Ngày 26/11, Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Theo tham luận của Ban Kinh tế Trung ương sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều mặt đã phát triển ngang bằng và vượt các nước trong khu vực ASEAN. Góp phần vào điều đó có đóng góp từ việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết này đã đưa ra các chủ trương thực hiện cả ba vấn đề lớn là nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.
Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 2,94%/năm và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Năm 2020, sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2 kg, cao hơn Thái Lan và gấp 3,5 lần Ấn Độ.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm. Nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng cải thiện, kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao.
Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng/người/ năm 2010 lên trên 42 triệu đồng/người năm 2020, vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân giảm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 4,2%. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp.
Tuy vậy, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.
Công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều địa phương có xu hướng tập trung phát triển thiên về công nghiệp tăng thu ngân sách, chưa chú trọng đúng mức phát triển nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nhất là về sinh kế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, nhất là những khu vực địa phương có tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh; vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt, nếp sống văn hoá nông thôn, truyền thống văn hoá tốt đẹp ở một số nơi có nguy cơ ngày càng mai một…
Bởi thế mà phải nghiên cứu những giải pháp mới để thay đổi khu vực tam nông theo hướng tích cực hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề nghị phải: Sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn (quy mô cấp tỉnh và liên kết vùng), đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản;
Sửa đổi Luật HTX năm 2012 và ban hành chính sách hỗ trợ cho HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX chuyên ngành sản xuất sản phẩm nông sản quy mô lớn, phát triển bền vững; Xây dựng các quy hoạch cụ thể chuỗi giá trị đối với từng sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia theo vùng (tích hợp quy hoạch của cả nước), cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số;
Dành nguồn lực tài chính của ngân sách trung ương và địa phương trong đầu tư công trung hạn và các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, kết hợp với đổi mới các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, phí và lệ phí... đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản; xây dựng cơ sở dữ liệu lớn chuỗi giá trị sản phẩm nông sản về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, ứng dụng bản đồ tra cứu thông tin thổ nhưỡng, thủy văn, sản lượng và thị trường nông sản.
Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, bảo đảm tăng cường liên kết vùng; Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp…
Còn ông Nguyễn Thanh Dương - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhận định cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chồng chéo, đầu tư chưa gắn phân cấp với giám sát. Do đó phải cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh một cách thực chất, cũng như hoàn thiện thể chế đầu tư song song với tăng cường vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn…