| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Cảng cá phần lớn đều thiếu đồng bộ và công trình phụ trợ

Thứ Tư 16/03/2022 , 09:01 (GMT+7)

Thế mạnh của những tỉnh miền Trung là đánh bắt thủy sản, nhưng phần lớn các cảng cá ở đây đều chưa được khai thác hết tiềm năng do đang tồn tại nhiều bất cập.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghé thăm cảng cá Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: MP.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghé thăm cảng cá Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: MP.

Thiếu đủ thứ

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, hiện cảng cá Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận là khu dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối hoàn chỉnh, bao gồm cảng cá Cà Ná cũ và mới, hệ thống giao thông cảng, hệ thống công trình bảo vệ cửa Cà Ná, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu cá, nhà máy nước đá, chế biến thủy sản và dịch vụ cung cấp nước ngọt, xăng dầu.

Tuy nhiên, hệ thống cảng cá Cà Ná trước đây được đầu tư xây dựng hạ tầng công trình thiếu đồng bộ, thiếu các công trình phụ trợ, các trang thiết bị dây chuyền xếp dỡ hàng hóa chưa có, một số trục đường nội bộ, cổng tường rào chưa được đầu tư hoàn thiện nên hiệu quả sử dụng cảng chưa cao.

Thêm vào đó, hiện nay luồng lạch, vũng neo đậu tàu bị bồi lắng, cạn hẹp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng tránh trú bão. Trong khi đó, lượng tàu thuyền tại cảng cá Cà Ná không ngừng tăng về số lượng cũng như công suất. Cảng cá Cà Ná lại chưa có cầu cảng, địa điểm lên cá, phân loại cá để truy xuất nguồn gốc chưa đảm bảo.

Đặc biệt, cảng cá Đông Hải là cảng cá trung tâm phân phối hàng hóa hải sản đi các địa phương lân cận nhưng thực trạng hiện nay diện tích đất chỉ có 1,8ha, không đảm bảo theo tiêu chí cảng cá loại II phải có diện tích đất từ 2,5ha trở lên, khu tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa hải sản chưa có mái che ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác. 

"Từ thực tế trên, hoạt động tại các cảng cá Ninh Thuận phần nào đã ảnh hưởng đến nhu cầu cập cảng của tàu cá ra vào mua bán sản phẩm trong tỉnh và các vùng lân cận. Việc cơ sở hạ tầng cảng xuống cấp cũng ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa đáp ứng kịp thời việc truy xuất nguồn gốc thủy sản sau khai thác”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ thêm.

Do bến 40CV bị bồi lấp không khai thác được nên các tàu cá tranh dành neo đậu ở bến Cồn Chà (Bình Thuận). Ảnh: MP.

Do bến 40CV bị bồi lấp không khai thác được nên các tàu cá tranh dành neo đậu ở bến Cồn Chà (Bình Thuận). Ảnh: MP.

Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Thuận, về hệ thống cảng cá, khu neo đậu trong tỉnh giai đoạn năm 2016 - 2020 cho thấy, tàu cá các tỉnh hoat động trên ngư trường Bình Thuận nhiều nhất vào vụ cá Nam, từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm với từ 2.500 - 3.000 tàu cá; vào các tháng cá Bắc, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau số lượng tàu ̣ ít hơn, khoảng 1.000 - 1.500 tàu. Do số lượng tàu cá trong tỉnh khá lớn, lại có thêm tàu cá từ các tỉnh cập về nên đã gây áp lực rất lớn về bố trí, sắp xếp nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khi có bão. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của tỉnh tại thành phố Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa luôn trong tình trang quá tải, nhất là trong thời gian từ tháng 9 dến tháng 11 hằng năm.

Khu neo đậu quá tải

Ở Bình Định có 2 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Khu neo đậu Đầm Đề Gi nằm trên địa bàn 2 huyện Phù Cát và Phủ Mỹ có diện tích 1.580ha nhưng hiện phần lớn diện tích mặt nước đã bị bùn, cát bồi lấp cục bộ; luồng lạch ra vào khu neo đậu còn nhỏ, hẹp và thường xuyên bị bồi lấp.

Thêm vào đó, tàu thuyền đánh bắt ngày càng có dung tích, công suất lớn nên không đảm bảo vào sâu trong đầm, mà chỉ neo đậu tại vùng nước gần trước khu vực cảng cá Đề Gi với khả năng neo đậu với số lượng tối đa khoảng 400 chiếc. Hiện tại, khu neo đậu Đầm Đề Gi đang được đầu tư xây dựng.

Khu neo đậu trong Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) bị quá tải. Ảnh: LK.

Khu neo đậu trong Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) bị quá tải. Ảnh: LK.

Còn khu neo đậu Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) có diện tích 60ha, có khả năng chứa tối đa là 1000-1200 tàu cá, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, riêng số tàu cá của thị xã Hoài Nhơn đã lên đến 2.500 tàu, ngoài ra trong những tháng mưa bão, khu neo trú đậu bão còn tập trung khoảng 250 - 300 tàu của huyện Phù Mỹ và tỉnh Quảng Ngãi.

Điều này đã gây quá tải cho khu neo đậu, cộng với luồng lạch cửa Tam Quan vẫn còn nhỏ, hẹp và thường xuyên bị bồi lấp, trong khi đó tàu thuyền đánh bắt ở vùng biển xa ngày càng có dung tích, công suất lớn nên việc ra vào cửa Tam Quan rất khó khăn và không đảm bảo an toàn.

Thực trạng các khu neo đậu để tàu cá tránh trú bão ở tỉnh Bình Thuận cũng chẳng khá hơn. Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, trước yêu cầu của lực lượng tàu cá khai thác hải sản trên địa bàn quy mô, năng lực 1 số cảng cá, khu tránh trú bao cho tàu cá trên đia bàn tỉnh theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 không còn phù hợp.

Số lượng tàu cá, cỡ tàu vào cảng cá, khu neo đậu trên thưc tế đã lớn hơn so với quy mô quy hoạch dẫn đến tình trạng quá tải, vươt quá khả năng đáp ứng của các cảng cá, khu tránh trú bão. Điển hình là khu tránh bão và Cảng cá La Gi; khu tránh bão và Cảng cá Phan Rí Cửa; khu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng Phú Hải.

Tàu thuyền của ngư dân Bình Thuận neo đâu trên sông Cà Ty. Ảnh: LK.

Tàu thuyền của ngư dân Bình Thuận neo đâu trên sông Cà Ty. Ảnh: LK.

Theo Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết, đơn vị quản lý khu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng Phú Hải, khu tránh trú bão Phú Hải có diện tích vùng đất cảng khoảng 2,6ha gồm các hạng mục khu tránh bão như đê, kè chắn sóng, trụ neo, nhà điều hành; bến cập tàu, nhà phân loại hải sản, sân bãi của cảng cá đảm bảo tàu cá có công suất đến 600 CV vào trú bão, tập kết tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, do luồng lạch bị bồi lấp nặng khiến tàu thuyền không ra vào được khi triều xuống. Điều đáng nói là khu tránh trú bão này hiện chỉ đáp ứng năng lực neo đậu khoảng 500 tàu, trong khi năng lực thiết kế đảm bảo trên 1.000 tàu. Vào mùa mùa mưa bão, nhiều tàu phải đậu trên sống ở phía ngoài, đối mặt với nguy hiểm, dễ gây thiệt hại cho ngư dân.

Hệ thống sân bãi của Cảng cá Tam Kỳ (Quảng Nam) đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Ảnh: LK.

Hệ thống sân bãi của Cảng cá Tam Kỳ (Quảng Nam) đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Ảnh: LK.

Có cảng nhưng ngư dân lựa chọn neo tàu ở bến cá

Ông Lê Hoàng Vũ, Chuyên viên Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý Cảng cá Quảng Nam thừa nhận, dù được quy hoạch là cảng cá loại II, tuy nhiên cảng cá Tam Kỳ lại rất ít tàu thuyền đến đây để bốc dỡ hàng hóa, bởi cảng nằm ở vị trí không thuận lợi. Do đó, các tàu thuyền khai thác của ngư dân lựa chọn cho tàu về những bến cả, cảng cá phù hợp hơn.

Còn tại cảng An Hòa thuộc xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), cảng cá được chỉ định là cảng loại II nhưng hiện nay chưa được đầu tư hệ thống mái che. Cảng chủ yếu phục vụ cho các tàu thuyền làm nghề câu mực khơi với sản phẩm khô vào cập cảng để mua bán.

Điều này dẫn đến việc những tàu vận chuyển hàng tươi sống rất ít cập cảng. Ngư dân sẽ lựa chọn những cảng, bến cá thuận lợi hơn để buôn bán hải sản tươi. Theo ghi nhận, tại Quảng Nam, tàu cá sau khi khai thác thường đến bán sản phẩm tại các bến cá Thanh Hà (Hội An), An Lương (Duy Xuyên), Tân An - Bình Minh (Thăng Bình) và các bến đò Tam Quang (Núi Thành), cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Thực trạng này dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu .

Nhiều tàu cá ở Quảng Nam vẫn cập các bến cá để bốc dỡ thủy sản, hoạt động buôn bán cũng diễn ra ở các bến cá. Ảnh: LK.

Nhiều tàu cá ở Quảng Nam vẫn cập các bến cá để bốc dỡ thủy sản, hoạt động buôn bán cũng diễn ra ở các bến cá. Ảnh: LK.

Dựa trên thực tế các cảng cá hiện nay trên địa bàn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận rằng, phần lớn các cảng cá đều thiếu cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống phương tiện bốc dỡ hàng hóa còn thô sơ; việc bảo quản nguyên liệu chưa đảm bảo, tỷ lệ tổn thất sau khai thác còn cao, chất lượng hải sản bị xuống cấp và khó đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.