| Hotline: 0983.970.780

Cành đào Tết ở xóm chạy thận

Thứ Hai 05/02/2024 , 15:12 (GMT+7)

Chiều muộn, anh Chu Đức Cương mới kịp mang cành đào về nhà trọ nằm sâu trong ngõ nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị. Đây là cành đào Tết đầu tiên ở xóm chạy thận.

Cành đào hy vọng

Thấy anh Cương mang cành đào về nhà, chị Nguyễn Thị Thương - vợ anh, vội tìm chiếc bình để cắm, trong lúc anh Cương bật bếp gas, dí đầu cành hơ trên ngọn lửa xanh lè, đốt. "Kinh nghiệm của các cụ, muốn đào tươi lâu, bông nở to, cứ phải đốt cho cháy đầu cành, nhựa cây không bị thoát ra, cành đào sẽ tươi được lâu hơn”, anh Cương giải thích.

Không có bình để cắm, chị Thương lấy chai nhựa vẫn đựng nước lọc để trong góc phòng mang ra thay bình cắm. Loay hoay chừng chục phút, cành đào đã nghễu nghện trên chiếc bàn gỗ ép cũ kỹ. Qua một đêm, sáng sớm mai, khi đã no nước, nó sẽ tỉnh lại, để nụ hoa mọng căng bung nở đón mùa xuân.

Cành đào đầu tiên có mặt ở xóm chạy thận- BV Bạch Mai được anh Cương mang về chiều 25 Tết.

Cành đào đầu tiên có mặt ở xóm chạy thận- BV Bạch Mai được anh Cương mang về chiều 25 Tết.

"Phải có tí không khí cho Tết phấn khởi. Gì thì gì, Tết vẫn đến, và mình cũng phải có mơ ước, tinh thần phấn chấn mới mạnh khỏe, đẩy lùi được bệnh tật”, anh Cương vẫn rất vui. Dường như, lâu lắm rồi anh mới tìm lại được cảm giác phấn chấn như chiều ngày hôm nay, anh mạnh dạn dắt chiếc xe đạp đi dạo một vòng chợ hoa đang náo nức khắp phố phường Hà Nội, chọn được cành đào mà theo anh, là đẹp nhất chợ để mang về phòng trọ.

“Anh ra tận chợ đầu mối đấy. Cành đào này 200 ngàn đồng, nó nhỏ thôi, nhưng chắc là đẹp nhất”. Phụ họa theo niềm phấn chấn của chồng, chị Thương mau mắn dọn đám dây buộc cành đào, rồi dắt chiếc xe đạp vào đúng vị trí mà nó vẫn đứng: trong góc căn phòng.

Sinh năm 1976, quê Ứng Hòa (Hà Nội), anh Cương chạy thận đến nay được 27 năm. Chị Thương, quê Hưng Hà (Thái Bình) cũng chung sống với bệnh tật từ năm 2017, đến nay bước sang năm thứ 7. Sảy nhà ra thất nghiệp, lên chạy thận, chung sống với bệnh tật, ngày hai lần từ nhà trọ sang Bệnh viện Bạch Mai chạy máy lọc, những bệnh nhân như anh Cương, chị Thương đã thuộc từng viên gạch lát đường.

Từ lâu, ngõ số 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) đã trở thành nơi tìm đến của những bệnh nhân chạy thận, bởi nó gần với Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện đầu tiên cũng là đầu ngành trong chữa trị cho các bệnh nhân mắc phải căn bệnh này. Họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ… Nhưng, khi đã tới ngụ cư ở con hẻm này, quê quán, gốc gác của họ không còn là thứ để phân biệt nữa. Họ đều có chung một tên gọi: công dân của xóm chạy thận.

Với những bệnh nhân chạy thận, cành đào này không chỉ là sứ giả của mùa xuân, nó còn là cành hoa hy vọng.

Với những bệnh nhân chạy thận, cành đào này không chỉ là sứ giả của mùa xuân, nó còn là cành hoa hy vọng.

Xóm chạy thận có khoảng 100 phòng trọ, với 113 bệnh nhân. Như là định mệnh, nơi đây không có bất kỳ một người ngoại đạo nào khác lọt vào, và các chủ nhà trọ cũng không thể cho người ngoài khác vào thuê, trừ những người chung sống với máy lọc thận.

Phòng trọ của vợ chồng anh Cương có lẽ là sạch sẽ, tươm tất nhất ở xóm chạy thận. Rộng chừng 20m2, đủ kê được 2 chiếc giường nhỏ, phòng vệ sinh khép kín; một góc nhỏ rộng chừng hơn m2 kê vừa chiếc bàn gỗ đặt bếp gas đun nấu, chạn bát… Ngoài ra, có thêm một chiếc gác xép lưng lửng; một chiếc tủ lạnh đặt trong góc phòng…

“3 người thuê trọ, mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Nó nguyên là một căn nhà được chủ trọ xây cho con trai lấy vợ, nhưng đôi vợ chồng trẻ không ở nên mới tới lượt chúng tôi”, chị Thương kể chuyện trong lúc chuẩn bị nấu bữa tối.

Một khu trọ của những bệnh nhân trong xóm chạy thận Bạch Mai.

Một khu trọ của những bệnh nhân trong xóm chạy thận Bạch Mai.

Kế căn phòng trọ của chị Thương chừng mươi bước chân, một dãy trọ cấp 4 với 4 - 5 phòng lợp mái pro-xi măng, mỗi phòng rộng chục m2 kê vừa hai chiếc giường rẻ quạt. Ông Nguyễn Văn Bang (SN 1964, quê Bắc Giang) trọ ghép cùng với anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1980, quê Nam Định). Hai ông con ngồi thu lu trên chiếc giường, xung quanh bừa bộn quần áo, túi xách, chiếc tủ quần áo có khóa kéo, và thứ có giá trị nhất là chiếc tủ lạnh một cánh cũ kỹ nằm góc trong cùng.

Đối diện với phòng của ông Bang, phòng trọ của chị Vương Thị Hoàng Anh (quê Hải Dương) cũng không có gì khác biệt. Mảnh sân toen hoẻn làm lối đi chung của dãy nhà trọ, dây phơi quần áo chăng dọc ngang. Mấy hôm nay Hà Nội hửng nắng sau nhiều ngày nồm ẩm, sương mù, xóm chạy thận tranh thủ mang đồ ra phơi, chộn rộn hệt như cảnh tất bật dọn dẹp nhà cửa cuối năm đón tết, ở những vùng ngoại ô vài chục năm về trước.

Những phòng trọ xập xệ này được cho thuê với mức giá 1,5 triệu đồng/2 người, chưa tính điện nước hằng tháng. Nó cũng chỉ là chỗ ngủ qua đêm, bởi mỗi ngày, việc của người dân xóm chạy thận đó là băng ngang qua đường chạy thận theo lịch trình đã được fix cố định, theo phác đồ điều trị.

Ông "tổ trưởng tổ chạy thận"

Anh Mai Anh Tuấn, bệnh nhân có thâm niên chạy thận lâu nhất ở xóm chạy thận: 29 năm. Anh lên phố Lê Thanh Nghị từ lúc còn là một thanh niên 18 tuổi, chấp nhận chung sống với máy lọc đến suốt đời. Nếu anh không nói, sẽ không ai biết anh là một bệnh nhân bền bỉ và dai dẳng nhất ở đây, bởi vẻ bề ngoài thư sinh, đeo kính cận, dáng khắc khổ của một ông giáo làng nhiều hơn một bệnh nhân bị căn bệnh hiểm nghèo.

Bệnh nhân Mai Anh Tuấn có vẻ ngoài khắc khổ như một ông giáo làng, nhưng anh là người có thâm niên chạy thận lâu nhất ở xóm chạy thận Bạch Mai.

Bệnh nhân Mai Anh Tuấn có vẻ ngoài khắc khổ như một ông giáo làng, nhưng anh là người có thâm niên chạy thận lâu nhất ở xóm chạy thận Bạch Mai.

Gia đình anh có 4 người cùng chạy thận. Trước anh Tuấn là bố anh - một cựu quân nhân tham gia kháng chiến, sau đó bị nhiễm chất độc da cam, rồi em trai anh, em rể của anh cũng phải chạy thận. Anh là người thứ tư trong gia đình mắc căn bệnh này, phải từ bỏ công việc của một kỹ sư vận hành máy thi công cơ giới…

Vì có thời gian chạy thận lâu nhất ở đây, đồng nghĩa với việc đến ở xóm chạy thận nhiều năm nhất, anh Tuấn trở thành “tổ trưởng tổ dân phố chạy thận”, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, là người nắm rõ từng cái tên, từng con người… ở xóm chạy thận, để khi các đoàn từ thiện tới tặng quà cho bệnh nhân chạy thận vào các dịp trong năm, anh sẽ đại diện đi gõ cửa từng nhà để loan báo thông tin, tập hợp mọi người.

Như chiều 25 Tết năm nay…

Anh Mai Anh Tuấn vần vò kéo cái “loa kẹo kéo” từ cuối ngõ ra một ngôi nhà thờ dòng họ của một gia đình nhà dân người gốc phường Đồng Tâm. Đây là ngôi nhà thờ hiếm hoi mọc lên giữa xóm chạy thận, có khoảng sân rộng chừng vài chục m2. Người chủ nhà tốt bụng cho công dân xóm chạy thận mượn làm nơi tổ chức các sự kiện cộng đồng.

“Ở đây, ai cũng thuộc hộ nghèo rồi. Nhưng không ai phàn nàn, kêu ca gì cả, bởi ai cũng hiểu phải trường kỳ chung sống với bệnh tật, nên bấu víu nhau, quan tâm nhau để mang lại cho nhau những gì thương mến”, bệnh nhân chạy thận kỳ cựu Mai Anh Tuấn nói.

 
 

Cuối năm, ai cũng bận rộn. Nhóm của chị Phương Hoa, nhờ sự giúp đỡ của trưởng nhóm Mai Anh Tuấn, trong khoảng 30 phút đã hoàn thành công việc tặng lì xì cho bệnh nhân chạy thận. Mọi người lại lục tục đi về những căn phòng trọ tồi tàn, xập xệ giữa Thủ đô mà họ xác định sẽ phải gắn bó với nó lâu dài, cho tới khi không còn sức để chạy thận tiếp được nữa, nhưng không ai bỏ cuộc.

Trong căn phòng sạch sẽ, tinh tươm của vợ chồng anh Cương, cành đào vừa cắm bình đã bắt đầu mởn trở lại. Những nụ đào tròn xoe, đều đặn chạy dọc theo những mắt lá. Chỉ vài ngày tới, cơn mưa xuân sẽ rây bột xuống những đọt đào xanh non, và luồn cả vào trong những bông đào bắt đầu xòe cánh. Nó không chỉ là sứ giả của mùa xuân, mà ở xóm chạy thận, nó còn là cành hoa hy vọng.

 
 
Cuộc sống của những bệnh nhân xóm chạy thận Bạch Mai.

Cuộc sống của những bệnh nhân xóm chạy thận Bạch Mai.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Mù Cang Chải thu hút khách du lịch suốt bốn mùa

YÊN BÁI Với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi non trùng điệp cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc, Mù Cang Chải là điểm đến hấp dẫn du khách 4 mùa trong năm.