian nói trên nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ công việc theo nội dung của hợp đồng.

Máy móc nằm 'đắp chiếu' tại dự án. Ảnh: HA.

Máy móc nằm "đắp chiếu" tại dự án. Ảnh: HA.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, sau gần 4 năm ký kết hợp đồng thi công xây dựng công trình, dự án Cải tạo, nâng cấp và nối dài sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức vẫn chưa hoàn thành. Có mặt tại các địa điểm thực hiện dự án thuộc xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc), PV Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận thấy, công trình qua Phố Lồ vẫn còn là bãi ngổn ngang. Chỉ một vài chiếc máy xúc nằm chỏng chơ cạnh lều lán của nhà thầu không có người trông coi. Ở nhiều vị trí xây dựng công trình cây cối, cỏ dại mọc quá đầu người.

Đặc biệt, suốt từ lúc thi công dự án đến nay, người dân, chính quyền xã Nguyệt Đức đã nhiều lần có ý kiến phản ánh về việc nhà thầu thi công gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, môi trường của người dân và các nguy cơ gây tai nạn. Cụ thể, theo thống kê của UBND xã Nguyệt Đức, trong quá trình thi công dự án đã làm ảnh hưởng nứt, lún nhà ở và công trình phụ của 24 hộ dân thôn Phố Lồ, việc đặt biển báo, ô nhiễm môi trường do bụi đất vật liệu xây dựng không được quan tâm khắc phục, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. “Thực tế đã xảy ra trường hợp tai nạn chết người tại vị trí đặt biển báo ở Cống Lồ”, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức Nguyễn Hữu Hởi xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Hởi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức. Ảnh: HA.

Ông Nguyễn Hữu Hởi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức. Ảnh: HA.

Mới đây nhất, tháng 8/2923, văn bản của UBND xã Nguyệt Đức gửi Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan nêu rõ: Dự án sông Cà Lồ Cụt nối dài đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức đang triển khai thi công xây dựng cống Lồ đến nay đã được 3 năm nhưng vẫn chưa xong. Ngoài nguy cơ tai nạn, gây ô nhiễm môi trường, theo chính quyền xã Nguyệt Đức hệ lụy của dự án này khiến nhân dân rất bức xúc và kiến nghị với UBND xã rất nhiều. “Những ý kiến của người dân về dự án này là chính đáng, UBND xã Nguyệt Đức liên tiếp có văn bản gửi các cơ quan liên quan để giải quyết cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để”, ông Hởi nói.

Một trong những hộ dân ở thôn Phố Lồ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là gia đình ông Phạm Quang Đào bức xúc: Gia đình tôi có 7 nhân khẩu sinh sống gần địa điểm thực hiện dự án. Kể từ khi dự án thực hiện đến nay, nhà cửa, các công trình phụ của gia đình bị sụt móng, nứt tường… mặc dù tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Quá trình thi công dự án của Công ty Cổ phần Đạt Hưng gây sụt, lún nhà dân. Ảnh: HA.

Quá trình thi công dự án của Công ty Cổ phần Đạt Hưng gây sụt, lún nhà dân. Ảnh: HA.

Ngoài những vấn đề nhức nhối như ảnh hưởng môi trường, gây sụt lún nhà dân, việc dự án được xây dựng với tiến độ ì ạch cũng khiến người dân xã Nguyệt Đức ngán ngẩm. Trong khi đó, sau khi hết thời gian thực hiện theo hợp đồng nhưng dự án vẫn không thể hoàn thành, tháng 12/2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đồng ý chủ trương gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30/4/2023. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, đã quá thời gian gia hạn gần nửa năm trời nhưng dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức vẫn chưa có dấu hiệu “về đích”.

Chủ đầu tư nói sụt lún nhà dân do địa chất phức tạp?

Tại buổi làm việc với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Đức Minh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận thực trạng quá trình thi công dự án Cải tạo, nâng cấp và nối dài sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức gây sụt lún nhà dân. Ông Minh cũng phân tích về việc dự án không thể hoàn thành theo hợp đồng ký kết.

Ông Trần Đức Minh, Phó Giám đốc ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: HA.

Ông Trần Đức Minh, Phó Giám đốc ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: HA.

Cụ thể, theo tài liệu ông Trần Đức Minh cung cấp, năm 2021 tại phạm vi công trình khu vực Cống Lồ không thể triển khai thi công do hộ dân yêu cầu dừng để giải quyết bồi thường thiệt hại. Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc lý giải nguyên nhân chính thi công dự án ảnh hưởng đến các hộ dân là do tầng địa chất phức tạp, ảnh hưởng của mực nước ngầm bị hạ thấp, ảnh hưởng do cát chảy, tác động của tải trọng động… Ông Minh thừa nhận đây là những vấn đề quá trình khảo sát, đánh giá thực hiện dự án không tính tới. Chính vì lý do đó, Ban quản lý dự án NN-PTNT Vĩnh Phúc đề xuất kinh phí dự kiến 2,5 tỷ đồng lấy từ nguồn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc dự án để hỗ trợ các hộ dân.

“Chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, các hộ dân và nhà thầu để đốc thúc hoàn thành dự án trong năm nay. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Mặt khác, tại văn bản đồng ý gia hạn thời gian thực hiện của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, không làm tăng đơn giá của các công việc còn lại, cho nên toàn bộ nguồn kinh phí bồi thường cho các hộ nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm chi trả”, ông Minh nói.

Dự án hơn 58 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc và hàng loạt hệ lụy. Ảnh: HA.

Dự án hơn 58 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc và hàng loạt hệ lụy. Ảnh: HA.

Về vấn đề năng lực của nhà thầu, ông Minh khẳng định là doanh nghiệp có đủ năng lực, kiểm toán cũng đã vào kiểm tra. Mặc dù vậy, theo tài liệu của Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Đạt Hưng, doanh nghiệp đứng đầu liên danh liên tục có những lùm xùm, sai phạm tại nhiều dự án.

Thông tin tại hợp đồng thi công dự án Cải tạo, nâng cấp và nối dài sông Cà Lồ Cụt đến trạm bơm tiêu Nguyệt Đức thể hiện: Công ty Cổ phần Đạt Hưng có trụ sở tại số nhà 68, đường Tô Vĩnh Diện, khu 3, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam từng phản ánh, Công ty Cổ phần Đạt Hưng là doanh nghiệp độc lập hoặc liên danh được lựa chọn thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Vĩnh Phúc. Điển hình một số dự án như: Dự án Khắc phục sự cố tràn đê tả, hữu sông Bứa thuộc địa bàn huyện Tam Nông và Cẩm Khê; Dự án di dân tái định cư vùng thiên tai đặc biệt khó khăn xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn; Dự án Cứng hóa mặt đê tả Sông Lô (gói thầu số 5) thuộc dự án Cầu sông Lô và cứng hóa mặt đê tả sông Lô, huyện Đoan Hùng; Dự án Cải tạo, nâng cấp, gia cố đê ngòi Me, ngòi Cỏ huyện Cẩm Khê (giai đoạn I)...

Quá trình thực hiện nhiều dự án, Công ty Cổ phần Đạt Hưng từng bị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư phanh phui hàng loạt sai phạm.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.