| Hotline: 0983.970.780

Cần chính sách hỗ trợ lực lượng thú y viên gặp tai nạn nghề nghiệp

Thứ Tư 23/08/2023 , 08:50 (GMT+7)

Hiện, chưa có chính sách cụ thể mức hỗ trợ lực lượng thú y viên thực hiện công tác tiêm phòng không may bị chó, mèo cào, cắn.

Tiêm vacxin phòng bệnh dại tại thôn Nà Phải, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Ảnh: Quang Linh.

Tiêm vacxin phòng bệnh dại tại thôn Nà Phải, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Ảnh: Quang Linh.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh dại đạt 73% kế hoạch

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bắc Kạn, thực hiện công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2023, địa phương đã tiêm được trên 30.800/38.500 liều vacxin lở mồm long móng trên trâu, bò, đạt 80% kế hoạch; 31.400/38.500 liều vacxin tụ huyết trùng trên trâu, bò, đạt 82% kế hoạch và 28.400/39.200 liều vacxin dại trên chó, đạt 73% kế hoạch.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bắc Kạn đánh giá công tác tiêm phòng đàn vật nuôi tại các huyện, thành phố đã được triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y cấp tỉnh.

Tuy nhiên, đợt 1 năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng tại một số huyện tỉ lệ chưa cao. Trong đó, tại huyện Chợ Đồn, tỷ lệ tiêm phòng vacxin lở mồm long móng chỉ đạt 65%, tụ huyết trùng 68%.

Theo kế hoạch tiêm phòng đợt 1, từ ngày 15/2 đến đầu tháng 4/2023 toàn tỉnh sẽ tiêm trên 39.000 liều vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Để đạt kế hoạch đề ra, ngoài vận động người dân đưa chó, mèo đến tiêm tại các điểm tiêm tập trung, cán bộ thú y các địa phương sẽ đến từng hộ gia đình triển khai tiêm phòng theo quy định. 

Dù chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh dại tại huyện Ngân Sơn chỉ đạt 55%, Na Rì đạt 57%, Ba Bể đạt 64%, Chợ Mới đạt 68%.

Báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ tiêm phòng dại đợt 1 năm 2023 trên địa bàn huyện Ngân Sơn đạt thấp, đặc biệt là thị trấn Vân Tùng, không đảm bảo miễn dịch quần thể, do đó nguy cơ xảy ra dịch dại ở diện rộng là rất cao. Việc tổ chức tiêm phòng lần này rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ miễn dịch trong quần thể, hạn chế các nguy cơ phát sinh về bệnh dại ra cộng đồng.

Ông Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngân Sơn cho biết, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi tại Ngân Sơn ở mức thấp do công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chính tới từ địa bàn rộng, lực lượng thú y còn mỏng, người dân chủ yếu chăn thả gia súc, động vật cộng nhận thức của người dân chưa đúng về tiêm phòng,...

“Bà con nhiều nơi chưa có nhận thức đúng về tiêm phòng, cứ nghĩ tiêm phòng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi. Do đó, cơ quan chức năng địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về tầm quan trọng của vacxin phòng chống dịch bệnh trên động vật”, ông Nông Văn Hoạt cho hay.

Ông Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Ảnh: Quang Linh.

Ông Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Ảnh: Quang Linh.

Cần nâng mức hỗ trợ cho lực lượng thú y cơ sở 

Trong bối cảnh tình hình phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, tại Hội nghị tổng kết, đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn do Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn tổ chức, đại diện các địa phương, đơn vị chuyên môn đề xuất mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở sản xuất và đơn vị lực lượng vũ trang có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do do phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, cần làm rõ mức hỗ trợ người tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và và gấp đôi ngày nghỉ, ngày lễ, tết, để tạo động lực và giúp cán bộ thú y yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho cán bộ thú y làm công việc có tính chất nguy hiểm cao, dễ bị phơi nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lực lượng thú y viên tại cơ sở là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới kết quả tiêm phòng, tuy nhiên hiện nay mỗi xã chỉ có 1 thú y viên. Ngoài ra, chế độ phụ cấp cho nhân viên thú y còn thấp, công tác tiêm phòng chó, mèo gặp nhiều nguy hiểm do động vật hung dữ.

“Hiện nay chưa có chính sách cụ thể về mức hỗ trợ cho lực lượng thú y viên thực hiện công tác tiêm phòng bị chó mèo cào cắn hay bị động vật tấn công. Do đó, cần sớm có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho lực lượng thú y viên tham gia tiêm phòng”, ông Nông Văn Hoạt đề xuất.

Năm 2023, trên địa bàn huyện Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn có hơn 10.000 con chó, mèo trong diện cần tiêm vacxin phòng bệnh dại. Qua kiểm tra, 2 địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nuôi chó, mèo đăng ký số lượng đàn vật nuôi cần tiêm phòng theo quy định, thời gian tiêm phòng được thực hiện đúng tiến độ.

Trong 6 tháng cuối năm, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác tiêm phòng đợt 2 năm 2023 theo kế hoạch chung của UBND tỉnh.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.