| Hotline: 0983.970.780

Cần bổ sung quy định phòng, chống dịch bệnh trên động vật hoang dã

Thứ Hai 31/10/2022 , 21:45 (GMT+7)

Hiện còn nhiều nội dung, quy định chưa đầy đủ hoặc còn bất cập dẫn đến nhũng khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh trên động vật hoang dã.

Voọc Cát Bà (14) (1)

Theo OIE, trong suốt 60 năm qua, nhiều dịch bệnh nghiêm trọng bùng phát trên người có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Ảnh: VV.

144/335 tác nhân gây bệnh đang nổi có nguồn gốc từ động vật hoang dã

Động vật hoang dã (ĐVHD) đóng vai trò quan trọng trong thế giới tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Ngoài ra, tại một số khu vực, ĐVHD còn mang ý nghĩa về văn hóa, tôn giáo, du lịch...

Việt Nam là một trong những điểm nóng về tiêu thụ ĐVHD với nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ ĐVHD sang vật nuôi và con người khá cao do dân số phát triển, tổng đàn gia súc, gia cầm cao và hệ sinh thái ĐVHD đa dạng.

Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES Việt Nam) trực thuộc Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam có 322 loài thú rừng, 397 loài bò sát và trên 900 loài chim ngoài tự nhiên.

Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở đang gây nuôi ĐVHD như khỉ đuôi dài, nhím, cầy vòi hương,…. Phần lớn thịt thú rừng tiêu thụ tại Việt Nam là cá thể bị săn bắt ngoài tự nhiên hoặc được mua bán từ các cơ sở gây nuôi và luôn luôn tồn tại nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ ĐVHD sang động vật nuôi hoặc sang con người.

Sự bùng phát của rất nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng trên thế giới đều có nguồn gốc do động vật hoang dã (ĐVHD) lây sang con người do quá trình tiếp xúc như Hội chứng suy yếu miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch COVID-19 hay bệnh Đậu mùa khỉ. Một trong các nguyên nhân gây bùng phát xuất phát từ hành vi tiêu thụ, sử dụng thịt thú rừng làm thực phẩm.

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho rằng, trong suốt 60 năm qua, có tới 144/335 tác nhân gây bệnh đang nổi có nguồn gốc từ ĐVHD, chủ yếu từ những loại chim, thú lấy mật (chồn, sóc), gấu, khỉ đột, cáo,...

Hiện chưa có hướng dẫn kỹ thuật về kiểm soát dịch bệnh tại trang trại gây nuôi thương mại, phi thương mại động vật hoang dã. Ảnh: VV.

Hiện chưa có hướng dẫn kỹ thuật về kiểm soát dịch bệnh tại trang trại gây nuôi thương mại, phi thương mại động vật hoang dã. Ảnh: VV.

Chưa có hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát dịch bệnh tại trang trại gây nuôi thương mại

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), pháp luật Việt Nam đã quy định việc kiểm soát dịch bệnh có thể lây truyền từ ĐVHD sang người như Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm (2007), Luật Thú y (2015) và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, trong đó cơ quan quản lý thú y nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong công tác kiểm soát dịch bệnh lây từ ĐVHD sang người. 

Ông Phan Quang Minh, Trưởng Phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, theo Luật Thú y, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động gây nuôi ĐVHD có trách nhiệm phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật theo quy định tại khoản 2, Điều 21.

Trường hợp phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân phải thực hiện ngay việc khai báo dịch bệnh động vật cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ban hành ngày 31/5/2016 của Bộ NN-PTNT (Thông tư 07).

Trường hợp ĐVHD gây nuôi nghi ngờ bị mắc bệnh có thể lây sang người gồm cúm gia cầm (thể độc lực cao và chủng vi rút có khả năng truyền lây bệnh cho người), bệnh dại động vật, liên cầu khuẩn lợn (típ 2), nhiệt thán, xoắn khuẩn, giun xoắn, lao bò, sảy thai truyền nhiễm, hoặc tác nhân gây bệnh mới thì cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện trở lên sẽ thực hiện điều tra ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tác nhân gây bệnh.

Việc xử lý động vật mắc bệnh, khống chế ổ dịch hoặc công bố dịch sẽ thực hiện theo những quy định cụ thể trong Luật Thú y và Thông tư 07. Kiểm dịch ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD được thực hiện theo các quy định trong Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT ban hành ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT (Thông tư 25). 

Thông tư 25 quy định rõ danh mục ĐVHD thuộc diện phải kiểm dịch gồm: Voi, hổ, báo, gấu, hươu, nai, vượn, đười ươi, khỉ, tê tê, cu li, sóc, chồn, kỳ đà, tắc kè, trăn, rắn, gà rừng, trĩ, gà lôi, công và các loài ĐVHD khác.

Danh mục sản phẩm ĐVHD thuộc diện phải kiểm dịch gồm: Thịt, phủ tạng, dược liệu có nguồn gốc từ ĐVHD như nọc rắn, nọc ong, vẩy tê tê, mật gấu, cao động vật; da; da lông và thú nhồi bông của hổ, báo, cầy, rái cá và các động vật khác.

Danh mục đối tượng kiểm dịch gồm bệnh chung cho nhiều loài động vật (22 bệnh); bệnh trên  các loài động vật nhai lại (27 bệnh), ngựa (13 bệnh), lợn (21 bệnh), chim (22 bệnh), khỉ, thỏ, chồn và một số loài khác (20 bệnh).

Dù đã có nhiều quy định về kiểm soát dịch bệnh lây từ ĐVHD sang người, song theo ông Phan Quang Minh, vẫn còn nhiều nội dung, quy định chưa đầy đủ hoặc còn bất cập dẫn đến nhũng khó khăn, vướng mắc trong áp dụng thực tiễn.

Nội dung chủ yếu của Thông tư 07 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn (bao gồm ĐVHD theo giải thích từ ngữ trong Luật Thú y), chủ yếu hướng dẫn đến phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi (gia súc, gia cầm, thú cảnh). Trong khi ĐVHD là nhiều loài khác nhau, cư trú tự nhiên, môi trường, sinh cảnh, tập tính của chúng khác so với vật nuôi.

“Do đó, một số quy định áp dụng cho động vật nói chung có thể không phù hợp khi áp dụng cho ĐVHD. Danh mục các bệnh lây truyền từ động vật sang người gồm 8 bệnh theo Thông tư 07, chủ yếu là các bệnh lây từ vật nuôi; tuy nhiên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây từ ĐVHD sang người như Đậu mùa khỉ, Nipah,….”, ông Phan Quang Minh đề xuất.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành hướng dẫn kỹ thuật về kiểm soát dịch bệnh tại trang trại gây nuôi thương mại, phi thương mại ĐVHD; kiểm soát dịch bệnh tại chợ buôn bán ĐVHD sống; kiểm soát dịch bệnh tại nơi tiêu thụ thịt ĐVHD (như thịt lợn rừng, thịt dúi, thịt chồn nuôi, …).

Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y cũng chỉ ra thiếu sót trong quy định vệ sinh thú y đối với các cơ sở gây nuôi, nhốt, giữ ĐVHD. Cụ thể, Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ban hành ngày 01/6/2016 của Bộ NN-PTNT không quy định kiểm soát giết mổ đối với ĐVHD gây nuôi (như cá sấu, nhím, dúi, lợn rừng,…) hay ĐVHD được phép săn bắn.

Hàng năm, các cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm ĐVHD, tuy nhiên hầu hết trường hợp không được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tác nhân gây bệnh.

Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ ĐVHD sang người, các tổ chức quốc tế khuyến nghị các quốc gia áp dụng tiếp cận Một sức khỏe (phối hợp liên ngành) cần ban hành những quy định khẩn cấp cấm mua bán ĐVHD còn sống tại các chợ truyền thống, quy định về kiểm soát việc gây nuôi, buôn bán ĐVHD làm thực phẩm cho con người tại chợ.

Phát động các chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm đối với những người buôn bán, tiêu thụ và những đối tượng liên quan đến ĐVHD, xây dựng các quy định, biện pháp quản lý và giám sát việc khai thác, buôn bán và sử dụng ĐVHD để đảm bảo an toàn, bền vững và hợp pháp.

Theo TS. Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ ĐVHD sang người, chúng ta cần thực hiện theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, bên cạnh đó rà soát, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh trên ĐVHD. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị quản lý ĐVHD và đặc biệt là công tác truyền thông để nhân dân hiểu rõ các quy định của quốc tế, của nhà nước về ĐVHD cũng như ý thức được nguy cơ dịch bệnh khi săn bắn, gây nuôi, giết mổ và tiêu thụ thịt thú rừng đối với bản thân và cộng đồng.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.