| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng khi thế chấp tài sản tại Co-op Bank!

Thứ Hai 21/03/2022 , 08:47 (GMT+7)

Không chứng minh được khách hàng có mặt và kí thế chấp tài sản nhưng bằng cách nào đó Co-op Bank vẫn giành phần thắng, thu lợi. Đẩy thiệt hại về cho khách hàng...

Như Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh về việc vợ chồng ông Nguyễn Minh Trí và bà Trần Thị Thanh Hà tại Sóc Trăng, năm 2009 có nhu cầu vay vốn 80 triệu đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng do thiếu hiểu biết cũng như quan hệ xã hội. Được người thân giới thiệu đã nhờ ông Tăng Văn Giá vay tiền tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Coop-Bank) chi nhánh Sóc Trăng với số tiền 80 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên với điều kiện là ông Trí phải thế chấp 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Trí đang canh tác, đồng thời cho ông Giá vay cùng và ông Giá sẽ đứng tên Hợp đồng vay.

Dù đã tất toán nhưng vẫn không thể lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về. Ảnh :ST

Dù đã tất toán nhưng vẫn không thể lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về. Ảnh :ST

Đồng ý với thỏa thuận trên, ông Trí đã chấp nhận để ông Giá và bà Nga (vợ ông Giá) đứng tên vay vốn tại Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba ngày 25/5/2009. Giữa 3 bên gồm bên nhận thế chấp là Co-op Bank; bên thế chấp là ông Trí, bà Hà; bên vay vốn là ông Giá, bà Nga.

Tuy nhiên, sau khi hợp đồng vay vốn ngày 25/5/2009 tất toán vào ngày 09/6/2010 thì ngày 16/6/2011, ông Giá lại tiếp tục vay tiếp 1,2 tỷ đồng tại Co-op Bank với tài sản đảm bảo là 2,2ha đất nêu trên.

Việc vay tiếp này không lập hợp đồng mới mà chỉ là ký tiếp một Phụ lục của Hợp đồng vay vốn ngày 25/5/2009.

Trong đó, ngoài việc vay thêm tiền còn có một điều khoản bổ sung khác đó là: “Đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện theo Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp và tài sản gắn liền với đất ngày 25/5/2009, đã được Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Kế Sách ký ngày 25/5/2009 vẫn được bảo lưu giá trị pháp lý cho đến khi xóa thế chấp”.

Như vậy, sau khi hợp đồng vay vốn nêu trên được tất toán vào ngày 09/6/2010, đăng ký giao dịch bảo đảm cũng sẽ hết hiệu lực vào ngày 09/06/2010 nhưng không hiểu vì sao vẫn tiếp tục được Co-op Bank sử dụng để đảm bảo cho khoản vay mới theo Phụ lục hợp đồng ký ngày 16/6/2011!?

Về nguyên tắc, việc thế chấp tài sản vay vốn phải được thực hiện khi có mặt của chủ sở hữu tài sản thế chấp. Nhưng trong trường hợp này cả ông Trí và bà Hà là chủ tài sản được thế chấp đều khẳng định không biết về Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay tiếp theo của ông Giá có giá trị 1,2 tỷ đồng, cũng không được gặp nhân viên ngân hàng, không kí vào bản Phụ lục Hợp đồng.

Khách hàng giao dịch tại Co-op Bank. Ảnh: minh họa.

Khách hàng giao dịch tại Co-op Bank. Ảnh: minh họa.

Để làm rõ ông Trí và bà Hà có đồng ý tiếp tục thế chấp tài sản như nội dung trong Phụ lục Hợp đồng hay không có hai cách:  Giám định chữ ký và Xem xét quy trình thẩm định cho vay vốn của ngân hàng Co-op Bank.

Kết luận giám định số 302/C54B ngày 29/3/2017 của Phân viện Khoa học Hình sự tại TP.HCM và Kết luận giám định số 53 ngày 27/2/2018 của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc Phòng đều kết luận không đủ điều kiện để kết luận là chữ ký trong phụ lục hợp đồng và chữ ký mẫu là do cùng một người ký ra hay không.  Cho thấy không thể trông đợi giải pháp này.

Nhưng về quy trình thẩm định cho vay vốn thì ngân hàng Co-op Bank có trách nhiệm phải chứng minh đã thực hiện đầy đủ quy trình. Tuy nhiên, phía ngân hàng đã không chứng minh được khi kí Phụ lục Hợp đồng đã có mặt cả 3 bên: Ngân hàng  -  ông Giá là người vay vốn và ông Trí, bà Hà là chủ sử dụng tài sản thế chấp. 

Đặc biệt, theo hồ sơ thì Phụ lục Hợp đồng vay vốn được chứng thực tại UBND xã. Nhưng ông Trí và bà Hà không được mời ra UBND xã để kí. Bản thân ông Giá lại khai với tòa rằng ông tự viết Phụ lục Hợp đồng rồi nhờ "người quen" chuyển tới cho ông Trí và bà Hà kí. Trước tòa, "người quen" này phủ nhận việc được ông Giá nhờ mang tới nhà ông Trí, bà Hà.

Như vậy có thể thấy để xảy ra tranh chấp là lỗi của ngân hàng Co-op bank không thực hiện đúng quy trình thẩm định cho vay vốn:

Thứ nhất, Co-op Bank đã sử dụng "Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp và tài sản gắn liền với đất ngày 25/5/2009" của một khoản vay đã tất toán để thế chấp cho một khoản vay khác.

Thứ hai, ngân hàng không chứng minh được  ông Trí, bà Hà có mặt và kí vào Phụ lục Hợp đồng ở đâu, với những ai và vào thời điểm nào?

Nếu đã là lỗi của Co-op Bank thì tại sao phía ngân hàng không nhìn thẳng vào sự thật để chịu trách nhiệm. 

Co-op Bank không dám đối diện với khuyết điểm của hệ thống, bao che cho sai phạm thì sẽ còn có những khách hàng như ông Trí, bà Hà phải gánh chịu thiệt hại.

Đặc biệt đối với những khoản vay vài chục tỉ, vài trăm tỉ thì giá trị tài sản thế chấp sẽ tương đương. Vậy mà Co-op Bank vẫn không cần chứng minh thực hiện đúng quy trình thẩm định, khách hàng tự dưng phát hiện thấy có thêm Phụ lục hợp đồng thì thử hỏi ai còn dám thế chấp tài sản của mình tại Co-op Bank?

Đây chính là vì uy tín và thương hiệu của ngân hàng. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.