Liên quan tới dự thảo sửa đổi, bổ sung "Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 13381-1:2021): Giống cây trồng nông nghiệp - Khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng, Phần 1: Giống lúa." (sau đây gọi tắt là TCVN), Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp về vấn đề này.
Không nhất thiết có quá nhiều điểm khảo nghiệm
Theo Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ Giống cây trồng Việt Nam (VSC - thuộc Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam): Dự thảo sửa đổi, bổ sung TCVN có bố cục còn chưa hợp lý. Bởi TCVN này là để cho các giống lúa nói chung chứ không riêng cho giống chịu mặn hoặc giống kháng rầy nâu. Tính chống chịu có nhiều loại như chống hạn, úng, nhiệt độ cao… Tương tự như vậy, kháng sâu cũng rất nhiều loại. Do vậy, trong tiêu chuẩn đi quá chi tiết vào việc đánh giá tính chịu mặn và kháng rầy là không hợp lý.
Về các tính trạng, VSC đề nghị rà soát lại, không cần thiết quá nhiều chỉ tiêu theo dõi. Bởi khảo nghiệm có 2 loại là khảo nghiệm DUS và VCU. Trong đó, khảo nghiệm DUS đã có 65 tính trạng phải mô tả đối với cây lúa. Một giống được công nhận lưu hành cần cả 2 loại khảo nghiệm. Do vậy, cần rà soát để lựa chọn các chỉ tiêu cần thiết cho một thí nghiệm khảo nghiệm VCU, nếu tính trạng nào đã có trong khảo nghiệm DUS thì không cần phải đưa vào tiêu chuẩn trong khảo nghiệm VCU nữa.
Về số điểm khảo nghiệm, dự thảo quy định số điểm cần khảo nghiệm cho 1 giống là 34 điểm (17 khảo nghiệm hẹp và 17 khảo nghiệm rộng). Theo VSC, quy định này là không cần thiết về mặt kỹ thuật với cây lúa ở Việt Nam và gây tốn kém cho chi phí tạo giống, làm ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Vì vậy, không cần thiết phải có số điểm nhiều như trong dự thảo sửa đổi, bổ sung TCVN đối với lúa ở Việt Nam. Bởi việc sản xuất ở đâu phù hợp thì tác giả là người hiểu rõ hơn cả.
Đối với các chỉ tiêu về sâu bệnh, VSC cho rằng cần xem xét xem có cần thiết đến mức phải cho điểm/đơn vị tính không. Bởi các chỉ tiêu này đối với nghiên cứu cơ bản của tác giả thì rất cần thiết, song với khảo nghiệm VCU thì chỉ nên có nhận xét về mức độ kháng với các mức tốt/khá/trung bình/kém, cẳng hạn kháng bệnh đạo ôn ở mức tốt/trung bình/kém.
Hạ yêu cầu chống chịu sâu bệnh cho giống công nhận lại
Liên quan đến việc công nhận lưu hành lại giống, ông Hà Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia cho rằng: Các giống công nhận trước đây chúng ta chưa quan tâm nhiều đến khả năng chống chịu sâu bệnh trong điều kiện nhân tạo, dẫn tới có nhiều giống bị nhiễm rất nặng. Ví dụ, giống Bắc thơm 7 đã tồn tại trong sản xuất từ lâu nhưng hiện bị nhiễm bệnh bạc lá rất nặng.
Như vậy, rõ ràng nếu tiến hành khảo nghiệm để đánh giá và công nhận lại thì về khả năng chống chịu sâu bệnh, những giống trước đây sẽ khó mà đạt được theo yêu cầu hiện hành.
Do đó theo ông Dũng, để “giải thoát” cho việc công nhận lại những giống đã được công nhận trước khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, trong TCVN sửa đổi, bổ sung về khảo nghiệm giống lúa, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp. Bởi, những giống này đã được công nhận trước đây rồi, thậm chí có những giống đạt các giải thưởng rất cao. Rõ ràng bây giờ, không thể loại những giống này ra được vì nó tồn tại ở giai đoạn trước, có vai trò lịch sử nhất định, và thực tế nông dân vẫn còn có nhu cầu sử dụng, thậm chí có nhu cầu rất lớn.
Cũng theo ông Dũng, nhóm chỉ tiêu thứ hai cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho TCVN là ngoài tiêu chí về năng suất, chất lượng thì cần có chỉ tiêu về xay xát (thuộc về chất lượng thóc, gạo). Ví dụ, mặc dù năng suất tương đương, chất lượng cơm gạo tương đương, chống chịu sâu bệnh tương đương nhưng tỷ lệ gạo xát, gạo nguyên cao hơn một chút vẫn có thể là ưu điểm để công nhận giống.
Không nhất thiết công nhận lại giống đã “phóng thích” từ lâu
Về việc gia hạn công nhận lại giống, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ: Quan điểm của Hội là đối với những giống không đăng ký được quyền bảo hộ, giống cổ truyền địa phương hoặc không xác định được tác giả, có thể gọi chung là giống “Public”, nếu giống nào đang phát triển tốt thì nên giữ nguyên việc lưu hành như hiện tại.
Theo GS Long, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này vì trong Luật Trồng trọt, tại Điều 9 đã nêu các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt, trong đó có hành vi “Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.
Điều này có nghĩa là Bộ NN-PTNT hoàn toàn có thể ra quyết định cho phép những "giống Public" được phép sản xuất mà không phạm vào Luật.
Đối với những giống có tác giả nhưng đã “phóng thích” lưu hành thời gian dài trong xã hội thì cũng không nhất thiết phải công nhận lại vì công nhận lại thì phải đăng ký quyền bảo hộ, trong khi giống đã cũ, không có tính mới về thương mại thì không thể cấp được bằng bảo hộ.
Cơ quan quản lý cho phép những giống đó lưu hành, thì chỉ cần tiến hành công tác hậu kiểm, nghĩa là kiểm soát về chất lượng, đưa ra bộ tiêu chuẩn. Đơn vị, cá nhân nào muốn khai thác giống đó thì phải đáp ứng được tiêu chuẩn đó, nếu làm sai thì sẽ bị xử lý.
Đối với những giống đã được công nhận, GS Trần Đình Long cũng cho rằng không cần phải tiến hành công nhận lại vì trước đây đã có quyết định công bố lưu hành rồi, công nhận lại chỉ thêm tốn kém chi phí, thời gian.
“Về vấn đề khảo nghiệm có kiểm soát, khi tác giả công bố giống đã đánh giá rồi, tại sao phải khảo nghiệm VCU lại cho tốn kém? Chúng ta chỉ cần lấy kết quả thí nghiệm của tác giả đưa ra, bởi khi làm khảo nghiệm tác giả, họ đã phải nhờ tới các viện nghiên cứ, có bộ tiêu chuẩn đánh giá rồi, tại sao không dùng kết quả này mà phải làm lại?”, GS Trần Đình Long góp ý thêm về thủ tục khảo nghiệm giống.
Vẫn liên quan đến việc công nhận lại đối với các giống đã được "phóng thích" ra sản xuất từ lâu, một số ý kiến của doanh nghiệp trong ngành giống cây trồng cho rằng, những giống này cả xã hội đang sử dụng không có vấn đề gì, giờ doanh nghiệp, người dân lại phải đi "truy tìm" tác giả giống để cầu cạnh, xin phép. Có giống của nước ngoài, được đưa vào Việt Nam khi chưa có Pháp lệnh Giống cây trồng, nên không công nhận giống, giờ công nhận lại thì biết đi tìm tác giả giống ở đâu?
Có những tác giả giống khi đang công tác ở viện nghiên cứu, ăn lương nhà nước, dùng tiền nhà nước để nghiên cứu, chọn tạo giống, giờ tác giả về hưu cả chục năm, doanh nghiệp lại phải tìm đến tác giả để "ngã giá mua giống"? Như thế, có nghĩa là giống của nhà nước lại bỗng nhiên chảy vào túi cá nhân?
Danh sách cây trồng chính: Nên hay không nên?
“Về cây trồng chính, cần nghiên cứu xem có nên hay không nên lập danh sách cho các cây trồng chính. Bởi nếu không quy định về cây trồng chính, có thể sẽ kích thích được các bộ giống mới phát triển nhanh. Ví dụ, rau, hoa quả từ trước không phải là cây trồng chính nhưng vẫn phát triển rất mạnh, giá trị sản xuất cao.
Chúng ta biết rằng, khi đưa 1 giống vào cây trồng chính thì phải tiến hành rất nhiều thủ tục khảo nghiệm, vừa tốn kém, nhưng có thực sự cần thiết hay không thì cũng chưa hẳn. Bên cạnh đó, muốn gia tăng giá trị sản xuất, sản phẩm giống cây trồng tạo ra phải trở thành hàng hóa, có sức cạnh tranh. Do đó, chúng ta nên phát triển phù hợp với xu thế chung của thế giới. Xu thế giống của thế giới hiện nay là tự công bố lưu hành, chỉ cần khảo nghiệm DUS (đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định), cơ quan quản lý chỉ làm công tác hậu kiểm.
Về cơ sở pháp lý, trong Luật Trồng trọt có ghi cây trồng chính do Bộ NN-PTNT quyết định theo từng thời kỳ, văn bản dưới luật lại không quy định. Do đó, tại sao chúng ta “tự trói chân mình” vào danh sách cây trồng chính này này?
Theo tôi, trong trường hợp bắt buộc phải để cây trồng chính thì chỉ nên để lúa và ngô. Tuy nhiên, cần phải sửa đổi tiêu chuẩn Việt Nam về khảo nghiệm VCU đối với lúa và ngô vì rất nhiều điểm phức tạp".
(GS Trần Đình Long).